Trại giam Bình Điền – Bộ Công an:

Giúp phạm nhân sống tự tin khi được đặc xá về lại cộng đồng

Chủ Nhật, 01/09/2013, 15:24
Một sáng cuối tháng 8, khi ánh nắng ban mai rắc đều xuống mảnh vườn trong khuôn viên Trại giam Bình Điền (nằm trên địa bàn xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) cũng là lúc các phạm nhân bắt đầu công việc lao động hằng ngày.

Thế nhưng, hôm nay phạm nhân Trần Thị Nguyệt (40 tuổi, quê ở Hòa Xuân, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có một niềm vui khó tả, vì chị được trong danh sách đặc xá dịp Quốc khánh 2-9.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chị Nguyệt tâm sự cùng tôi về những chuỗi ngày hối hận của mình trong trại giam. Chị Nguyệt lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, là cô gái xinh đẹp, có học thức nên gia đình chị đã “hứa hôn” chị với chàng trai tên Thái Ninh Lâm ở cùng xóm. Tuy nhiên, sau ngày kết hôn, đôi vợ chồng trẻ có nhiều bất đồng về quan điểm đã sớm phải đưa nhau ra tòa để ly hôn.

“Năm 1996, sau khi ly hôn, vì thương hai đứa con nhỏ nên tui nhận nuôi các cháu. Thiếu vắng trụ cột, lại sống trong cảnh túng thiếu, tui dần buông xuôi tất cả để theo đám bạn tụ tập ăn chơi và dùng thuốc lắc…”, chị Nguyệt lắc đầu buồn bã.

Để có tiền cho những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, chị Nguyệt đã móc nối với đường dây buôn bán ma túy ở Hà Nội rồi vận chuyển “hàng” vào Đà Nẵng bán cho các con nghiện. Ngày 1/9/2008, chị bị bắt rồi chịu mức án 7 năm tù giam…

Chị Nguyệt kể, trong những ngày tháng ở Trại giam Bình Điền, đêm nào chị cũng khóc, vì nhớ các con và hối hận khi nghe các cán bộ quản giáo chỉ rõ tác hại của việc bán ma túy, gieo rắc cái chết cho người khác…

Giọng chị Nguyệt như nghẹn lại: “Tui vào trại được hơn 1 năm thì nghe con gái đầu báo tin thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Lúc đó tui vui lắm và luôn tự nhủ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm trở về bù đắp tình cảm cho hai con”.

Ngoài việc cải tạo tốt và tích cực học nghề thì kiến thức từ sách, báo đã giúp nhiều phạm nhân ở Trại giam Bình Điền hoàn lương.

Trung tá Lê Văn Hóa, Đội trưởng Đội Giáo dục Trại giam Bình Điền cho biết: “Chị Nguyệt là một phạm nhân hết sức đặc biệt khi có bố là thương binh hạng 1/4, mẹ là người có công với cách mạng. Ngoài việc chấp hành nội quy, cải tạo tốt, chị Nguyệt còn là “cây” văn nghệ thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của Trại trong những ngày lễ lớn. Nhờ những nỗ lực ấy mà chị là 1 trong số hơn 100 phạm nhân được lãnh đạo Trại giam đề nghị xét đặc xá vào dịp này”.

Theo Trung tá Hóa, ngoài việc quản lý, hướng nghiệp dạy nghề cho các phạm nhân, thì trước những đợt đặc xá như dịp 2-9, CBCS đang làm nhiệm vụ tại Trại giam Bình Điền luôn canh cánh một nỗi lòng, đó là làm sao giúp các phạm nhân như chị Nguyệt được trở về với xã hội sống một cách tự tin, có việc làm ổn định để trở thành công dân có ích…

Với tâm tư, nguyện vọng ấy nên lãnh đạo Trại giam Bình Điền đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho phạm nhân hết sức thiết thực. 

Thượng tá Phan An, Giám thị Trại giam Bình Điền cho biết thêm, để giúp hơn 100 phạm nhân được xét đặc xá dịp này tự tin trở về địa phương sống hòa nhập với cộng đồng, Trại còn phối hợp với Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, giúp các phạm nhân có được sự nhận thức đúng mực, không lo lắng, sợ sệt và sớm tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống sau này…

Lê Anh
.
.