Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ

Chủ Nhật, 05/11/2017, 08:56
Bộ Công an vừa dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều và thi hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, gồm 3 chương 15 điều.

Theo đó, thông tư này quy định chi tiết về bố trí lực lượng, số lượng người trực cứu nạn, cứu hộ; quy cách cờ hiệu, biển hiệu, băng sử dụng trong công tác cứu nạn, cứu hộ; nội dung, chương trình bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ.

Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 3 của dự thảo như sau: Tuân thủ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Bảo đảm tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả; Dễ hiểu, dễ nhận biết, dễ thực hiện.

Yêu cầu đối với Đội Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Khoản 1 Điều 3 của dự thảo, gồm: Được bố trí tại các Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an và Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh; Bảo đảm đủ lực lượng thường trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ 24/24 giờ và lực lượng thay thế; Bảo đảm tính chuyên trách; Được tổ chức thành các Tổ cứu nạn, cứu hộ độc lập; Tổ cứu nạn, cứu hộ có ít nhất 6 cán bộ, chiến sĩ gồm Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ viên.

Khoản 1 Điều 4 quy định về yêu cầu đối với Phòng Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ như sau: Được bố trí tại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh; Đáp ứng yêu cầu tham mưu, hướng dẫn, chỉ huy, chỉ đạo về công tác cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp dưới, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; đối với địa phương phải bảo đảm khả năng tổ chức và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Huấn luyện về phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 7 dành cho các lực lượng như: Lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Trong đó, lực lượng dân phòng được huấn luyện đối với các tình huống sau: Sự cố, tai nạn cháy, nổ; Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối; Sự cố, tai nạn sạt lở đất đá; Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ; Tai nạn trên sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước; Phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu nạn, cứu hộ trong các tình huống sự cố, tai nạn khác.

Hướng dẫn phòng ngừa sự cố, tai nạn đối với nhà, công trình, phương tiện, thiết bị; phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; Trang phục cứu nạn, cứu hộ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành được quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 của Dự thảo này.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Hương Giang
.
.