Lễ xin lửa truyền thống từ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 25/07/2015, 14:01
Ngày 25/7, BTC chương trình Vinh quang Việt Nam 2015 đã tổ chức lễ xin lửa từ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), để đúc biểu tượng Quốc huy Việt Nam và tượng Thánh Gióng –Phù Đổng Thiên Vương, chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND.


Vinh quang Việt Nam 2015 là chương trình do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Báo CAND, Báo Đại Đoàn kết và Công ty Hữu nghị Á Châu phối hợp tổ chức. Trước khi chương trình chính thức diễn ra vào trung tuần tháng 8/2015, có hàng loạt sự kiện văn hóa, trong đó, điểm nhấn là tổ chức đúc 70 Quốc huy Việt Nam với chất liệu đồng mạ vàng và 70 bức tượng Thánh Gióng –Phù Đổng Thiên Vương.

2 sản phẩm này sẽ xuất hiện trong dịp lễ lớn của đất nước, là những kỷ vật đặc biệt mang giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần dân tộc. Biểu tượng Quốc huy Việt Nam được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống, bằng đồng nguyên chất, mạ vàng, có chiều cao 27cm, nặng khoảng 6kg.

BTC chương trình Vinh quang Việt Nam tiếp nhận ngọn lửa truyền thống từ Khu di tích Hồ Chí Minh.

Khi việc đúc hoàn thành, 70 biểu tượng Quốc huy Việt Nam sẽ được trao tặng cho các tỉnh, thành, cá nhân và tập thể tiêu biểu trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2015, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Tại buổi lễ, sau khi xin ngọn lửa truyền thống, BTC chương trình Vinh quang Việt Nam đã trao lại cho nghệ nhân Nguyễn Văn Tư (Thanh Hóa) – một nghệ nhân điêu khắc kim loại nổi tiếng.

Đại diện BTC, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, TBT Báo CAND cho biết: Quốc huy Việt Nam mang biểu trưng thiêng liêng, cao quý của đất nước, còn Thánh Gióng là biểu tượng sức mạnh, ý chí tự chủ, lòng yêu nước và yêu hòa bình của dân tộc, nên sẽ được dành tặng các địa phương, đơn vị có nhiều thành tích, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc huy mang ý nghĩa với mỗi người được vinh dự đón nhận, mà đất nước bao giờ cũng gắn liền với Đảng, với Bác, do đó, BTC đã xin phép đến Khu di tích Hồ Chí Minh xin lửa, bởi đây là nơi Bác Hồ đã ra đi vào ngày 2/9/1969, nên đặc biệt thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa đó, chương trình sẽ có thêm sức lan tỏa. 

Thiếu tướng Phạm Văn Miên cho biết thêm: Chương trình Vinh quang Việt Nam sẽ có sự tham gia của dàn kèn đồng thuộc đội Nghi lễ và 70 nghệ sĩ, đại diện cho 54 dân tộc, các tầng lớp nhân dân.

BCT chương trình chương trình Vinh quang Việt Nam trao ngọn lửa truyền thống cho nghệ nhân Nguyễn Văn Tư.

Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của các khách mời – những người đại diện cho các vùng miền địa đầu Tổ quốc, biển đảo xa xôi: Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú (Hà Giang), Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Các vị khách sẽ giao lưu, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình về 70 năm Cách mạng tháng Tám, 70 năm Quốc khánh và 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND.

BTC sẽ dành những Quốc huy Việt Nam đầu tiên để tặng làm vật phẩm ý nghĩa các địa danh nơi địa đầu đất nước, hải đảo biên cương và Hà Nội nhân dịp này.

Đặc biệt, chương trình sẽ có cuộc giao lưu với các chiến sĩ CAND là những gương tiêu biểu, cá nhân điển hình tiên tiến của lực lượng Công an – những người sẽ được chương trình tôn vinh. Xuyên suốt chương trình sẽ là những tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi đất nước, Bác Hồ kính yêu, đất nước và con người Việt Nam.

Dạ Miên
.
.