40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot:

Ký ức của các cựu Công an vũ trang

Thứ Hai, 07/01/2019, 08:15
40 năm đã trôi qua, nhưng những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người cựu chiến binh lực lượng Công an vũ trang (tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay) từng tham gia chiến trường Campuchia khi ấy.


Hồi ức về những "miền đất chết"

Khi nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, bên cạnh những chiến sỹ Quân đội còn có những chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang. Họ chính là những người đầu tiên đối mặt với sự "tráo trở" của Pol Pot và cũng là những người đầu tiên nổ súng ngăn chặn sự xâm lấn bạo tàn của quân Pol Pot.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người lính Công an nhân dân vũ trang vẫn chắc tay súng bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ trước âm mưu xâm lược của lực lượng phản động Pol Pot. Ngày 3-5-1975, lực lượng quân đội của Pol Pot đã tấn công lên đảo Phú Quốc và 7 ngày sau đánh chiếm đảo Thổ Chu, mở đầu cho giai đoạn lực lượng quân Pol Pot liên tục tấn công, xâm lấn biên giới, tấn công các đồn, trạm Công an nhân dân vũ trang của ta trên tuyến biên giới Tây Nam, cướp phá các bản làng, sát hại dân thường, phá hoại sản xuất của nhân dân dọc biên giới.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã tập trung tăng cường lực lượng cho tuyến biên giới Tây Nam, từ 44 đồn đầu năm 1976 lên thành 58 đồn cuối năm 1977; mỗi tỉnh có một đến 4 đại đội cơ động; 2 trung đoàn cơ động trực thuộc Bộ Tư lệnh để kiên trì bám đất, bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân trước sự chống phá của quân Pol Pot.

Đầu năm 1979, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã cùng lực lượng Quân đội phối hợp với lực lượng khác đồng loạt mở các cuộc tiến công qua biên giới, giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau cuộc chiến tranh chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã cử 6 trung đoàn sang giúp bạn bảo vệ bộ máy lãnh đạo cách mạng Campuchia, bảo vệ các mục tiêu nội địa, các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, bảo vệ thành quả cách mạng và trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường ở Campuchia trong đội ngũ những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia.

Ông Trần Quang Du, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Thượng tá Công an nhân dân vũ trang đã về hưu, là người có mặt tại Campuchia ngay từ những ngày đầu giải phóng cho biết, hình ảnh một đất nước đau thương bị tàn phá dưới chế độ Pol Pot luôn mãi trong tâm trí của ông cho đến tận bây giờ.

Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Campuchia. Ảnh tư liệu.

Tháng 2-1979, ông Du có mặt tại Phnom Penh trong biên chế Tiểu đoàn 48 Công an nhân dân vũ trang. Đến Campuchia, ông Du đã tận mắt chứng kiến sự tàn bạo không cùng của quân Pol Pot. Campuchia lúc đó như một nghĩa địa khổng lồ, khắp nơi đều có xác người chết vì bị giết hại hoặc bị chết đói, chết vì bệnh tật. Có thể nói, người dân Campuchia lúc đó lâm vào tình cảnh "sống dở, chết dở" vì đói khát, kiệt sức và lo sợ.

"Khi ấy Campuchia là những vùng đất đau thương, đầy chết chóc” - đó là ấn tượng của ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh khi nhớ về Campuchia của những năm 1979-1980.

Tháng 2-1979, ông Sơn trong Đoàn 72 Công an nhân dân vũ trang từ Tây Ninh hành quân đánh địch qua tỉnh Kampong Cham, Battambang và tới Pailin, nơi được coi là cứ điểm cuối cùng của Pol Pot. Một lần, khi hành quân vào lúc tảng sáng qua một bãi cát trống ở tỉnh Kampong Cham, đầu tiên là một người và sau đó là nhiều người trong đơn vị của ông Sơn kinh hoàng khi phát hiện giày của mình dính đầy thịt người.

