Lính trọng án và những cái Tết mong được… thất nghiệp

Chủ Nhật, 22/01/2012, 12:58
Thực ra, việc lính trọng án quanh năm suốt tháng triền miên với các vụ trọng án đã khiến những người vợ tảo tần trở nên cứng cỏi hơn để gồng gánh gia đình. Nhưng dịp Tết đến xuân về, vẫn chỉ một mình người vợ ngược xuôi với việc sắm sửa, lo trọn phận sự với đôi bên nội ngoại…, rất dễ có cảm giác tủi thân.

Là chiến sỹ Cảnh sát hình sự, chuyện mất Tết vì bận công việc là điều không lạ. Nhưng đối với những người lính ở hai Đội điều tra trọng án Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hà Nội, khi ngồi hồi tưởng lại những cái Tết đã qua, ai cũng giật mình bởi quá nhiều lần họ không trọn vẹn cái Tết với gia đình. Những thời điểm ấy, họ rất nhiều cảm xúc: hơi chạnh lòng, day dứt, thấy mình có lỗi với vợ con…Nhưng rồi họ hiểu rằng, đó là trách nhiệm của người lính khi các anh đang công tác và chiến đấu tại ngôi nhà số 7 Thiền Quang, đơn vị Anh hùng LLVTND.

1. Rạng sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, Đội điều tra trọng án 1 (Đội 9) nhận được tin báo xảy ra vụ giết người tại ngõ 186 phố Quán Thánh. Đã tưởng được một lần yên bình đón giây phút thiêng liêng của thời khắc chuyển năm mới, vậy mà… Tất cả anh em trực trên đơn vị lao xuống hiện trường, phối hợp với Công an quận Ba Đình khám nghiệm, điều tra. Nạn nhân là anh Nguyễn Toàn Thắng, bị một nhóm thanh niên đâm tử vong do mâu thuẫn bột phát. Sau khi đâm, nhóm kia đã lên xe bỏ chạy theo hướng Quán Thánh- Thanh Niên.

Vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngay trong sáng mùng 1 Tết, các trinh sát của Đội 9 phối hợp với Công an quận Ba Đình đã phải "xông đất" một số gia đình ở khu vực quanh hiện trường để tìm hiểu thông tin liên quan đến vụ án. Nghe thì đơn giản nhưng thực hiện nó không hề dễ. "Thử tưởng tượng xem, khi mới sáng mùng 1 Tết, có người đến gõ cửa nhà mình. Mở cửa, thấy một ông Công an đến hỏi thông tin về vụ giết người, đâu có ai thích"- Một trinh sát tham gia vụ án nhớ lại. Phải làm những việc "bất đắc dĩ" ấy, các anh phải rất tế nhị. Họ ăn vận lịch sự, đến chúc Tết gia đình trước, rồi mới đề nghị gia đình giúp đỡ thông tin truy tìm tội phạm…

Trong quá trình điều tra vụ án, qua một máy camera, các anh phát hiện được BKS một chiếc xe máy trong nhóm gây án. Tuy nhiên, do BKS đã bị thay đổi một con số nên phải xác minh qua đến 40 chiếc xe và người sở hữu mới phát hiện được đối tượng nghi vấn sử dụng chiếc xe thời điểm gây trọng án. Cho đến ngày 12 Tết âm lịch, lính trọng án phối hợp với Công an quận Ba Đình mới bắt giữ và động viên hết các đối tượng gây án. Ngoảnh lại, không khí Tết đã lùi qua, sắc hoa đào lạt phai, mọi hoạt động của gia đình và xã hội đã tiếp tục vào guồng máy như mọi ngày…

Thượng tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội 9 kể rằng, do tính chất công việc nên CBCS trong đơn vị dường như không được phép nghĩ đến cái Tết cho riêng mình. Mong "thất nghiệp" trong dịp Tết thì quá xa xỉ, vì vậy, anh Hà cũng như các CBCS của mình chỉ muốn các vụ án được kết thúc trước thời khắc chuyển giao năm mới, để anh em được cùng nhau chụm chén rượu đầu xuân, hoặc tranh thủ chạy qua nhà chúc Tết gia đình nhân dịp đầu năm.

