Lên Suối Giàng, gặp “già” Thủy

Chủ Nhật, 30/06/2013, 17:21
Đã hẹn Trung tá Nguyễn Văn Thủy (Công an huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) dăm lần bảy lượt, nhưng cuối cùng, tôi cũng vẫn đành phải tự mình đi xe, leo dốc hơn chục cây số. Thấy tôi, cái khuôn mặt dường như lúc nào cũng cười cười ấy chỉ gọn lẻm lại một câu: “Chú cứ lại kia ngồi chờ anh một lát, để anh hái hết cây này”. Nhìn cách làm việc của anh, tôi bắt đầu ngộ ra được cái danh xưng mà không ít người dân xã Suối Giàng bấy lâu đã trìu mến gọi anh bằng hai từ: “Già Thủy”!

Thấy Trung tá Thủy đổ giỏ chè vào bao, rồi tiến về phía tôi ngồi uống nước,  chị Vàng Thị Mải (người dân thôn Bản Mới, đang hái chè trên cây) vừa nói vọng lại, vừa cười to: “Nếu không có nhà báo đến, đố ai mời được “già Thủy” nghỉ tay”.

Thú thật, nếu không có bộ cảnh phục trên người, chắc tôi cũng không nhận ra được đâu là vị cán bộ nắm bản, đâu là người dân bản địa nữa. Gần 30 năm làm công tác dân vận, bám địa bàn, đến nay, anh cũng đã hệt như người sống trên núi, am hiểu phong tục tập quán, nói tiếng dân tộc như người dân tộc.

Suối Giàng được mệnh danh là Sapa của tỉnh Yên Bái (cao 1.400 mét), nơi mà buổi sáng phải mặc áo khoác, còn ban đêm thì đắp chăn bông. Ở Suối Giàng, những cây chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi hơn 300 năm không phải là hiếm. Còn những cây khoảng trên dưới trăm năm thì bạt ngàn không đếm xuể. Vừa dẫn tôi đi thăm quan, Trung tá Thủy vừa giới thiệu: “Ở đây, cây chè được coi là tài sản quý báu thứ 2 sau cây lúa của bà con”.

Xã Suối Giàng có 556 hộ với 2.847 nhân khẩu, trong đó, có đến hơn 95% là đồng bào dân tộc Mông. Vậy mà trên đường đi, gặp ai, Trung tá Thủy cũng vanh vách giới thiệu cho tôi biết rõ cả họ và tên, người ở thôn nào, gia cảnh ra sao...

Trung tá Thủy đang hái chè giúp bà con bản làng.

Nhắc đến Trung tá Thủy, đồng chí Vàng A Chu, Trưởng Công an xã Suối Giàng cứ không ngớt lời khen ngợi. Theo như lời của anh Chu thì từ ngày có Trung tá Thủy về công tác tại địa phương, anh em Công an xã đã “chính quy” hơn trước rất nhiều. Xã Suối Giàng có 8 thôn nên mỗi thôn có một Công an viên, cộng thêm Trưởng, Phó Công an xã nữa là cả thẩy mười người. Mười con người ấy, trước đây, chỉ có một số là biết đọc, viết một cách thành thạo. Vậy mà giờ đây, họ đã là mười Công an viên có kinh nghiệm, được bà con tin yêu. Công tác giao ban hàng tuần, trực hàng ngày, hay tuần tra mỗi tối đều được Ban Công an xã Suối Giàng thực hiện một cách nhịp nhàng, nền nếp. Công tác xử lý vụ việc, lập biên bản, bảo vệ hiện trường, báo cáo với cấp trên cũng được thực hiện chính xác và bài bản.

Xưa kia, Suối Giàng là “vựa” trồng cây thuốc phiện nên người dân có thể tự trồng được cây thuốc phiện nên số lượng người nghiện trong xã cũng rất nhiều. Từ khi chính sách của Đảng và Nhà nước vận động nhân dân phá bỏ cây thuốc phiện, những quả đồi trồng cây anh túc nay đã được phủ đầy màu xanh của chè, màu vàng óng của ngô. Tuy vậy, hậu quả của việc nghiện ngập không phải là không dai dẳng.

Từ khi về công tác ở xã Suối Giàng, Trung tá Thủy đã cùng nhiều đoàn cán bộ đến từng nhà, tìm hiểu từng người để nắm tình hình, sau đó tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân, động viên, thăm hỏi. Bên cạnh đó, Trung tá Thủy còn tham mưu, lập danh sách các đối tượng nghiện lâu năm để cho đi cai nghiện tập trung. Vậy nên, tính đến hiện nay, gần như 100% hộ dân xã Suối Giàng không có người nghiện. Tình trạng trộm cắp vặt cũng gần như không còn.

“Anh Thủy là người sống đơn giản và rất gần gũi với bà con nên ai ai cũng yêu quý, nể trọng. Anh ấy thường xuyên tham mưu cho chính quyền địa phương nhiều vấn đề quan trọng. Đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn của xã luôn được ổn định, các tệ nạn xã hội hầu như là không còn”, ông Sổng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, cho biết.

Sáng sớm hôm sau, khi tôi tỉnh dậy đã không thấy Trung tá Thủy. Theo thói quen thường nhật, anh lại xuống bản với bộn bề công việc. Tôi bước ra ngoài sân, vươn vai để khoan thai thưởng ngoạn cái không khí mát lạnh của buổi sớm tinh sương, khi mặt trời chưa kịp ló rạng. Xa xa, từng đám mây vẫn lởn vởn ôm lấy những dãy núi dài tít tắp. Đâu đó quanh đây, màu áo người chiến sĩ Công an “cắm bản” cũng đang đượm vào những búp chè non, quện chặt vào cuộc sống của bà con làng bản, từng ngày, từng ngày

Tuấn Cảnh
.
.