Hồ Việt Lắm - vị tướng tài trí ở đất Mũi Cà Mau

Thứ Ba, 17/08/2010, 15:59
Thật ra, ông được sinh ra ở xứ dừa Đồng Khởi (tên ông có trong danh sách 23 vị tướng của tỉnh Bến Tre - PV), nhưng theo gia đình về cực Nam lập nghiệp rồi trở thành dân đất Mũi. Khi tôi thực hiện bài viết này, ông cũng vừa tròn tuổi 60.

Trước khi nhận Thông báo chờ hưu, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm là Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ - Tổng cục An ninh II; đại biểu Quốc hội khóa XI. Ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an…

Liên tục hoạt động cách mạng gần 50 năm, bao nhiêu lần vào sinh, ra tử, góp nhiều công sức, trí tuệ quan trọng đối với ngành Công an, giờ đây, khi vừa rời khỏi vị trí Cục trưởng An ninh Tây Nam Bộ, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm mới có dịp hồi tưởng lại những câu chuyện mà trong cảm nhận của lớp trẻ của chúng tôi hôm nay, nó giống như huyền thoại…

Cảm hóa tội phạm bằng lòng nhân ái, bao dung

Tham gia hoạt động cách mạng từ đầu năm 1962 nhưng đến tháng 3/1970, Mười Lắm mới bắt đầu hoạt động trong lực lượng Công an. Bấy giờ, ông là cán bộ Ban An ninh xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), một vùng quê bị địch điên cuồng bắn phá càn quét, hòng dập tắt phong trào cách mạng. Trước thực tế này, ông cùng Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Trọng, bí danh Chín Cẩn quyết tâm bám trụ, ngày đêm len lỏi về các thôn, gặp gỡ động viên các cán bộ, đảng viên, nhân dân giữ vững ý chí bám, ruộng vườn, xây dựng lực lượng chiến đấu với địch…

Tháng 9/1972, ông được Huyện ủy Trần Văn Thời điều động về Tiểu ban Chấp pháp Ban an ninh huyện. Trải qua các cương vị: Cán bộ hỏi cung, Đội trưởng chấp pháp, Đội trưởng Cảnh sát hình sự - kinh tế… ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông kể: "Lúc đó, sức trẻ nên cứ ban ngày tập trung hỏi cung can phạm (là binh lính quan chức chính quyền Sài Gòn); đêm đến thì luân phiên cùng anh em canh gác bảo vệ".

Cũng trong thời gian này, đã xảy ra một câu chuyện khiến ông không thể nào quên mỗi khi kể lại chặng đường tham gia hoạt động cách mạng của mình. Đó là chuyện một nhóm tù nhân liều lĩnh cướp vũ khí định giải thoát cho ra vùng địch kiểm soát.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể: "Tốp này do Nguyễn Văn Lắm - một thám báo ác ôn, chỉ huy. Khi cướp được khẩu AR15, Lắm cầm súng quay vào trại. Lúc đó, trại chỉ còn tôi cùng đồng chí Út Thanh và đồng chí Tạo. Nguyễn Văn Lắm và đồng bọn rất hùng hổ. Cứ tưởng nó nổ súng vào chúng tôi, nhưng một tình huống không ai nghĩ đến đã diễn ra, Nguyễn Văn Lắm đã quay mũi súng về đồng bọn ở phía sau…".

Sau này, Lắm khai: "Khi bị bắt đưa vào trại giam, tôi được anh Mười Lắm trực tiếp giáo dục, cảm hóa, lấy lời khai. Tình cảm và những lý lẽ của anh đưa ra đã thuyết phục tôi nhận ra sai lầm và cảm thấy ăn năn hối lỗi, khai báo thật thà. Trong quá trình bị giam giữ, tôi bị bệnh nặng. Chính cán bộ Mười Lắm là người trực tiếp đưa tôi đi trạm xá huyện, tìm cây thuốc nam, nấu thuốc, chăm sóc cho tôi khỏi bệnh. Tôi đã coi cán bộ Lắm như người cứu mạng. Vì vậy, khi được giao súng để tiêu diệt cán bộ Mười Lắm, hoàn tất việc cướp trại giam, tôi không thể làm… Tôi chỉ có thể giao súng để đầu hàng".