Tết năm 2011 vừa qua, đến 25 Tết, các anh vẫn phải "nhận" một vụ trọng án xảy ra tại địa bàn phường Sài Đồng (Long Biên). Nạn nhân là anh Nguyễn Chí Hùng, SN 1961, bị chết trên tầng 2 nhà riêng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát, điều tra viên Đội 9 phối hợp với Công an quận Long Biên rà soát, phát hiện đối tượng gây án là Lưu Công Hoàng, SN 1991, trú tại Lương Sơn (Hòa Bình). Những ngày Tết giá rét, bận rộn, nhiều tổ công tác của Đội 9 và Công an quận Long Biên vẫn phải tỏa đi các nơi để truy tìm đối tượng. Một mũi vào Thanh Hóa, nơi có nguồn tin đối tượng đang lẩn trốn. Suốt mấy ngày trời, các anh như bị chơi trò "cút bắt" với đối tượng, biết tin đến nơi, hắn lại thoắt chuyển chỗ khác. Những ngày giáp Tết, các hàng ăn trong thành phố Thanh Hóa đều nghỉ, chỉ còn mấy hàng bán bánh chưng.

"Vào nhà ai nhờ cơm trong dịp bận rộn này thì cũng ngại. Anh em đành bấm bụng mua chục chiếc bánh chưng ăn dần. Chúng tôi bị ăn nhiều bánh chưng quá đến mức khi vào Tết, nhìn thấy bánh chưng là…sợ"- một trinh sát kể chuyện. May quá, đến chiều 29 Tết, các anh bắt được tên Lưu Công Hoàng. Bụng toàn bánh chưng nhưng ai cũng vui vì đã có "quà" tết mừng cho chỉ huy và hoàn thành sứ mệnh nhân dân giao phó…

Lực lượng điều tra trọng án dẫn giải đối tượng giết người, cướp tài sản.

2. Đối với 2 Đội điều tra trọng án: Đội điều tra trọng án 1 (Đội 9) và Đội điều tra trọng án 2 (Đội 13), các anh đã quá quen với chuyện "xông đất" đầu năm là các vụ trọng án. Thượng tá Nguyễn Bá Ngọc, Đội trưởng Đội 13 kể rằng, đầu năm nay, vừa mùng 4 Tết, các anh đã nhận được tin tại xã Thanh Cao (Thanh Oai) xảy ra vụ giết người, cướp tài sản. Một người phụ nữ đi bán rau vào sáng sớm, khi đi qua cánh đồng vắng đã bị đối tượng sát hại một cách dã man để cướp tiền. Thế là, chấm dứt không khí Tết, những trinh sát kinh nghiệm của Đội 13 được huy động vào cuộc. Họ phải ngày đêm có mặt ở xã Thanh Cao và các địa bàn lân cận, phối hợp với Công an huyện để tìm nhân chứng và các thông tin liên quan.

Không khí Tết ở các xã nông thôn kéo dài, nhiều khi đến hết tháng Giêng. Đến đâu, các trinh sát cũng gặp không khí ăn nhậu mừng Tết tưng bừng của bà con. Vì vậy, nhiều khi, buổi tối, họ vẫn cố phóng xe máy về Công an huyện để nghỉ tạm mấy tiếng. Sáng hôm sau, lại hành quân vào xã… Rất nỗ lực, các anh đã phát hiện được đối tượng gây án là Nguyễn Văn Thuận, nhưng hắn đã bỏ trốn khỏi địa phương. Lại "mò kim đáy bể" giữa những ngày đầu xuân. Hễ nơi nào có thông tin về Thuận, các anh lại lên đường, dù nơi đó cách xa Hà Nội hàng nghìn cây số. Đến gần hết tháng Giêng, các anh mới phát hiện Thuận đang trốn tại tỉnh Lâm Đồng. Một tổ công tác lập tức lên đường…

