Lênh đênh sóng nước theo dấu tội phạm

Thứ Bảy, 22/08/2015, 09:17
Dãi nắng, dầm mưa, nửa đêm ngụp lặn dưới dòng nước buốt, thậm chí đối mặt với hiểm nguy, khi đối tượng có vũ khí trong tâm thế sẵn sàng chống trả, đó là những gì mà các chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm trên các tuyến đường thủy nội địa đã, đang và sẽ trải qua.

Mang trong mình không chỉ  trọng trách đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường thủy, mà còn đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân, những chiến sĩ CSGT đường thủy vẫn đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực vì điều đó…

Những ngày cuối tháng 7/2014, không khí làm việc của các cán bộ, chiến sỹ Phòng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy (Cục CSGT) sục sôi, căng thẳng hơn bao giờ hết. Không khí luôn “nóng “ là vì chuyên án  đấu tranh với nhóm đối tượng tham ô, trộm cắp, buôn lậu than đi Trung Quốc tiêu thu, đang đi vào hồi nước rút. Nếu như ở dưới biển luôn có vài ba tổ mật phục thì trên bờ, các tổ công tác khác lại luôn trong tư thế sẵn sàng đợi hiệu lệnh. 

Thế rồi, sau nhiều ngày kiên trì bám trụ địa bàn, với sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, không ngại sóng gió, đối phó với các thủ đoạn trốn tránh và sẵn sàng chống trả của các đối tượng trên biển, nơi cách đất liền hàng 100 hải lý, 11h đêm, lực lượng CSGT đường thủy tham gia chuyên án đã tổ chức bắt quả tang tàu Quang Phúc 08 đang vận chuyển 4.000 tấn than cám đi Trung Quốc tiêu thụ, tại khu vực vùng biển giáp ranh giữa Quảng Ninh và Trung Quốc. Đồng thời, kiểm tra bến bãi của các đối tượng, thu giữ trên 50.000 tấn than các loại không giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, trị giá trên 50 tỷ đồng, tạm giữ toàn bộ phương tiện máy móc sử dụng để phạm tội trị giá hàng trăm tỷ đồng. 

Sau khi phá án, Ban chuyên án đã báo cáo đồng chí Bộ trưởng để xin ý kiến chỉ đạo, chuyển Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 15 đối tượng về hành vi buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, ra lệnh bắt tạm giam 9 đối tượng và ra quyết định truy nã 6 đối tượng đang bỏ trốn. 

Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra đã chứng minh được trong thời gian từ tháng 1/1/2014 cho đến ngày 28/7/2014, các đối tượng đã tổ chức xuất lậu số lượng 284 tàu với tổng số than gần 600.000 tấn, tương đương 600 tỷ đồng. Có thể nói, đây là chuyên án điển hình và lớn nhất từ trước đến nay, do lực lượng CSGT đường thủy triệt phá thành công, các đối tượng buôn lậu câu kết với nhau, hết sức tinh vi chặt chẽ trong khoảng một thời gian dài với sự bao che, bảo kê của một số đối tượng trong ngành Than, gây thất thoát lượng tài nguyên rất lớn của Nhà nước, vi phạm trật tự quản lý kinh tế và xuất khẩu của ngành Than.

Một ca tuần tra đêm.

Khi chuyên án này chưa kịp khép lại, thì một chuyên án khác lại được mở ra, với tính chất khắc nghiệt không kém. Để rồi, vào 2h ngày 7/11/2014, hai chiếc xuồng cao tốc của Thủy đoàn I đóng quân tại Bắc Ninh lặng lẽ rẽ sóng, hướng về sông Hồng khu vực xã Vân Phúc (Phúc Thọ, Hà Nội) để thực hiện chuyên án.

“Trên đường bộ, mũi công tác khác của Cục CSGT cũng triển khai lực lượng đánh án, kết hợp với gần 200 cán bộ, chiến sỹ lực lượng đặc nhiệm Cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự bủa vây dưới sông, trên bờ trong phạm vi vài km”, Đại tá Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy (Cục CSGT) kể về quá trình phá án bắt giữ băng nhóm “cát tặc” trên sông Hồng, đoạn giáp ranh Hà Nội và Vĩnh Phúc, mà Cục CSGT thực hiện. 

Theo Đại tá Sơn, đến rạng sáng, ngay khi có lệnh của Ban chuyên án, các mũi tiến công lập tức khép chặt vòng vây, triển khai  ra quân đồng loạt bắt giữ tại chỗ hơn 50 tàu “cuốc”, tàu cẩu, tàu vận chuyển cát trái phép, cùng nhóm đối tượng thu tiền “bảo kê” khai thác cát lậu. So với những chuyên án bắt giữ các đối tượng “bảo kê”, thu tiền khai thác cát trái phép khác, vụ bắt giữ này là chuyên án lớn nhất. 

Theo thông tin từ Cục CSGT, các tài liệu mà trinh sát thu thập được, nhóm đối tượng này đã tổ chức khai thác trái phép hàng trăm nghìn mét khối cát trên sông Hồng, trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến nay, Cục CSGT đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can 6 đối tượng về hành vi “Khai thác tài nguyên trái phép” theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.