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể thêm, tiếp nhận súng từ tay tên Nguyễn Văn Lắm, cùng với khẩu súng trường K44 chỉ có 3 viên đạn, giữa rừng U Minh Hạ, ông đã hô to: "Tất cả phạm nhân chống đối phải đầu hàng"…  Thế là chỉ một mình một súng, Mười Lắm mưu trí lần lượt bắt giữ các toán phạm nhân. Sau đó, ông đã vượt đường rừng hơn 20 km thông báo cho cơ quan bạn và địa phương kịp thời bao vây bắt giữ đến tên phạm nhân cuối cùng vượt trại. 

Hoàn hảo trong vai trò NK2

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể, hồi năm 1979, ông được giao làm Phó Công an huyện Trần Văn Thời, phụ trách an ninh. Bấy giờ, huyện này là trọng điểm của bọn tội phạm tổ chức vượt biên trốn ra nước ngoài. Bọn chúng dùng "chiêu" lập Công ty Khai thác đá ở Hòn Đá Bạc để mua sắm tàu sắt, trang bị súng ống rồi giả danh Cảnh sát để đưa người vượt biên… Đồng chí Mười Lắm đã tranh thủ tối đa sự giúp sức của nhân dân qua việc phát động, củng cố phong trào quần chúng và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn các vụ bỏ trốn ra nước ngoài.

Ông Mười Lắm kể lại chuyện được phân công tham gia vào Kế hoạch CM12 chuyên án bắt bọn gián điêp Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh: "Đầu năm 1981, khi xong lớp bổ túc sĩ quan, trở về địa phương công tác thì tôi nhận được thông báo của trên về khả năng bọn gián điệp, biệt kích có thể xâm nhập vào Việt nam bằng đường biển sau khi toán gián điệp, biệt kích mang tên "Minh Vương 1" xâm nhập bằng đường bộ về An Giang bất thành".

Ngày 15/5/1981, Mười Lắm được tin từ các tổ tuần tra cho biết đã xuất hiện tàu lạ lảng vảng ở vùng biển Sông Đốc, sau đó di chuyển cặp vào Vàm Rạch, Vàm Bảy Ghe. Sau khi chôn giấu vũ khí xuống bãi biển, nhiều đối tượng đã khẩn trương rời tàu, lội vào những vạt rừng đước ven biển ẩn náu. Và ngay trong ngày hôm đó, một số đối tượng đã lén lút mò về với gia đình. Đúng như nhận định của Mười Lắm, sau khi nghe lời khuyên can của người thân, số đối tượng này đã đến Công an huyện trình diện.

Vừa trực tiếp thẩm tra, đánh giá lời khai các đối tượng, Mười Lắm tranh thủ giáo dục, cảm hóa các đối tượng và ông đã có thông tin quan trọng, cần thiết từ bọn chúng để báo cáo cấp trên có kế hoạch phòng chống. Các đối tượng còn xin Mười Lắm cho phép được "lập công chuộc tội". Tính nhân văn của Kế hoạch CM12 cũng bắt đầu từ đây…

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm (bên phải) tại Buổi giao lưu CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ do Tổng Cục XDLL-CAND phối hợp với Trung tâm THVN tại TP Cần Thơ.

Cũng cần kể thêm rằng, khi đã bắt đầu vào thực hiện Kế hoạch CM12, Mười Lắm được phân công giữ vai trò một "điệp viên" của bọn Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh với mật danh NK.02. Vị trí này quan trọng chỉ đứng sau NK.01 là đồng chí Trần Phương Thế (Tám Thậm) - Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, lúc bấy giờ là Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị Công an Minh Hải.