Cũng là ngày mùng 4 Tết năm nay, một trường hợp khá đặc biệt đã xảy ra tại trụ sở số 7 Thiền Quang. Cùng một thời điểm, cả đối tượng Trương Mạnh Quân và người nhà nạn nhân bị gã giết hại (anh Nguyễn Hữu Tài) đến xin gặp các điều tra viên của Đội 9. Hai tin đến cùng một lúc trong ngày đầu năm khiến các điều tra viên lúc đầu cũng "bán tín, bán nghi". Chuyện anh Tài mất tích theo người nhà trình báo thì rõ rồi. Nhưng chẳng nhẽ, một kẻ giết người dã man như Quân, đập chết bạn trên sân thượng, sau đó ném xác xuống sông Hồng lại có thể dễ dàng đến tự thú như thế.

Dẫn giải đối tượng về địa điểm gây án là nhà hắn, trong lòng các điều tra viên rất phấp phỏng. Khi đối tượng đưa các điều tra viên lên sân thượng, chỉ chỗ gây án, nhìn những dấu máu khô tuy đã được tẩy rửa nhưng vẫn đọng lại, các anh đã thấy có niềm tin về vụ trọng án. Sau đó, Quân lại đưa các anh đến khu nhà vệ sinh vẫn còn bọc quần áo dính máu của hắn bị đốt cháy nửa chừng và một số địa điểm nữa, các anh đã khẳng định được Quân chính là đối tượng gây án. Sau đó là những ngày bận rộn với việc tìm xác nạn nhân, củng cố chứng cứ để xử lý đối tượng…

3. Năm nào cũng vậy, bao giờ đến cuối năm, Bộ Công an cũng phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán. Những ngày cuối năm sôi sục khí thế tấn công tội phạm. Cũng như các lực lượng khác, 100% quân số của hai Đội điều tra trọng án đều phải trực 24/24h. Đặc trưng của đơn vị các anh là khi có trọng án xảy ra là nhanh chóng phải vào cuộc. Vì thế, họ không được chọn việc cho mình… Mỗi khi có vụ trọng án xảy ra vào dịp Tết, thế là cả Đội lại tập trung đủ quân số trên đơn vị. Nhiều năm, chỉ huy Đội mua mấy hộp bánh to đùng (hàng kg) để chờ dịp chúc Tết toàn đơn vị đầu năm. Nhưng sau mấy ngày tập trung lực lượng điều tra vụ án, các hộp bánh hết veo vì đầu năm chưa có hàng quán bán cơm trưa. Công việc lại bận nên các trinh sát, điều tra viên đành lấy bánh quy thay… cơm.

Ai cũng có một gia đình để lo lắng, để đoàn tụ mỗi dịp năm mới. Những người lính trọng án của Hà Nội cũng vậy. Nhưng họ đành nén lòng lại. Thực ra, việc các anh quanh năm suốt tháng triền miên với các vụ trọng án đã khiến những người vợ tảo tần trở nên cứng cỏi hơn để gồng gánh gia đình. Nhưng dịp Tết đến xuân về, vẫn chỉ một mình người vợ ngược xuôi với việc sắm sửa, lo trọn phận sự với đôi bên nội ngoại…, rất dễ có cảm giác tủi thân. Các anh biết hết và hiểu hết. Song, mang trách nhiệm của người lính trọng án trên vai, họ chỉ biết thầm cảm ơn những người vợ, những hậu phương vững chắc đã cảm thông và chia lửa với họ trên con đường hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2011, Đội 9 đã trực tiếp điều tra và phối hợp với Công an các quận, huyện điều tra, khám phá 77 vụ với 248 đối tượng (trong đó trực tiếp điều tra khám phá, khai thác mở rộng 21 vụ với 49 đối tượng), trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2011, Đội 9 có 12 lượt tập thể, 44 lượt cá nhân được khen thưởng, trong đó có 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… Đội 13 phối hợp điều tra khám phá 100% vụ giết người, cướp tài sản; 84% các vụ giết người. 1 lượt tập thể và 19 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng, trong đó có 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ Công an, UBND TP Hà Nội…

T.Hòa
.
.