Giúp người lỗi lầm quay về nẻo thiện

Thứ Năm, 07/08/2014, 08:45
Đại tá Nguyễn Mạnh Phùng, Trưởng phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 19 mô hình điển hình trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại các huyện: Trùng Khánh, Hạ Lang, Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình và TP Cao Bằng.

Trong đó, có nhiều tấm gương tiêu biểu là những người đã từng “lầm lạc”, sau khi ra tù trở về địa phương, nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng đã biết rũ bỏ mặc cảm, vươn lên phát triển kinh tế có hiệu quả; gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia công tác xã hội, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Công an viên, ủy viên hội cựu chiến binh, phó chủ tịch hội chất độc màu da cam cấp cơ sở. Cũng có những người không chỉ vươn lên tự khẳng định mình, tự làm giàu cho gia đình mình, mà còn thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương…

Theo chân Đại tá Nguyễn Mạnh Phùng, chúng tôi có mặt tại Doanh nghiệp tư nhân Đức Tuyết - chuyên kinh doanh về vật liệu xây dựng (VLXD), chế biến gỗ lâm sản và kinh doanh nhà hàng ăn uống do anh Nguyễn Văn Đức, trú tại tổ 5, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình làm chủ - một cơ sở sản xuất kinh doanh có trị giá hàng tỷ đồng, đang tạo công ăn, việc làm ổn định cho 8 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ khác. Nhìn hình ảnh người giám đốc đang tận tình hướng dẫn, kiểm tra sản phẩm đồ gỗ do bàn tay những người thợ mộc, thợ cơ khí làm ra để phục vụ cho một số công trình xây dựng tại địa phương, ít ai biết rằng cách đây hơn mười năm về trước, anh Nguyễn Văn Đức cũng từng là người con “lạc lối”, sau khi chấp hành xong án tù về, anh đã phải đối mặt những ngày tháng vô cùng khó khăn, vượt qua mặc cảm của bản thân, hòa nhập cộng đồng để vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Đức tâm sự: Năm 2005, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trở về với gia đình, niềm vui cũng có mà lo lắng cũng nhiều. Vì hoàn cảnh gia đình anh lúc ấy rất khó khăn, vợ anh không có công ăn việc làm ổn định, các con còn nhỏ. Anh đã phải trăn trở suy nghĩ làm thế nào để tìm được việc làm ổn định cho bản thân, nuôi sống gia đình. Được bạn bè, người thân giúp đỡ; cấp ủy, chính quyền địa phương chia sẻ, động viên giúp anh xóa bỏ mặc cảm tội lỗi của quá khứ, hỗ trợ anh vay vốn kinh doanh. Với nghị lực và sự quyết tâm, cuộc sống của gia đình anh dần ổn định, tích cóp được vốn liếng. Năm 2010, anh Đức quyết định bỏ vốn, lập Doanh nghiệp tư nhân Đức Tuyết với mục đích vừa làm giàu cho bản thân vừa dang tay tạo cơ hội cho những người đã từng lầm lỗi như mình trở về địa phương có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống.

Xưởng chế biến lâm sản của Doanh nghiệp tư nhân Đức Tuyết do anh Nguyễn Văn Đức làm chủ đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động.

Tại xã Bó Mu, huyện Hạ Lang, mọi người dân ở đây ai cũng đều nhắc đến ông Nông Văn Eng - chủ nhân của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất VLXD và vệ sinh môi trường. Tâm sự với chúng tôi, ông Eng cho biết: Trước đây, thời tuổi trẻ lầm lỗi,  ông bị bắt về tội tiêu thụ trái phép vật liệu nổ quân dụng. Tháng 4-2000, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, được sự giúp đỡ của chính quyền và Công an huyện Hạ Lang, ông đã nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình. Sau đó thành lập HTX Sản xuất VLXD và vệ sinh môi trường, tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 người dân địa phương.

Đến xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh, chúng tôi có dịp gặp anh Ma Văn Độ, SN 1975, trú tại xóm Bình Lang. Năm 2001, anh Độ bị kết án tù về tội mua bán trái phép vật liệu nổ. Trong quá trình chấp hành án, anh đã cố gắng rèn luyện và được hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ra tù năm 2003. Trở về địa phương, được sự giúp đỡ của Công an huyện Trùng Khánh, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người thân, anh Độ đã mạnh dạn vay vốn làm ăn, ban đầu từ việc chăn nuôi gia cầm, lợn nái và lợn thịt. Trung bình mỗi năm anh cho xuất chuồng hai lứa lợn, mỗi lứa từ 20 đến 30 con, trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh cũng thu được ngót nghét 60 triệu đồng. Không chỉ dừng ở đó, với quyết tâm vượt khó làm giàu, năm 2008, anh mạnh dạn vay tiếp vốn ngân hàng để mua xe ôtô, chuyên chở VLXD, phục vụ cho một số công trình xây dựng trên địa bàn. Đến nay kinh tế gia đình anh đã vững vàng, xây dựng được cơ ngơi khang trang cùng nguồn thu nhập ổn định. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của anh, chúng tôi cũng thấy vui lây. Trở về với cộng đồng, anh Độ không chỉ gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm và là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Đình Minh nhiệm kỳ 2011-2016.

Còn đây là anh Hoàng Văn Dực, trú tại tổ 8, thị trấn Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh). Năm 1994 anh phạm tội giết người, bị kết án 15 năm tù. Trong quá trình chấp hành án, do rèn luyện tốt, anh Dực được giảm án trước thời hạn, ra tù năm 2007. Anh Dực tâm sự, những ngày đầu mới trở về địa phương, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và gia đình, anh đã rũ bỏ mặc cảm quá khứ, quyết tâm vươn lên làm kinh tế. Lúc đầu khó khăn, không có vốn, anh đã mạnh dạn vay ngân hàng, mua máy xay xát phục vụ gia đình và nhân dân địa phương. Từ đó, hằng tháng anh đã có thu nhập ổn định, mỗi tháng trung bình khoảng 4-5 triệu đồng. Có những tháng cao điểm như vào vụ mùa và dịp giáp Tết, công việc xay xát của anh rất bận rộn, thu nhập cũng tăng lên đến hơn chục triệu đồng/tháng. Vất vả là thế nhưng anh Dực rất vui vì cuộc sống bình yên và được mọi người yêu thương, quí  trọng.

Từ thực tế cũng như tâm sự của anh Đức, ông Eng, anh Độ hay anh Dực –  4 trong số những tấm gương tiêu biểu điển hình của tỉnh Cao Bằng mà chúng tôi có dịp gặp qua Hội nghị biểu dương sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 80/CP của Chính phủ về đảm bảo giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Một điều dễ nhận thấy, để Nghị định 80/CP thực sự phát huy được hiệu quả, rất cần đến sự chung tay của toàn xã hội, của cả cộng đồng trong việc xóa bỏ kì thị, hướng dẫn, động viên, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống; tiếp thêm nghị lực giúp họ quyết tâm làm lại cuộc đời, phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình và xã hội

Thanh Duyên – Tâm Phạm
.
.