Học tiếng Mường để phục vụ dân

Thứ Hai, 12/09/2011, 20:47
Đều đặn mỗi tuần hai buổi, vào những ngày nghỉ cuối tuần, lớp học tiếng Mường của Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) thu hút đông đảo các học viên, đều là cán bộ dưới xuôi lên vùng cao công tác.
Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, làm quen với các con chữ, cách phát âm và đánh vần… qua các buổi học, mỗi học viên ngoài việc học tiếng, đã hiểu thêm được phong tục, tập quán của người Mường, từ đó phục vụ công tác chuyên môn, gắn bó mật thiết giữa cán bộ và nhân dân. Đó là một trong rất nhiều phần việc mà Công an huyện Tân Sơn đã và đang thực hiện cuộc vận động lớn của Bộ Công an với tiêu chí “Vì nhân dân phục vụ”.

1. Từ trung tâm TP Việt Trì vào đến Công an huyện Tân Sơn mất gần 80km đường rừng. Đường vào Tân Sơn - một trong các huyện nghèo nhất của 63 tỉnh, thành cả nước - giờ đã được trải nhựa, song những khúc cua tay áo, qua các đoạn đèo dốc vẫn khiến chúng tôi nôn nao, mệt nhoài. 

Ấn tượng đầu tiên khiến cả đoàn công tác cảm thấy hài lòng, là lời chào và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Tân Sơn, khiến bao mệt mỏi của chặng đường dài tan biến. Khi chúng tôi đến, Đại tá Nguyễn Khuyến, Trưởng Công an huyện Tân Sơn cùng 36 cán bộ trong đơn vị đang học tiếng Mường tại hội trường tầng 3 của Công an huyện.

“Khổ nhất có lẽ là sự bất đồng về ngôn ngữ”, chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng thành lập lớp học tiếng Mường, Đại tá Khuyến cho biết: Tân Sơn là huyện miền núi mới được thành lập từ năm 2007, có rất đông đồng bào dân tộc, trong đó nét đặc trưng nổi bật là bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Sự bất đồng về ngôn ngữ là một trở ngại rất lớn đối với cán bộ Công an khi tiếp xúc với dân, vận động họ, không nghe theo kẻ xấu, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Một tuần hai buổi, tranh thủ vào những ngày cuối tuần, lớp học tiếng Mường thu hút được đông đảo cán bộ người Kinh tham gia. Anh em ai cũng nghĩ học tiếng Mường không chỉ để biết, để phục vụ công tác chuyên môn mà còn góp phần gắn bó mật thiết giữa cán bộ với nhân dân, giúp họ xóa đói giảm nghèo, hiểu biết về các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì thế, ai cũng học tập chăm chỉ, để tiếng Mường trở thành ngôn ngữ thứ hai của mình. Vậy là ngoài những giờ lên lớp, sau các giờ làm việc căng thẳng, các học viên lại sôi nổi luận bàn, các cán bộ người Mường đang công tác tại Công an huyện Tân Sơn trở thành những trợ giảng đắc lực, giúp các học viên học tập…

Trung tá Hà Kim Nghĩa tuyên truyền giao thông cho Tổ cứu hộ, cứu nạn Đèo Cón.

2. Thiếu tá Nguyễn Hải Tinh, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an huyện Tân Sơn - một học viên của lớp học tiếng Mường chia sẻ, trước khi cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” được Bộ Công an phát động, Công an huyện Tân Sơn đã có phong trào “Công an Tân Sơn kỷ cương vững, phong cách tốt, vì nhân dân phục vụ”.

Bằng những phần việc cụ thể, mỗi cán bộ đều thực hiện theo tiêu chí “Vì nhân dân phục vụ”. Ở Tân Sơn, việc cán bộ Công an huyện đến nhà dân để lấy lời khai của bị hại và các nhân chứng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Hưởng ứng cuộc vận động, Trung tá Hà Kim Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính và giao thông đã cùng đồng đội lặn lội đến 17 xã vùng cao, làm CMND cho bà con… Nhiều người già, lần đầu tiên trong đời nhận tấm CMND thì vui mừng lắm.

Trong những chuyến công tác ấy, Trung tá Nghĩa và đồng đội đã kết hợp tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Giao thông. Hiệu quả thiết thực đã được nhìn thấy rõ rệt là trong những tháng đầu năm 2011, tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Tân Sơn đã giảm 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái.

3. Chọn khâu đột phá từ việc đơn giản nhất là lời chào, trong mọi tình huống, đều phải tôn trọng nhân dân, cuộc vận động bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động, trong mỗi cán bộ, chiến sỹ.

Đại tá Khuyến chia sẻ: Ban chỉ huy Công an huyện Tân Sơn đã thành lập hai câu lạc bộ “nghiệp vụ”, đây chính là nơi để cán bộ, chiến sỹ trao đổi về kiến thức, về các tình huống nghiệp vụ và kinh nghiệm phá án; giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, về phong cách làm việc, phong tục tập quán và cuối cùng là cán bộ giao lưu với nhau bằng tiếng Mường.

Việc duy trì thường xuyên phong trào tập võ thuật và thể dục buổi sáng, các môn thể thao buổi chiều ở đơn vị đã góp phần xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. Trong tháng 8/2011, Công an huyện Tân Sơn được Bộ Công an tặng Bằng khen trong công tác bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Xuân Mai
.
.