Hơn 3.600 ngày đấu trí với gián điệp, biệt kích

Thứ Sáu, 29/04/2016, 13:52
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, địa bàn tỉnh Lai Châu (cũ) là một trong những trọng điểm địch tung các toán gián điệp, biệt kích (GĐBK) xâm nhập nhằm tạo dựng các tổ chức phỉ hoạt động vũ trang, thu thập tin tức tình báo, phá hoại hậu phương lớn miền Bắc. Song cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lai Châu luôn cảnh giác, mài sắc ý chí tiến công, tiêu diệt và bắt gọn 19 toán GĐBK với trên 100 tên…

Người ta vẫn gọi Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp là vị tướng miền biên ải vì ông có gần 40 năm gắn bó với Tây Bắc. Ông nguyên là Giám đốc Ty Công an Lai Châu, Cục trưởng Cục chống phản động, Trưởng đoàn chuyên gia Công an tại nước bạn Lào. Ông là một trong những vị tiền bối của đội quân 25 người thuộc Ty Công an Lai Châu ngày đầu thành lập (1-1952), nhưng những năm tháng hoạt động ở vùng đất hiểm cực Tây của Tổ quốc, cuộc đấu tranh với đội quân GĐBK vẫn để lại cho ông nhiều kỷ niệm. Đó thực sự là cuộc đấu trí, đấu dũng (lời của ông - PV) giữa một bên là đội quân được Mỹ đào tạo bài bản với các chiến sĩ Công an quả cảm...

Cuộc chiến đấu chống GĐBK trên địa bàn Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng thực sự bắt đầu từ tháng 5-1961, khi Bộ Công an quyết định xác lập Chuyên án PY27. Nhưng trước đó trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hai toán GĐBK nhảy dù xuống khu vực Khoa Di Tổng (nơi tiếp giáp với 3 huyện Mường Chà, Tuần Giáo và Điện Biên hiện nay); do cảnh giác và có sự chuẩn bị, nên ngay khi dù vừa chạm đất, cả toán GĐBK đã bị các chiến sĩ Công an tóm gọn cùng hai kiện hàng, bao gồm vũ khí, điện đài, quân trang quân dụng và các nhu yếu phẩm.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp kể lại: "Sau khi đấu tranh khai thác nhóm đầu tiên, chúng tôi đã tương kế tựu kế cho người mặc quần áo biệt kích, đóng giả toán trưởng, nhử mồi để “câu” các toán GĐBK khác. Cái khó nhất khi vào vai một tên biệt kích là chúng tôi phải nhớ được các tiếng lóng, các biệt hiệu, mật khẩu, các phiên liên lạc, giờ lên máy, mật hiệu, cử chỉ và cách ăn nói của chúng. Sau hai tuần tập luyện, các cán bộ Công an của ta đã khắc phục được những khó khăn này". 

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp.

Thời kỳ này hầu như ai cũng bị sốt rét, cán bộ nào cũng gầy yếu, xanh xao, nhưng cứ cắt cơn sốt họ lại hăng say với nhiệm vụ. Lấy được khẩu cung của bọn GĐBK là cả một quá trình gian nan và những lời khai đó mới chỉ ở dạng “sống sượng” chưa dùng được ngay mà phải “luộc đi ninh lại” nhiều lần. Phải qua tên nọ để kiểm tra tên kia; qua toàn toán để đối khớp với toán viên. Ngay cả mật mã của chúng cũng khó phát hiện, có nhóm thả xuống với mục đích xâm nhập, phá hoại; lại có nhóm chỉ để nghi binh, tung hoả mù.

Qua đấu tranh của ta, được biết đối tượng mà địch tuyển vào biệt kích là những tên có họ hàng, hoặc bản thân từng làm tay sai cho Pháp, Nhật đã di cư vào Nam. Nên khi bắt được bọn này, đấu tranh để khai thác thông tin chính xác thật không đơn giản. Chúng hết sức ngoan cố, dùng nhiều thủ đoạn để đánh lừa Công an. Quần nhau với từng tên không phải chỉ để biết đơn thuần nghiệp vụ, các chiến sĩ Công an còn nắm được gia cảnh, khai thác tình cảm để dùng cả tình cảm khai thác nghiệp vụ.

Cán bộ lấy lời khai phải là người có trình độ, giỏi nghiệp vụ và nhiều lĩnh vực khác, tuỳ trình độ từng tên để đấu tranh, thuyết phục, có tên cả tuần vẫn câm như hến. Như Nông Văn Đ., lấy cháu “vua” Đèo Văn Long, đã hơn 50 tuổi, khi ấy các trinh sát của ta phải đi sâu vào tình cảm, đấu tranh ròng rã cả chục ngày hắn mới khai.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp trong hội thảo khoa học về Chuyên án PY27, đã tâm sự: Lúc đầu ông rất lo lắng, không cẩn trọng là thất bại công việc hệ trọng mà Đảng đã giao cho mình. Nhưng ông lại nghĩ: Tụi nó phi nghĩa mà làm được, tại sao mình chính nghĩa lại không làm được? Ông trực tiếp đóng giả các toán trưởng, tập dượt nhiều lần để anh em tham gia góp ý.

