Mô hình “1+2” ở phường Phước Hải, TP Nha Trang (Khánh Hoà):

Giúp nhiều người lầm lỗi tiến bộ

Thứ Ba, 11/06/2013, 02:36
Phường Phước Hải, TP Nha Trang từng có đến 135 người từng lầm đường lạc lối, vi phạm pháp luật bị xử phạt hình phạt tù trở về, hoặc những đối tượng thường xuyên gây rối, mất trật tự trị an từng nhiều lần bị lực lượng Công an gọi hỏi răn đe. Nhưng từ khi địa phương này xây dựng và triển khai mô hình “1+2”, đã “gặt hái” nhiều thành công trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư...

Phước Hải là phường ven đô phía Tây của TP Nha Trang, trong những năm qua, nhiều khu dân cư mới thành lập mang tính tự phát dẫn đến tăng dân số cơ học. Toàn phường hiện có 5.300 hộ, 22.300 khẩu.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội, sự khởi sắc về đời sống văn hóa, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội của phường Phước Hải cũng có những diễn biến phức tạp.

Các loại đối tượng hình sự, ma túy, tù tha về… vẫn theo đường cũ, tái phạm nhiều lần, hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn lúc trước. Đây là nỗi bức xúc của người dân, của Công an phường và của các đoàn thể.

Để giải quyết tình trạng trên, đầu năm 1999, Công an phường đã cùng Hội CCB xây dựng mô hình “1+2”. Hình thức của mô hình này là 1 đối tượng sẽ được 2 hội viên CCB phối hợp Công an phường giúp đỡ, giáo dục, giúp đỡ họ hoàn lương, từ đó làm cơ sở ngăn chặn tái phạm của người có tiền án, tiền sự, phòng ngừa, làm giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội ở địa phương.

Trung tá Huỳnh Ngọc Hòa, Trưởng Công an phường Phước Hải cho biết: “Để mô hình thực sự đạt hiệu quả, ban chỉ đạo đã tiến hành triển khai thí điểm ở 2 tổ dân cư là Phước Toàn Tây và Phước Lộc – đây là 2 địa bàn tập trung đông số người lầm lỗi. Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ 2 địa bàn này, mô hình được triển khai, nhân rộng tại 20 tổ dân phố trong toàn phường”.

Cán bộ Công an phường và Hội CCB phường Phước Hải đến thăm hỏi, động viên một thanh niên từng có quá khứ lầm lỗi.

Từ năm 2000 đến nay, mô hình “1+2” đã thực hiện quản lý, giáo dục 135 lượt đối tượng vi phạm, lầm lỡ, trong đó có nhiều đối tượng phải dày công quản lý, giáo dục nhiều năm liền mới thật sự tiến bộ. Tính đến nay có 38 đối tượng thật sự tiến bộ, làm ăn lương thiện, trong số đó không ít người đã trở thành những hạt nhân nóng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Những năm trước, mọi người đều biết đến ông Nguyễn Văn Dung là một nhân vật giang hồ cộm cán. Ông Dung 55 tuổi, trú tổ 4, xóm Đình. Từ sau giải phóng đến năm 2001, ông Dung ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà. Sau khi tìm hiểu kỹ gia cảnh của ông Dung, cán bộ Công an phường và Hội CCB đã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giáo dục.

Một trong những nguyên nhân để ông ta liên tục “ngựa quen đường cũ” chính là do tình trạng mặc cảm, nhàn cư vi bất thiện. Biết rõ điều đó, cán bộ Công an phường đã bảo lãnh, giới thiệu cho ông Dung một công việc ổn định.

Đến bây giờ có thể khẳng định, Nguyễn Văn Dung đã thực sự “rửa tay gác kiếm”, hoàn lương làm lại cuộc đời. Không những thế, ông còn là một người tích cực tham gia phong trào bảo vệ trị an tại địa phương.

Ngoài trường hợp ông Nguyễn Văn Dung, ở phường Phước Hải hiện cũng có rất nhiều trường hợp từng là đối tượng “đầu bò đầu bướu” được cảm hóa thành người lương thiện, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, như: Nguyễn Văn Thuận, biệt danh “Tèo ròm”, 45 tuổi, trú 186/10 Lê Hồng Phong, từng “dính” nhiều tiền án tiền sự về trộm cắp; Trần Đôn (39 tuổi), ở 90/8 phố Đồng Nai; Cao Văn Tý (24 tuổi), ở 40/25 phố Tân An..

Bác Huỳnh Tấn Thanh, một CCB có nhiều năm tham gia mô hình này trao đổi với chúng tôi: “Để quản lý, giáo dục thành công được 38 đối tượng vi phạm pháp luật trở thành người lương thiện là một việc làm không hề dễ dàng. Nhưng kinh nghiệm rút ra từ Phước Hải là phải làm sao để các cháu, các em tránh xa được cạm bẫy, không để họ tiếp tục bị cái xấu rủ rê, lôi kéo. Muốn hiệu quả, bên cạnh việc cộng đồng không nên xa lánh mà hãy chung tay giúp đỡ, tạo công việc ổn định cho họ. Khi đã có thu nhập, không bị kỳ thị thì người lầm lỗi sẽ tự tin làm lại cuộc đời”. 

Trung tá Huỳnh Ngọc Hòa, Trưởng Công an phường Phước Hải cho chúng tôi biết thêm, thành công của mô hình chính là sự phối hợp tốt giữa Hội CCB và Công an phường.

Đối với Công an phường, chủ công là lực lượng CSKV phải rà soát lên danh sách số đối tượng cần đưa vào quản lý giáo dục, nắm rõ lai lịch, tiền án, tiền sự, nhân thân, hoàn cảnh của từng đối tượng để trao đổi cho Hội CCB phân công hội viên có biện pháp quản lý giáo dục phù hợp, hiệu quả.

Những người tham gia giúp đỡ người lầm lỗi phải là người có uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm, có điều kiện gần gũi với người được cảm hóa, giáo dục, lấy tình làng nghĩa xóm để từng bước cảm hóa giáo dục đối tượng…

Ngọc Oanh - Minh Hạnh
.
.