Không để nạn “cát tặc”, nạn buôn lậu mãi lộng hành gây mất niềm tin của người dân, tính từ năm 2014 đến nay, Cục CSGT mà điển hình là Phòng Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy đã trực tiếp giải quyết 3 chuyên án lớn, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Cục xác lập và đấu tranh thành công 6 chuyên án khác triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng thuộc địa bàn Bắc Từ Liêm và Đan Phượng; chuyên án đấu tranh triệt phá ổ nhóm tổ chức khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội; chuyên án đấu tranh triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy tổng hợp (dạng đá) từ Trung Quốc về cảng Hải Phòng bằng đường thủy qua cửa khẩu Hữu Nghị- Lạng Sơn vận chuyển về Hải Phòng tiêu thụ; chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển thuốc nổ công nghiệp trái phép từ huyện Kinh Môn-Hải Dương về cầu Đá Vách, Đông Triều tỉnh Quảng Ninh... 

CSGT lập biên bản đối với chủ tàu vi phạm.

Cũng nhờ đó, nhiều “điểm nóng” khai thác cát trái phép trên toàn quốc, nhiều trường hợp buôn lậu than, pháo, thậm chí là ma túy, đã được phá thành công.

Đại tá Trần Văn Sơn chia sẻ, mỗi chuyên án đều có những gian khổ, hiểm nguy khó lường. Các đối tượng luôn mang theo vũ khí “nóng”, sẵn sàng nổ súng chống trả lực lượng truy bắt. Ban chuyên án không quản ngày đêm trinh sát, nắm tình hình, không quản sóng gió, tính mạng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngược dòng thời gian, Đại tá Trần Văn Sơn thong thả: Một lần, tổ công tác của Phòng phối hợp cùng Công an Quảng ninh bắt buôn lậu pháo trên biển, khi tàu của tổ chuyên án áp sát tàu đối tượng, biết là địa điểm cách bờ không xa, các đối tượng buôn lậu đã nhảy xuống biển hòng trốn thoát. Năm đó, gần tết nên rét đậm, nhiệt độ trên đất liền chừng 15 độ, ở dưới biển thì giá buốt hơn nhiều, lại cộng thêm đêm tối, nhưng tổ chuyên án đã không ngần ngại lao xuống biển đuổi theo, không cho các đối tượng cơ hội trốn thoát. Chỉ khi đối tượng bị khống chế, gần chục anh em mới được đưa lên tàu, lúc này ai nấy đều như tê cóng. Như thế cũng chưa là gì so với lần tham gia một chuyên án. 

Lúc đấy, đồng chí Lê Thành Văn một trong những thành viên của tổ chuyên án, bỗng lên cơn đau bụng. Dù cơn đau mỗi lúc một dữ dội, thế nhưng đồng chí vẫn kiên quyết ở lại chiến đấu cùng đồng đội. Cho đến khi các đối tượng bị áp đảo, cũng là lúc đồng chí được đưa vào bờ cấp cứu. Sau này, bác sĩ điều trị cho biết, đồng chí Văn bị đau ruột thừa, chỉ vào viện chậm một chút là ruột thừa có thể bị vỡ.

Thời tiết khắc nghiệt, trực diện với hiểm nguy, đe dọa đến tính mạng là thế, song điều khiến không ít chiến sĩ CSGT đường thủy chạnh lòng hơn cả, là những cái tết xa nhà. Đồng chí Lê Xuân Mạo, Phó Trưởng phòng Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy trải lòng: “Ngày thường là vậy, nhưng tết mà phải xa gia đình, thì cũng buồn lắm. Ai cũng mong tết được về xum họp, đoàn viên. Thế nhưng, đã là CSGT thì mong ước giản đơn ấy không phải là điều dễ dàng”.

Gần nhất là Tết 2015 vừa qua, khi chuyên án  đấu tranh triệt phá đường dây vận chuyển, kinh doanh than trốn thuế trái phép tại Công ty TNHH Tiến Hoàng, có địa chỉ tại Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được phá đúng vào ngày 29 Tết, với 14.000 tấn than bị tạm giữ. Thế rồi, để bảo vệ hiện trường, tang vật, cả 22 thành viên trong phòng phải cắt cử chia nhau, túc trực 24/24h tại bãi than ở Hải Dương trong gần một tháng Tết, để hoàn thiện hồ sơ. 

Đêm 30, rồi ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết... đâu đó ở ngoài đường, nhà nhà người người cùng nhau cúng giao thừa, đưa nhau đi xem bắn pháo hoa, đi chúc tết, còn nơi hoang vắng này, các thành viên tổ công tác thì cứ lặng im và làm ấm lòng nhau bằng những tin nhắn trao đi, đổi lại từ người thân, bạn bè... Và rồi, để không cảm thấy tủi lòng, họ an ủi nhau rằng đó là sự hy sinh cần thiết để cuộc sống thêm bình yên.

Phạm Huyền (CAND số đặc biệt)
.
.