Đến khi trời sáng rõ, mọi người quay lại kiểm tra bãi trống đã đi qua thì hóa ra đó là một hố chôn người khổng lồ với hàng trăm hài cốt và còn rất nhiều thi hài đang thối rữa. Quân Pol Pot đã giết hại hàng triệu người dân Campuchia; trên nhiều mảnh đất của đất nước này đều có máu và xương của những nạn nhân của chế độ Pol Pot.

Những kỷ niệm không thể nào quên

Trong cuộc chiến chống lại tàn quân Pol Pot sau ngày 7 tháng Giêng năm 1979 xương máu của quân và dân Campuchia và những người lính tình nguyện Việt Nam lại tiếp tục đổ xuống.

Ông Phan Xuân Nghĩa, Trưởng Ban liên lạc thường trực Bộ đội Biên phòng giúp bạn Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 1979, rời trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, ông được cử sang Campuchia làm chuyên gia. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, chiến sự tại Campuchia vẫn dữ dội, chính quyền của bạn chưa được hoàn thiện, thậm chí người dân còn tản mát, nên vai trò làm chuyên gia không thể thực hiện được.

Ông Nghĩa cùng các thành viên đội chuyên gia được phân chia về các đơn vị của Công an nhân dân vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu chống tàn quân Pol Pot tại vùng biên giới Campuchia-Thái Lan.

Hơn 4 năm lăn lộn trên chiến trường vùng Tây Bắc Campuchia , ông Nghĩa đã trải qua rất nhiều trận đánh khốc liệt, nhiều lần cái chết cận kề do đạn pháo, sốt rét, lạc rừng khát nước… Một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất là khoảng năm 1981, ông Nghĩa lúc đó là Trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn 214, Trung đoàn 8 được giao nhiệm vụ dẫn một trung đội nắm cắm chốt tại một điểm cao của Keo Melai (huyện Thma Koul của tỉnh Battambang - nay là tỉnh Bantea Meanchey). Đây là một cứ điểm quan trọng bảo vệ cho cả khu vực vì thế quân Pol Pot tập trung tấn công ngày đêm bằng cả bộ binh lẫn pháo binh.

Ông Nghĩa trầm ngâm kể: Nhận nhiệm vụ lên cắm chốt ở điểm cao đó chúng tôi xác định là một sống hai chết. Tiếng súng đạn nổ ầm ầm ngày đêm, những người lính trẻ giữ chốt lại phải đối mặt đói, khát, đau bệnh. Vào mùa khô của Campuchia, ban ngày nhiệt độ lên cao, khô nóng khắc nghiệt mà mỗi người lính chỉ có 2 lít nước/ngày. Chính vì vậy, suốt 3 tháng cắm chốt trên cao điểm, người lính tình nguyện đã sáng tạo ra cách tắm “hơi sương” độc đáo. Đó là, chờ đêm xuống, độ ẩm tăng lên nhờ độ cao của đỉnh núi, những người lính trẻ cởi quần áo ngồi ngoài trời đón những hơi ẩm của núi đọng trên da để tắm “khô”.

Theo ông Nghĩa, những sự khốc liệt của cuộc chiến đấu chống tàn quân Pol Pot thật khó miêu tả bằng lời và sự hy sinh, mất mát của những người chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang tình nguyện tại Campuchia cũng khó đong đếm được. Từ tháng 2 năm 1979 đến khi rút quân về nước vào những năm 1983-1984, nhiều đơn vị của lực lượng Công an nhân dân vũ trang chỉ còn 1/3 quân số ban đầu.

Những năm tháng đó là kỷ niệm không thể nào quên về quãng đời tuổi trẻ của những cựu quân tình nguyện Công an nhân dân vũ trang tại Campuchia và cũng là sợi dây kết nối tuổi trẻ hai nước, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia trong quá khứ và tương lai.

Xuân Khu
.
.