Điểm lại vai trò của các "điệp viên" - những người trực tiếp làm nên chiến thắng CM12, các thế hệ CAND hôm nay nhận ra một Mười Lắm luôn hiện diện với hình ảnh người chiến sĩ Công an khôn khéo, linh hoạt khi đối diện với nhiều tình huống bất ngờ của địch. 18 chuyến xâm nhập của bọn gián điệp, biệt kích nhưng chẳng chuyến nào giống chuyến nào. Ông và đồng đội luôn sát cánh nhau, gồng mình, vươt lên và đặc biệt là luôn căng não để ứng phó mọi tình huống...

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể, rất nhiều lần bọn tay chân của Túy, Hạnh chỉa súng vào ông để thăm dò xem ông là NK2 thật hay là Công an cài cắm. Tuy nhiên, do tiên lượng được tình huống này nên ông đã bình tĩnh vượt qua. Vậy là niềm tin của chúng vào ông ngày càng tăng. 

Thiếu tướng Mười Lắm kể trong số biệt kích xâm nhập để thực hiện chiến dịch "Hồng Kông 3" vào ngày mồng bảy Tết Nguyên đán 1982, địch đưa vào vùng biển Nam Đá Bạc (Sào Lưới) 47 tên, được trang bị vũ khí đến tận răng cùng 20 tấn vũ khí. Toán này hoạt động độc lập. Khi vào nội địa, chúng chỉ nhờ "Tổ đặc biệt" lo an ninh bãi đổ quân sau đó sẽ tự lực đi vào rừng U Minh. "Tôi được phân công cùng NK01 và K64 ra nhận vũ khí và sau đó, đưa cả toán vào rừng U Minh theo kế hoạch được… "chủ tịch" (tức Túy, Hạnh) duyệt (thực chất là trận địa mai phục của ta tại khu vực Giáo Bảy để tiêu diệt). Rất nhiều việc hệ trọng được đưa ra bàn bạc, cân nhắc và thống nhất.

Mười Lắm kể thêm: "Trong toán gián điệp, biệt kích xâm nhập lần này có tên Hai Hùng là người ở Bà Kẹo, thuộc địa bàn mà ông từng hoạt động. Để tránh tình huống Hai Hùng nhận ra ông, không phải là chuyện đơn giản. Lần đó, tên toán trưởng có đến 3 lần chỉa súng vào tôi để "đo" thần kinh của tôi nhưng chẳng phát hiện nơi tôi một sự bối rối nào". Và nhờ tài trí, lanh lẹ của Mười Lắm, trong chuyến ấy, đã có hàng chục người dân sống bằng nghề lưới thoát chết.

Trong lần đón Hạnh, Túy từ nước ngoài vào "quốc nội" kiểm tra (4/6/1982), Mười Lắm được giao nhiệm vụ lo an ninh bến bãi, ổn định tinh thần cho các K mà Túy, Hạnh dự tính sẽ gặp và đón nhận 11 K đi cùng với "chủ tịch" đưa qua tàu ta. Chuyến đó, Mười Lắm còn được giao quản lý 1 tàu tiền giả (99.750.000 đồng loại giấy có mệnh giá 10 đồng lúc bấy giờ); bố trí nơi ăn ở cho Túy, Hạnh tại căn cứ giả (là chòi lá ở giữa rừng lá dừa nước của một người dân ở Vàm Rạch Ruộng, xã Trần Hợi) do ông lập nên… Trong chuyến đón Hạnh cùng các tên khác vào chuyến thứ 18 ngày 9/9/1984 - chuyến cuối cùng, ông và đồng đội đã tổ chức rất hoàn hảo.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm tổng kết: "Trong vai NK02, tôi đã có 17 lần trực tiếp đón, đưa 147 tên gián điệp, biệt kích vào trận địa phục sẳn của ta". Chính sự hoàn hảo ấy đã góp phần tạo nên thắng lợi lẫy lừng mang tên CM12 - một mốc son trong truyền thống CAND hôm nay…

Thái Bình
.
.