Hạnh ngộ những người làm báo Công an Lào - Việt

Chủ Nhật, 06/12/2009, 14:35
Đợt gió lạnh đầu mùa vừa đủ quyện lòng người ấm lại. Tâm thế những người bạn làm báo trong lực lượng Công an của đất nước Triệu Voi đến Việt Nam lần này thân tình và đầm ấm như về với mẹ. Khi hoàng hôn buông xuống, những câu chuyện cười đậm chất dân gian Việt-Lào lại nở rộ nhưng không tách rời không khí tác nghiệp báo chí vừa khẩn trương vừa nghiêm túc.

Một chút bất ngờ khi chúng tôi nhận nhiệm vụ cùng đoàn cán bộ báo chí của Bộ An ninh nước bạn Lào đi thực tế tại một số địa phương. Bù lại, những nét tương đồng trong nếp sống của người dân Lào - Việt, không khí ấm cúng như con một nhà của những người làm báo trong lực lượng Công an hai nước đã nhanh chóng xua đi mọi xa lạ.

Trung tâm gây chú ý của đoàn là Đại uý Mixene, phóng viên truyền hình mang cái tên rất Pháp nhưng tính cách thì thuần Lào. Anh nói sành sỏi tiếng Việt (kể cả tiếng lóng) lại am hiểu tập quán người dân nhất là giới trẻ, nên không bất ngờ khi cương vị phiên dịch của đoàn dành cho anh.

Đại uý Chăn Thi - Phó đoàn, Phó Ban biên tập báo viết chững chạc và sâu lắng; Trung tá Sỏm Vắng - Trưởng đoàn, vốn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Viêng Chăn, khoa Văn học có phong cách tao nhã và hóm hỉnh; trẻ nhất là Thượng sĩ Mạ Ny Văn, nữ phát thanh viên chuyên mục "Vì an ninh Tổ quốc" Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Sạ Vắn Nạ Khệt có chung biên giới với tỉnh Quảng Trị, lần đầu tiên xa nhà nên mỗi lần khám phá cái mới là một câu chuyện cười nở rạng như bông hoa Chăm pa trước nắng mai...

Nghi thức giới thiệu nhanh chóng nhường chỗ cho sự thân quen khi đoàn đến Công an tỉnh Thanh Hoá. Gặp là hỏi, là ghi âm, phỏng vấn, nhà báo bao giờ cũng thế. Cả đoàn bị cuốn hút ngay vào không khí làm việc của cán bộ, chiến sĩ Phòng Công tác chính trị. Nào là cắt chữ, ghi hình, xây dựng chuyên mục, chuẩn bị tin bài đăng báo, duyệt kế hoạch đi cơ sở... phần việc nào cũng khẩn trương, yêu cầu thời sự. Khi đã hòm hòm dữ liệu, Đại uý Chăn Thi rút cái tít khá ấn tượng về sự tận tụy của những cán bộ tuyên truyền nơi đây: "Phòng PX15 Công an tỉnh Thanh Hoá - một ngày có hơn 24 giờ".

Nghề báo kể cũng lạ, chị Mạ Ny Văn, anh Sý Mương và vài đồng nghiệp chưa thành thạo tiếng Việt, nhưng trao đổi là hiểu, hiểu cả nội dung lẫn tình cảm của người truyền đạt. Ấn tượng với mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" tại huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, anh Chăn Thi thán phục:"Trong bối cảnh hiện nay, người bình thường kiếm việc làm còn khó huống hồ là người đã có nhiều vấp váp. Vậy mà ở đây, những người lầm lỗi còn được bảo lãnh vay vốn sinh nhai, phát triển sản xuất".

Kỳ thực thì để 350 doanh nhân và các chủ cơ sở sản xuất trong huyện đồng lòng gây dựng 400 triệu đồng quỹ phòng chống tội phạm, không chỉ từ lòng nhân ái của các doanh nhân mà cái chính lại là đức dám chịu trách nhiệm của các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Nga Sơn trước xã hội.

