Hướng thiện để đến ngày về

Thứ Bảy, 27/08/2011, 14:47
Đã trở thành thông lệ, đặc xá là ngày hội trong các trại giam. Những ngày đón chờ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, mỗi phạm nhân, dù là người được đặc xá hay còn thời hạn thi hành án, đều chung một tâm trạng hồi hộp, phấn khởi và hi vọng. Còn với CBCS làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, hành trình đưa mỗi phạm nhân rút ngắn thời gian trở về với xã hội vẫn âm thầm, lặng lẽ như người chở đò qua sông vậy…
>> Tổ chức phạm nhân học tập kỹ năng sống

1. “Vẫn biết bản thân đủ tiêu chuẩn để được xét đặc xá nhưng khi tận mắt nhìn thấy tên mình trong danh sách, em mất ngủ chị ạ. Vui quá! Không ăn, không ngủ được nhưng lại khỏe ra, trong lòng lúc nào cũng lâng lâng như có cánh vậy…” – Lê Công Nguyên (33 tuổi), ở Đội 1 Xuân Dục, Yên Thường, Gia Lâm, phạm nhân, Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội sung sướng chia sẻ niềm vui với chúng tôi. Nụ cười của Nguyên thật tươi, nhưng nước mắt cứ trào ra.

Năm 2001, tốt nghiệp Học viện Tài chính, Nguyên tự thi tuyển vào một công ty liên doanh của Đài Loan. Sau 3 năm, công ty chuyển địa điểm lên Vĩnh Phúc. Không có điều kiện để đi xa nên Nguyên xin nghỉ việc, đi học lớp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm của Trường Bồi dưỡng đào tạo cán bộ sư phạm với mong muốn quay trở lại mơ ước cũ. Nhưng số phận chưa mỉm cười với chàng trai ham học này. Trong lúc chưa thực hiện được nguyện vọng làm thầy giáo, Nguyên tiếp tục thi tuyển vào Chi nhánh Công ty CP giống cây trồng miền Nam với công việc kế toán. Sau một năm làm việc, nhận thấy khả năng mẫn cán, thông minh của Nguyên, lãnh đạo chi nhánh tin tưởng cho Nguyên đi học lớp kế toán trưởng và giao phụ trách, quản lý Phòng Kế toán. Có lẽ vì tin bạn, tự tin vào bản thân nên Nguyên đã quên mất nguyên tắc nghề nghiệp cần thiết của người làm công việc kế toán khi nhắm mắt gian dối, dùng tiền thu của nhân viên kinh doanh nộp về công ty để cho một người bạn thân vay 200 triệu đồng. Người bạn nói “vay nóng” để giải quyết công việc rồi trả ngay. Không ngờ, đến hẹn bạn khất lần rồi bỏ trốn, Nguyên mới tá hỏa khi đã đến thời gian chốt sổ, làm báo cáo tài chính.

Nhiều lần, Nguyên muốn nói chuyện với mẹ nhờ giúp đỡ để trả số tiền này cho công ty nhưng nỗi sợ hãi và xấu hổ cứ bám riết khiến Nguyên không thể cất lời. Trong lúc quẫn trí, được một người bạn gợi ý nên đánh lô đề lấy tiền gỡ lại để trả nợ cho công ty, Nguyên làm theo như một cái máy. Chỉ trong vòng 3 ngày, Nguyên “đốt” nốt hơn 300 triệu đồng tiền thu của nhân viên kinh doanh, tổng số tiền nợ đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Do gia đình đã giúp Nguyên khắc phục toàn bộ hậu quả nên Nguyên bị phạt 5 năm tù giam.

Biết Nguyên đã trải qua công việc kế toán, thầy Dương Xuân Điều xin cho Nguyên vào tổ phục vụ, quản lý sổ sách theo dõi chế độ của can phạm, phạm nhân trong trại. Công việc phù hợp không chỉ giúp Nguyên có điều kiện cải tạo tốt mà hơn cả đã giúp Nguyên lấy lại thăng bằng, tin yêu cuộc sống và nhân niềm tin về tương lai. Con đường hướng thiện có các thầy như thầy Hà, thầy Dũng, thầy Điều luôn ở bên, nhắc nhở Nguyên phải cải tạo tốt để sớm có ngày về. Nguyên bảo trại giam chính là trường học, trường đời đã giúp Nguyên nhận ra lỗi lầm. “Khi về em định làm gì chưa?” – tôi hỏi. “Em may mắn có gia đình vững chãi làm chỗ dựa. Bố và cậu em mở doanh nghiệp nên khi về, em sẽ tiếp tục làm công việc quản lý tài chính cho công ty của gia đình. Tuần trước mẹ lên thăm bảo mẹ vẫn giữ nguyên phòng riêng của em như trước khi em vào trại. Ngày nào mẹ cũng lau chùi sạch sẽ để chờ đón em về. Nhất định em sẽ không phụ lòng tin và tình yêu thương của mọi người” - Nguyên trả lời đầy tự tin và hi vọng.

