Học viện ANND không ngừng sáng tạo phương pháp dạy học tiên tiến

Thứ Sáu, 28/10/2011, 09:45
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thủ Thanh, Phó Giám đốc Học viện ANND cho biết: Từ khoá D1 cho đến nay, Học viện ANND đã liên tục mở được hơn 40 khoá đào tạo đại học chính quy, hàng vạn sinh viên đã ra trường, bổ sung vào đội ngũ cán bộ của lực lượng Công an, phục vụ sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH.

Học viện ANND là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu, cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường CAND. Trải qua 65 năm xây dựng trưởng thành và phát triển, Học viện ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, khi mỗi năm đã cho ra lò những "mẻ thép" có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt và đạt trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu công tác an ninh trong tình hình hiện nay. Nói cách khác, những "mẻ thép" đó chính là sản phẩm của một quá trình đào tạo không ngừng bứt phá, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy bằng những kinh nghiệm hay và sáng tạo tiên tiến...

Một số cán bộ lão thành của Học viện ANND khi trò chuyện với chúng tôi đã xúc động tâm sự rằng, ngày hôm nay nhìn các em sinh viên được học tập trong một môi trường giáo dục kiểu mẫu, trên lớp học có máy chiếu, được tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến, thì xen lẫn trong niềm tự hào ở họ còn dâng lên nhiều cảm xúc và kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh, thầy và trò của nhà trường cùng gồng mình vượt qua tất cả mọi khó khăn làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ đào tạo cán bộ Công an cho cả hai miền Nam, Bắc…

Thiếu tướng, NGƯT Phạm Gia Trúc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học ANND (nay là Học viện ANND) nhớ lại: Khi giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, thầy và trò phải sơ tán ở các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ và các thôn dọc đê sông Đáy. Lớp học học tạm ở đình chùa, nơi ở chỉ làm bằng tranh tre nứa lá, thầy trò sinh hoạt trong điều kiện không điện, không nước, đi lại chủ yếu bằng xe đạp và cuốc bộ. Khó khăn là vậy nhưng nhà trường đã đảm bảo tốt nhất công tác đào tạo, mọi hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học được tiến hành sôi nổi, thực chất.

Hàng ngàn học viên đã ra trường trong điều kiện sơ tán với chất lượng tri thức được trang bị chặt chẽ, đặc biệt là rèn luyện phẩm chất chính trị, nhân cách người Công an cách mạng… Điều này đã tạo ra một truyền thống đào tạo, làm bước đệm vững chãi để sau này, khi bước vào thời bình, Học viện ANND vẫn đảm bảo tốt nhất sứ mệnh là cơ sở giáo dục hàng đầu, "cái nôi" đào tạo của giáo dục CAND.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thủ Thanh, Phó Giám đốc Học viện ANND cho biết: Từ khoá D1 cho đến nay, Học viện ANND đã liên tục mở được hơn 40 khoá đào tạo đại học chính quy, hàng vạn sinh viên đã ra trường, bổ sung vào đội ngũ cán bộ của lực lượng Công an, phục vụ sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các thế hệ lãnh đạo của Học viện ANND luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng hoàn thiện mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo. Trường đã trải qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung để chương trình đào tạo ngày càng hoàn chỉnh và bám sát thực tiễn chiến đấu.

Một trong những quan điểm quan trọng, xuyên suốt quá trình đào tạo của nhà trường là đào tạo phải gắn với thực tiễn công tác, cán bộ khi ra trường phải đáp ứng được yêu cầu chiến đấu. Trải qua các giai đoạn khác nhau, từ đào tạo chuyên ngành rộng, đến nay, Học viện đã mở nhiều chuyên ngành đào tạo phong phú, được thiết kế theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thủ Thanh, cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Học viện còn đặc biệt coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, coi đây là chìa khoá để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tăng cường thời gian thực hành, giảm thời lượng học lý thuyết đang được áp dụng mạnh mẽ tại Học viện ANND.

