Gương mặt trẻ tiêu biểu trong học tập, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy

Thứ Bảy, 01/06/2013, 18:45
Chúng tôi đến Đồn Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất khi Trung úy Phan Văn Tiếp vừa hoàn thành ca trực đêm. Chưa kịp thay bộ quân phục, nét mệt mỏi sau một đêm làm việc vẫn vương trên khuôn mặt nhưng Phan Văn Tiếp vẫn cười, bảo rằng đó là công việc thường xuyên của những người lính Đồn Công an cửa khẩu.

Sức trẻ cộng với sự rèn luyện nghiêm ngặt từ những ngày còn ngồi trên giảng đường Đại học An ninh nhân dân, Tiếp lại mang gốc gác nông dân nên “quen rất nhanh” với vất vả. Nhờ tinh thần học hỏi không ngừng, cộng thêm sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, sự giúp đỡ của đồng đội trong đơn vị, những bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi, Phan Văn Tiếp luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, liên tục lập thành tích trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh.

Rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam, người nước ngoài sử dụng hộ chiếu, giấy tờ không hợp lệ xuất nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không Tân Sơn Nhất hoặc giả mạo hồ sơ người khác xin cấp hộ chiếu để xuất nhập cảnh Việt Nam, các đối tượng cấm nhập, cấm xuất của các Cục nghiệp vụ đến  làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất đã không lọt qua cửa kiểm soát.

Cách đây không lâu, cũng trong một ca trực, tiến hành làm thủ tục cho một người đàn ông đã trung tuổi, phát hiện có nhiều biểu hiện nghi vấn, Phan Văn Tiếp yêu cầu cung cấp thêm một số thông tin liên quan. Vị  khách nọ nổi đóa, lớn tiếng cho rằng Công an gây khó dễ cho khách làm thủ tục xuất  cảnh. Nhớ lại những lần sinh hoạt, nhắc nhở nghiêm khắc của cán bộ đồn, Phan Văn Tiếp cố nín nhịn, một mặt yêu cầu vị khách hợp tác, mặt khác báo cáo lãnh đạo cấp trên xử lý. Qua đấu tranh khai thác, vị khách thừa nhận dùng visa của người anh song sinh...

Kể về những kỷ niệm vui và cả không vui trong quá trình làm việc, Trung úy Phan Văn Tiếp tự hào chia sẻ rằng, làm việc tại một trong những cửa ngõ giao lưu lớn nhất của cả nước, mỗi ca làm việc có khi tiếp xúc với cả ngàn người dân trong nước cũng như nước ngoài, người tốt có, người xấu có, từ người lịch thiệp cho đến người thô lỗ cũng vẫn phải tiếp xúc.

Không ít người trong số đó có thái độ thiếu thiện chí với chế độ, cố tình gây bức xúc để tạo cái nhìn thiếu thiện cảm với người Công an cửa khẩu, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam. Những lúc như thế, nếu không tỉnh táo, mất bình tĩnh, rất dễ vi phạm văn hóa ứng xử – một trong những yêu cầu mà lãnh đạo đồn đặt lên hàng đầu với mỗi cán bộ chiến sĩ...

Không chỉ lập nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, Trung úy Phan Văn Tiếp còn là một trong những tấm gương liêm khiết, nhận được niềm tin yêu của đồng đội, lãnh đạo và những người dân anh từng giúp đỡ. Năm 2012, khi làm thủ tục cho hành khách trên chuyến bay VN409 đến từ Hàn Quốc, Phan Văn Tiếp quan sát xung quanh, bắt gặp chiếc ví da màu đen nằm rơi ngay bên dưới, bên trong có đến 750  nghìn Yên  (tiền Nhật) và nhiều giấy tờ mang tên Nguyễn Hoàng Việt.

Vụ việc nhanh chóng được báo cáo lên lãnh đạo ca trực đồng thời thông báo rộng rãi đến mọi hành khách. Trước sự chứng kiến của chỉ huy Đội trực ca công tác, chiếc ví được trao lại nguyên vẹn trong niềm vui khôn tả của chủ nhân.

Với những nỗ lực và thành tích cao trong công tác, những năm gần đây, Trung úy Phan Văn Tiếp liên tục nhận danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, bằng khen của Bộ Công an, giấy khen của Tổng cục An ninh I về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc, giấy khen của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh về thành tích nhặt được của rơi trả lại cho hành khách. Mới đây nhất, Phan Văn Tiếp vinh dự là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu trong học tập, làm theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND

Hoa Nguyễn
.
.