Hội thảo lịch sử Tiểu ban Bảo vệ chính trị thời kỳ 1962-1975

Thứ Sáu, 16/11/2012, 08:37
Ngày 15/11, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục An ninh II đã tổ chức Hội thảo lịch sử Tiểu ban bảo vệ chính trị Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (1962-1975).

Tham gia hội thảo có các cán bộ Công an lão thành nguyên là cán bộ, chiến sĩ Tiểu ban Bảo vệ chính trị. Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đến dự và chỉ đạo hội thảo.

Trung tướng Bùi Quang Bền, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và một số đại biểu tại hội thảo.

Tiểu ban Bảo vệ chính trị (C51) được thành lập tháng 8/1962, có nhiệm vụ làm công tác tham mưu về an ninh cho Ban An ninh TW Cục và TW Cục miền Nam để chỉ đạo công tác đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại âm mưu của Mỹ - ngụy, từng bước đánh bại kẻ thù; hướng dẫn hệ Bảo vệ chính trị toàn miền Nam ở vùng địch kiểm soát cũng như vùng giải phóng triển khai các mặt công tác chuyên môn; trực tiếp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp chiến đấu bảo vệ căn cứ TW Cục miền Nam.

Từ năm 1962-1975, C51 trực tiếp chỉ đạo lực lượng An ninh miền Nam khám phá 1.500 vụ nội gián lớn nhỏ; đồng thời xác minh làm rõ, giải oan cho hàng chục cán bộ trung kiên bị địch lập hồ sơ giả để bôi lem…

Sau ngày miền Nam giải phóng, C51 phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp quản các cơ quan tình báo, Cảnh sát đặc biệt, thu hồi hồ sơ tài liệu của địch thuộc lĩnh vực tình báo và phản gián để phục vụ công tác đánh địch lâu dài; khai thác tin tức để nắm mạng lưới gián điệp của địch cài lại. Đồng thời hỗ trợ các lực lượng vũ trang truy bắt hơn 50.000 đối tượng an ninh trốn trình diện và trấn áp hơn 500 toán, cụm vũ trang đang lẩn trốn trong rừng.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Bùi Quang Bền yêu cầu cần làm rõ 3 vấn đề: Vai trò lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là cấp ủy Đảng lãnh đạo C51; nêu rõ những chiến công và thành tích của C51 góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua đó giáo dục truyền thống chiến đấu dũng cảm, mưu trí của cha anh cho thế hệ trẻ ngày nay và mai sau; đề xuất các giải pháp chính sách đền ơn đáp nghĩa, nhất là đối với những đồng chí đã công tác, chiến đấu ở C51.

Các ý kiến tại hội thảo là nguồn thông tin quý báu để Tổng cục An ninh II có cơ sở khoa học bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện những vấn đề còn thiếu và chưa trọn vẹn về lịch sử một đơn vị anh hùng

Công Trường
.
.