Lâu nay, ở không ít trường đại học, bộ môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc bị xem nhẹ, hoặc giảng dạy rơi vào tình trạng "giáo điều", xơ cứng. Tuy nhiên, ở Học viện ANND đã đề ra phương châm "Học lý luận Mác - Lênin gắn với tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và nâng cao bản lĩnh chính trị cho sinh viên", đã khơi gợi trong sinh viên sự say mê học tập khoa học Mác - Lênin như là một cách để hoàn thiện nhân cách và nâng cao bản lĩnh cán bộ Công an.

Môn khoa học này đến nay vẫn được xác định là một trong những môn khoa học cơ bản, có tầm quan trọng đặc biệt và xếp ở vị trí hàng đầu trong chương trình đào tạo của nhà trường. Mỗi môn học, mỗi khoa nghiệp vụ luôn cố gắng đổi mới, tích cực sáng tạo nhiều phương pháp giảng dạy mới.

Khoa Nghiệp vụ ANĐT đặc biệt chú trọng rèn luyện tay nghề cho học viên bằng việc chủ động sưu tầm và sản xuất các phim về điều tra hình sự nhằm tăng cường kiến thức thực tiễn cho sinh viên, đồng thời biên soạn các bài tập tình huống để sinh viên giải quyết, giúp sinh viên nắm được về cơ bản các trình tự, thủ tục trong tiến hành các hoạt động điều tra. Bộ môn nghiệp vụ kỹ thuật hình sự đã chủ động khai thác triệt để thế mạnh của CNTT trong việc hướng dẫn sinh viên thực hành như sử dụng phần mềm Autocad, sử dụng hệ thống tra cứu vân tay tự động VAFIS…

Một nét đột phá trong công tác đào tạo của Học viện ANND thời gian qua chính là những sáng tạo đổi mới phương pháp tổ chức thi. Đại tá, TS Đỗ Hữu Vấn, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường cho hay: Trước năm 2010, Học viện duy trì hình thức thi "cuốn chiếu", phương pháp này đã ăn sâu trong tư duy, cách học của sinh viên, sinh viên phải học và thi trong một thời gian ngắn nên chưa đủ thời gian để nghiên cứu sâu. Công tác tổ chức thi khép kín do các khoa, bộ môn giảng dạy chịu trách nhiệm, thêm nữa Phòng Quản lý đào tạo chưa thực hiện được chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động thi học phần, đây là một tồn tại cần sớm phải thay đổi.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Học viện nhằm tạo môi trường "thi sạch", Học viện ANND đã mạnh dạn chuyển phương pháp thi "cuốn chiếu" sang phương pháp thi theo kỳ, trong đó đổi mới đồng bộ các khâu: từ hình thức thi, cách ra đề thi, lên bảng điểm. Phong trào "thi sạch" đã tạo ra một hiệu ứng tích cực trong nhận thức của đa số học viên. Hình thức thi mới như viết tiểu luận, vấn đáp buộc người học phải tự nghiên cứu, phản xạ nhanh. Khâu coi thi cũng được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, qua theo dõi, thống kê có tới 99,8% sinh viên các lớp thực hiện nghiêm túc kỷ luật phòng thi.

Học viện ANND cần đổi mới tư duy về công tác đào tạo. Yêu cầu phải đổi mới cả về nội dung, phương pháp, phương tiện giảng dạy. Sự đổi mới tư duy về công tác đào tạo đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo theo chiều hướng tích cực, chủ động hơn. Mặt khác, công tác đào tạo cán bộ an ninh của Học viện cần có chiến lược tổng thể, lâu dài, có kế hoạch phát triển từng giai đoạn. Học viện phải không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật an ninh hiện đại, mở rộng quan hệ hợp tác… Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến gắn với thực tiễn nghiệp vụ của ngành…

(Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng,
nguyên ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an)

Thu Phương
.
.