Nhớ lại những ngày đi vận động quần chúng ở huyện Mường Khóp, tỉnh Say Nha Bu Ly (Bắc Lào, bên bờ sông Mê Kông), Chăn Thi không thể nào quên ánh mắt đầy lưu luyến và  biết ơn của các cụ già, em nhỏ nơi đây. Bản Hây Ngân, nơi các anh đến, chỉ có 269 nóc nhà, nhưng tình hình trật tự xã hội khá phức tạp, nhất là tệ nghiện ma tuý.

Thực hiện đường lối dân vận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, lấy tình cảm và nhân cách của người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ để cảm hoá, thực hiện "ba cùng" với dân, các cán bộ Công an đã vận động hơn chục thanh niên trong bản tỉnh ngộ từ bỏ ma tuý, chịu khó làm ăn. Không còn người nghe theo kẻ xấu xúi giục gây đổ vỡ gia đình, bất đồng trong thôn bản.

Anh Sỏm Vắng gắn bó với Việt Nam bắt đầu từ những câu chuyện kể của người cha-cựu chiến binh trong quân đội Pạ Thệt Lào sát cánh với Bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Theo lời kể của người cha, thời đó chiến trường tỉnh Xa La Văn nơi ông chiến đấu vô cùng ác liệt. Đã không ít lần vào sinh ra tử với bao kỷ niệm thời chiến khi bên đất Lào, lúc được sự đùm bọc của người dân Việt. Nhưng sở dĩ ông trở về với cuộc sống đời thường hôm nay, chính là nhờ bàn tay mềm mại của một nữ y tá người Việt băng qua bão lửa cứu ông bên bìa rừng thuộc huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá.

Mải dõi theo những câu chuyện tình thân Lào-Việt, Mixene giật mình vội quăng điếu thuốc khi nhìn thấy tấm bảng ghi hàng chữ: "Công an huyện Kim Sơn không hút thuốc lá". Cấm hút thuốc lá là một quy định hay nhưng ở đây, chủ trương đó còn gắn liền với một việc làm có ý nghĩa xã hội sâu sắc: Dành số tiền tiết kiệm được để mua bò giống giúp người dân thoát nghèo.

Câu chuyện bắt đầu từ hai năm về trước, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình tự nguyện không hút thuốc lá để tiết kiệm mỗi ngày ít nhất là 1.000 đồng mỗi người. Số tiền tưởng như nhỏ nhoi ấy nào ngờ góp lại đủ để mua hơn 50 con bò giống giao cho các hộ dân nghèo chăn nuôi tạo vốn vượt qua đói nghèo.

Trong số các hộ nghèo ấy, có không ít người đã có thời lầm lỗi gieo rắc những chuyện không hay cho cộng đồng. Nhưng lòng người rộng mở, với truyền thống không ai nỡ đánh người chạy lại, giờ họ nhận được sự quan tâm của cán bộ Công an bằng nghĩa cử ấy, thì tận tâm với việc xoá nghèo lắm. Đấy cũng là phương cách tốt để tham gia công tác giữ an ninh rồi. 

Bữa cơm của những người bạn làm báo Công an hai dân tộc Việt-Lào đầm ấm bên bờ biển Sầm Sơn vui như những đứa con xa nhà sum vầy ngày Tết. Mâm cơm đầy nhưng vẻ mặt các bạn Lào dường như còn thiếu một cái gì đó.

Tôi chợt nhận ra tập quán ăn cơm nếp của bạn thay cho cơm tẻ thường nhật của người Việt. Những đĩa xôi nếp thơm nức được các chị nuôi của Công an tỉnh Thanh Hoá bưng ra, chị Vông Sạ Vang hóm hỉnh: "Nghe nhạc hiệu, đoán được chương trình, phẩm chất ấy chỉ có ở những người làm báo Công an".

Tôi thì chỉ nghĩ, mình là anh em một nhà, nên cư xử cho đậm đà tình nghĩa trước sau. Ngọn lửa trại đỏ bừng tô thắm bao gương mặt cả Lào lẫn Việt. Điệu múa lăm vông càng về sáng càng quyến rũ với những vòng tay ngày thêm nới rộng

Thanh Phong
.
.