60 năm lực lượng An ninh xã hội:

Góp sức giữ bình yên xã hội

Thứ Năm, 31/01/2013, 00:32
Nhìn lại chặng đường 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng An ninh xã hội luôn tự hào với các thế hệ cha anh, các thế hệ lãnh đạo của lực lượng An ninh xã hội đã được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là của các thế hệ lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh qua các thời kỳ.

Mỗi thời kỳ cách mạng có đặc thù riêng, song nhiệm vụ giữ gìn an ninh xã hội, nhất là an ninh trong các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, nông thôn luôn có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định và phát triển. Các thế lực thù địch luôn coi đây là “ngòi nổ” để lợi dụng chống phá, nhưng một khi lòng dân được củng cố dựa trên nền tảng chính nghĩa thì mọi âm mưu, hành động của kẻ địch phải chuốc lấy vết mòn thất bại.

Hơn 6 thập kỷ xây dựng, trưởng thành, lực lượng An ninh xã hội CAND đóng góp vai trò quan trọng trong thành công chung đó.

Ngay từ khi ra đời sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng An ninh xã hội với nhiệm vụ đấu tranh với bọn phản cách mạng, diệt tề, trừ gian, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và nhân dân đã giành nhiều chiến công.

Tuy còn non trẻ, lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, kinh nghiệm chưa nhiều, song đã mưu trí, dũng cảm, kịp thời phát hiện và đập tan nhiều âm mưu bạo loạn hòng lật đổ chính quyền, điển hình là vụ Ôn Như Hầu (tháng 7/1946 ở Hà Nội) bảo vệ an toàn Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, góp phần viết nên trang sử vàng truyền thống đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân.

Tiếp bước theo truyền thống trên, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng An ninh xã hội đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh, đã nắm chắc tình hình, đánh địch, bảo vệ kháng chiến qua các phong trào trừ gian, bảo mật, xây dựng cơ sở “phá tề”, “trừ gian”, “ba không”… đã đạt được nhiều thành tích góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 16/2/1953, Vụ Bảo vệ chính trị được thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với chức năng chống gián điệp, phản động, được Bộ Công an xác nhận chính thức là ngày truyền thống của lực lượng An ninh xã hội.

Các chiến sĩ Công an giúp dân thu hoạch lúa.

Trải qua 60 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng An ninh xã hội đã kịp thời phát hiện và trấn áp nhiều tổ chức phản động, bắt và trừng trị nhiều tên tay sai chỉ điểm, đấu tranh ngăn chặn và giải quyết ổn định, dập tắt nhiều vụ bạo loạn trong vùng dân tộc, tôn giáo, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ công cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những chiến công xuất sắc có thể kể đến như: Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, song với mưu đồ chia cắt đất nước và xâm lược miền Nam, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ lập nên chính quyền Ngô Đình Diệm đã phát động nhiều chiến dịch cưỡng ép dân di cư vào miền Nam. Hàng vạn địch ngụy cũ có tội ác tay sai, số cầm đầu các đảng phái phản động và nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo, tầng lớp trên trong dân tộc thiểu số di cư vào Nam.

Lực lượng An ninh xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương, các lực lượng vũ trang, các ban ngành triển khai công tác đấu tranh ngăn chặn, vận động nhân dân, đồng thời đấu tranh với số đối tượng còn lại và bọn phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc gây bạo loạn chính trị ở một số địa phương những năm sau hòa bình ở miền Bắc (vụ Trần Phúc ở Hà Tĩnh, vụ ở Quỳnh Lưu – Nghệ An, vụ Lương Huy Hân ở Tòa Giám mục Bùi Chu, Nguyễn Văn Thông ở Nhà thờ lớn – Hà Nội, vụ xảy ra ở Kỳ Sơn – Nghệ An, vụ bạo loạn ở Đồng Văn – Hà Giang, vụ bài Kinh trong vùng dân tộc Thái ở Sơn La, vụ Đảng Công dân Tây Bắc ở Lai Châu…).

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ta đã tổ chức phong trào “Ba không”, “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”… đã phát hiện và phá tan các tổ chức “Liên minh tư sản nhân quyền” ở Phú Thọ, vụ “Mặt trận hòa bình dân chủ chống chiến tranh” ở Hà Nội, “Đảng nhân dân cách mạng” ở Hà Nội.

Tháng 4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở các vùng sau giải phóng rất nặng nề, lực lượng An ninh xã hội ở Bộ và các tỉnh phía Bắc vừa tăng cường lực lượng cho miền Nam, vừa phải bảo đảm an ninh trật tự ở miền Bắc, đã trực tiếp đấu tranh với hàng trăm tổ chức phản động trong ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động, các cụm, toán vũ trang, các tổ chức phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, đã cùng các lực lượng đưa hàng vạn đối tượng đi tập trung cải tạo, đấu tranh với 1.359 tổ chức phản động, 520 toán, cụm vũ trang.

Điển hình là các vụ cầm đầu kích động tuyệt thực, tự thiêu của các đối tượng lợi dụng Phật giáo Ấn Quang, vụ tổ chức phản động Lực lượng Việt Nam tự do, vụ Dòng Chúa cứu thế nhà thờ Vinh Sơn, vụ Tu hội hy vọng… trong Thiên Chúa giáo, vụ Dân quân phục quốc, Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam, các tổ chức nhen nhóm trong Cao đài Tây Ninh, Phật giáo Hòa Hảo… Đã phối hợp với các lực lượng, các địa phương truy quét, bóc gỡ, bắt, tiêu diệt hàng trăm đối tượng và vận động số FULRO hoạt động trong rừng tại các tỉnh Tây Nguyên trở về gia đình góp phần giải quyết cơ bản FULRO ở rừng vào năm 1992.

Thời kỳ đổi mới, lực lượng An ninh xã hội đấu tranh vô hiệu hóa hàng trăm vụ việc lợi dụng tôn giáo, dân tộc và các vấn đề xã hội xâm phạm an ninh trật tự (đấu tranh với các nhóm cực đoan chống đối trong tôn giáo như Huyền Quang, Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Công Chính, Lê Quang Liêm…), giải quyết ổn định nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp, vụ việc phức tạp liên quan tôn giáo, dân tộc...

Đã vận động đưa về địa phương hàng trăm đoàn đông người kéo lên Trung ương khiếu kiện, trực tiếp tham gia giải quyết ổn định hàng trăm vụ “điểm nóng” liên quan an ninh nông thôn, đảm bảo an ninh, an toàn các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng, các đại hội tôn giáo, dân tộc.

Với những thành tích trên, Cục An ninh xã hội và nhiều Phòng An ninh xã hội Công an các địa phương đã được tuyên dương “đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Nhìn lại chặng đường 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng An ninh xã hội luôn tự hào với các thế hệ cha anh, các thế hệ lãnh đạo của lực lượng An ninh xã hội đã được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là của các thế hệ lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh qua các thời kỳ.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội rất nặng nề, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng An ninh xã hội nói riêng phải phát huy truyền thống anh hùng, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, từng bước chính quy, hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, ra sức học tập 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nối tiếp truyền thống vẻ vang, lập được nhiều thành tích hơn nữa, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

L.Đ.L.
.
.