Khi đã lấy được những thông tin cần thiết, lực lượng Công an lại phải dùng mọi cách để đánh lừa sao cho chiếm được lòng tin của “Trung tâm” ở Sài Gòn, định kỳ gửi cho ta nhiều vũ khí, hàng hoá và những toán GĐBK khác.

Thời kỳ 1968 – 1970, sau những thất bại nặng nề ở miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tiếp tung ra miền Bắc (trong đó có Lai Châu) các toán GĐBK, nhằm đẩy mạnh các hoạt động phá hoại và chỉ điểm cho máy bay bắn phá các mục tiêu kinh tế, các cơ quan đầu não của ta.

Lúc bấy giờ, “Trung tâm” GĐBK Sài Gòn rất “đói” tin tức phá hoại. Phía ta lập tức cho “Trung tâm” nhiều “tin vịt” là những “chiến tích” được thực hiện ở Lai Châu: Hôm nay kho tàng X ở tọa độ N bị đánh mìn nổ tung; hôm sau cầu Y ở tọa độ M bị phá sập, kéo theo hàng chục xe quân sự cùng lính cộng sản xuống sông! Ở Sài Gòn, “Trung tâm” rất hài lòng, gửi điện khen và hàng hoá “thưởng” cho nhóm “biệt kích” ở Lai Châu!

Sau vụ đầu tiên (1961) thành công, ta tương kế tựu kế liên tiếp giành thắng lợi nhiều chuyên án bắt GĐBK. Tất nhiên không phải vụ nào cũng dễ dàng thành công, có những vụ thì do thời tiết xấu máy bay không thả hàng được; có vụ do trục trặc kỹ thuật, “Trung tâm” điện ra đề nghị tự túc lương thực vài ngày! Có vụ máy bay lượn nhiều vòng trên khu vực có ám hiệu nhưng do ta sơ suất trong phát tín hiệu liên lạc, máy bay không dám thả biệt kích xuống, anh em lại phải về không sau nhiều ngày mật phục trong rừng.

Đánh GĐBK là phải huy động được sức mạnh của toàn dân. Ngay sau vụ đầu tiên, Công an Lai Châu đã lập, triển khai phương án phòng chống GĐBK đến từng xã, bản. Tất cả những bãi đất trống, bằng phẳng nghi biệt kích có thể nhảy dù, đều bố trí lực lượng dân quân mai phục. Tất cả ngựa thồ phải lập danh sách chủ ngựa, khi có lệnh đi thồ hàng máy bay địch thả xuống là phải lên đường ngay, mỗi dân quân phải có 3kg gạo ở bao tượng. Khi có hiệu lệnh, người dân hăng hái kéo nhau đi bắt biệt kích. Nhân dân xã Thanh Luông (Điện Biên) chỉ sau một đêm đã gói hơn 2.300 bánh chưng cho dân quân đi bắt biệt kích.

Lực lượng Công an và dân quân xã Na Ư (Điện Biên) truy tìm dấu vết một toán gián điệp, biệt kích.

Tháng 11-1968, một toán GĐBK gồm 5 tên nhảy dù xuống khu vực Na Pheo (Mường Chà). Một số người dân đi làm nương phát hiện có giấu vết của biệt kích, không đợi lực lượng Công an, họ tay dao, tay cuốc truy theo bờ suối, bắt được 2 tên có vũ khí. Khi lực lượng Công an có mặt, thấy hai thằng mặc quần áo dân tộc Thái, các chiến sĩ ngờ ngợ mới hỏi thì dân cho biết: “Cán bộ chẳng phổ biến phải khám, thu ngay điện đài và quần áo để đề phòng chúng dùng thuốc độc ở ve áo tự tử là gì!”.

Trong 10 năm là hơn 3.600 ngày (từ 1961 đến năm 1971), là quãng thời gian lực lượng Công an Lai Châu phải đấu trí với cả một hệ thống tình báo gián điệp dày dạn của Mỹ - nguỵ, chứ không chỉ riêng những tên nhảy dù phá hoại. Trong những năm ấy, được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Công an, nhất là cá nhân đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Công an Khu Tây Bắc cũng như sự giúp đỡ của đông đảo quần chúng nhân dân, Công an tỉnh Lai Châu đã phát hiện, tiêu diệt, bắt sống 19 toán với hơn 100 tên, thu giữ 200 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng và hàng hoá.

Có những vụ như Chuyên án HL17 kéo dài 6 năm (từ 17-4-1962 đến 12-4-1968), đã thu được những thành công ngoài mong đợi. Ta nắm được nhiều thông tin quan trọng của địch về âm mưu hoạt động GĐBK đối với miền Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng, để có đối sách kịp thời. Đồng thời tung nhiều tin giả cho “Trung tâm” chỉ huy, làm rối loạn nhận định của địch, thu hút toàn bộ GĐBK bằng đường không của chúng ở Điện Biên.

Trong những năm tháng ác liệt đó, tay súng của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lai Châu cùng các lực lượng vũ trang khác đã không một phút lơi lỏng, ý chí tiến công luôn luôn được mài sắc. Trên con đường chiến đấu gian khổ và tự hào, lòng dân biên giới tiếp thêm sức mạnh, giúp lực lượng Công an trụ vững và chiến thắng…

Hoa Oanh Vũ
.
.