2. Hạnh phúc của những phạm nhân sắp rời trại cũng là niềm vui của chính những người làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân. Đợt đặc xá 2-9 tới, Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội có 79 phạm nhân đủ tiêu chuẩn được xét đặc xá và 184 phạm nhân đủ tiêu chuẩn xét giảm án. So với các trại giam khác trên toàn quốc thì con số này không nhiều, nhưng lại là thành tích không nhỏ bởi tính chất phức tạp của trại khi nơi đây tập trung đủ các loại can phạm, phạm nhân từ lúc bị tạm giữ hình. sự, tạm giam, cho đến khi thành án và số tử tù chờ thi hành án… với đủ các loại tội, từ hình sự đến kinh tế, ma túy, từ phạm tội đơn giản đến đặc biệt nghiêm trọng…

Giao lưu thủ khoa sinh viên với phạm nhân Trại tạm giam số 1, một hình thức cảm hóa, giáo dục giàu tính nhân văn.

Chuyện bữa ăn của phạm nhân tưởng như rất đơn giản, nhưng lại là vấn đề rất quan trọng với Trại tạm giam số 1. Trong điều kiện không “tự sản, tự tiêu” như các trại giam khác, nguồn lương thực, thực phẩm đều được đặt hàng ở các vùng sản xuất, chăn nuôi riêng và thường xuyên có cán bộ của trại kiểm tra, giám sát quy trình từ lúc trồng cấy đến lúc thu hoạch. An toàn sức khỏe cho phạm nhân được đặt lên hàng đầu.

3. Trong những ngày tất bật chuẩn bị các công việc cho ngày đặc xá thì Giám thị Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội Bùi Ngọc Bình nhận được niềm vui khi anh được thăng cấp bậc hàm Đại tá. “Như vậy là mình đã già, và trách nhiệm công việc sẽ nặng nề hơn” – Đại tá Bình cười hóm hỉnh. Là người nghiêm khắc, nhưng chan hòa, giàu lòng nhân ái, những câu chuyện về cách đối xử bao dung với phạm nhân của Đại tá Bình, được nhiều phạm nhân truyền tai nhau khi anh còn là Giám thị Trại tạm giam số 2. Sau khi ra trại, gặp anh, nhiều phạm nhân vẫn giữ cách gọi thân thương “bố Bình”, như thể Đại tá Bình là người thân của họ vậy.

Đại tá Bùi Ngọc Bình không ngại ngần, giữ ý khi bảo rằng anh em ở đây rất buồn khi nhiều người cho rằng, CBCS công tác trong trại sướng như “vua”. Trong khi thực tế, phải dùng từ chính xác là công việc của CBCS đầu tắt mặt tối, không có ngày nghỉ bởi hệ số an toàn ở đây là thấp nhất, đối với cả cán bộ quản giáo và phạm nhân. Chính vì vậy, Đại tá Bùi Ngọc Bình cũng có một quan điểm cũng rất khác biệt khi cho rằng ở một xã hội thu nhỏ với đủ loại thành phần như vậy, thì trước khi cảm hóa giáo dục được họ, đừng để phạm nhân đối phó với cán bộ quản giáo.

Mặc dù mới chuyển về nhận nhiệm vụ Giám thị Trại tạm giam số 1 được hơn 1 năm nhưng Đại tá Bùi Ngọc Bình cùng CBCS của trại đã tổ chức thành công buổi gặp gỡ, giao lưu giữa 120 thủ khoa xuất sắc và 120 phạm nhân của trại vào ngày 7/8/2010 và giao lưu, nói chuyện của các cựu chiến binh với phạm nhân ngày 21/12/2010.

Nếu như buổi giao lưu với các thủ khoa sinh viên đã thắp sáng niềm tin ngày trở về đối với những phạm nhân trẻ, thì cuộc nói chuyện với các bác cựu chiến binh đã khiến nhiều phạm nhân rơi nước mắt trước những hi sinh xương máu của cha ông, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, động viên, tiếp dũng khí cho họ vượt qua lỗi lầm để trở về với đời

Hiền Thanh
.
.