Ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 – 20/7/2014):

Giữ thương hiệu người Cảnh sát nhân dân

Thứ Hai, 21/07/2014, 20:24
Cảnh sát nhân dân là một bộ phận của Công an nhân dân - lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước, đồng thời là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Ra đời từ trong bão táp của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong từng giai đoạn lịch sử, với các tên gọi khác nhau như “Cảnh sát”, “Công an trật tự”, “Trị an dân cảnh”, “Trị an hành chính”, “Cảnh sát nhân dân”, nhưng chức năng, nhiệm vụ cơ bản không thay đổi. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) và Pháp lệnh quy định cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan CSND. Từ đó, ngày 20-7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CSND.

Lực lượng CSND tiếp tục đổi mới các mặt công tác, phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang, thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma tuý, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tệ nạn gây nhức nhối trong xã hội...

Nắm chắc tình hình, tập trung nghiên cứu những vấn đề về kinh tế - xã hội, tình hình thế giới và trong nước tác động đến trật tự, an toàn xã hội để đề xuất và thực hiện những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đảm bảo tốt trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm, phức tạp; kiềm chế và đẩy lùi tai nạn, ùn tắc giao thông; tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, những ngày lễ lớn của dân tộc...

Theo Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Cảnh sát đã triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, bảo; triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước. Triển khai thực hiện nghiêm túc các Kết luận của Bộ Chính trị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các Điện chỉ đạo của Bộ về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phối hợp giải quyết, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc để vi phạm pháp luật.

Lực lượng Cảnh sát, An ninh và Bộ đội Biên phòng phối hợp giữ an ninh - trật tự.

Trả lời phỏng vấn Báo CAND, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, hoạt động của tội phạm hình sự cơ bản đã được kiềm chế, hầu hết các loại án hình sự nghiêm trọng giảm, an ninh trật tự được đảm bảo; kết quả công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố tăng cao, hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm hình sự vẫn rất phức tạp và nghiêm trọng, nổi lên nhiều trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, tội phạm trộm cắp, ma túy, sử dụng công nghệ cao...

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, về công tác phòng, chống tội phạm hình sự, Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt. Rút kinh nghiệm qua Hội nghị “Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức”, Bộ trưởng Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm có tổ chức và ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCA ngày 06/01/2014 về đấu tranh với tội phạm có tổ chức trong tình hình hiện nay; tiếp đó đã và đang thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức, tập trung tại 18 địa bàn trọng điểm.

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát toàn quốc đã tập trung triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm, trong đó có các băng nhóm nguy hiểm, băng nhóm có dấu hiệu hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, côn đồ hung hãn. Thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm tội phạm ngày càng tinh vi hơn, tìm mọi cách lách luật, nhiều nhóm núp dưới vỏ bọc các hoạt động kinh tế, đối tượng cầm đầu không trực tiếp gây án nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Do chúng ta tập trung tấn công trấn áp mạnh hoặc răn đe giáo dục nên hoạt động của tội phạm hình sự có tổ chức đã không còn manh động, trắng trợn hoặc nhiều nơi đã bị vô hiệu hóa, tan rã. Tuy nhiên, loại hoạt động này vẫn tiềm ẩn phức tạp tại các thành phố lớn, nhất là dưới các dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ hoặc lừa đảo…

Cảnh sát kiểm tra, thu giữ hàng hóa nhập lậu.

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, điều tra 10.256 vụ, bắt 15.298 đối tượng phạm tội về ma túy. Điển hình như vụ Công an huyện Mộc Châu, Sơn La bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Huyền (Sơn La), thu 14.000 viên MTTH; Công an Nghệ An bắt giữ đối tượng Hồ Sử Cơ (Nghệ An) vận chuyển 60 bánh heroin... Heroin vẫn là loại ma túy chính mà bọn tội phạm mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng, tuy nhiên số vụ và số lượng ma túy tổng hợp (chủ yếu là methamphetamine và ketamine) bị phát hiện, bắt giữ đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý là tình trạng câu kết, móc nối giữa tội phạm ma túy với các loại tội phạm khác, đã phát hiện triệt phá nhiều băng, ổ, nhóm tội phạm hình sự hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy. Hầu hết các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn đều trang bị vũ khí quân dụng và chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhất là về tài chính, ngân hàng, sử dụng vốn đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản... Triển khai kế hoạch thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm.

“Tuy nhiên, vấn đề chống tham nhũng vẫn đang là một đòi hỏi cấp bách và quan tâm của toàn xã hội hiện nay. Đáng chú ý là phải lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản từ các ngành, các cấp, các lĩnh vực; từ tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản… đến thực hiện chính sách, phúc lợi và an sinh xã hội. Đi đôi với phòng ngừa là kịp thời phát hiện, chủ động ngăn chặn và đấu tranh, phải luôn quyết liệt, đồng bộ thì mới có hiệu quả cao” - Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.

Trong khi đó, lĩnh vực quản lý hành chính về TTXH cũng có nhiều đổi mới, nhất là về quản lý cư trú, quản lý xuất, nhập cảnh theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm lược thời gian, giấy tờ không cần thiết. An toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... cũng có những chuyển biến đáng kể. Lực lượng Cảnh sát đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, giáo dục, cảm hóa những người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư, tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm vững chắc ở từng địa bàn, cơ sở

Mai Nhi
.
.