Giữ tâm lòng son trong mọi hoàn cảnh

Chủ Nhật, 13/11/2011, 11:37
Căn nhà cấp 4, nằm dưới cây hoa sữa, bên bờ sông Yên Phụ của 3 mẹ con chị Lê Bích Thủy, 50 tuổi, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) tuy nhỏ bé, chật chội và không có nhiều đồ đạc đắt tiền, nhưng nhiều Bằng khen và Giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an… tặng được treo trang trọng. Gia đình chị 3 thế hệ đều tiếp bước vào lực lượng Công an như một chữ "duyên" trong sự rèn luyện nền nếp của tình thương yêu.

1. Bố chị là Thượng tá Lê Văn Thành, quê ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và mẹ là Đại tá Nguyễn Thị Bích Thu, quê ở Hải Phòng. Theo dòng ký ức ngọt ngào của gia đình, thì hồi đó bố chị - một người con Quảng Ngãi đi thanh niên xung phong ra Bắc, ông được đi học đào tạo Công an tại Trường C500 (giờ là Học viện An ninh) và sau đó ông được thuyên chuyển làm tại Cục Thông tin liên lạc Bộ Công an cho đến khi nghỉ hưu.

Ông bà nên duyên vợ chồng và chị ra đời khi đất nước chiến tranh loạn lạc và 2 năm sau đó chị có thêm em trai. Khi đó, mẹ chị làm việc tại Bệnh xá của Cục Thông tin liên lạc Bộ Công an được cử đi học tại Lào Cai, chị một mình trông em sơ tán đi theo cơ quan của bố mẹ về Hà Tây (cũ). Bố thì ở Hà Nội, cứ thế tuổi thơ của chị là trông chừng các em để bố mẹ công tác. Sau đó chị cùng cậu em trai chuyển lên theo mẹ ở Lào Cai. Mãi đến năm 1975, đất nước thống nhất, gia đình chị mới được đoàn tụ.

Quyết tâm theo học, không để bố mẹ lo lắng cho mình, hồi đó chị rất lãng mạn và bay bổng muốn đi học khoa văn Trường Đại học Tổng hợp. Nhưng bố lại hướng con gái đầu lòng cần có những đức tính kiên trì, nhẫn nại cho dù gặp trắc trở chông gai. Nghe lời bố, chị thi đỗ vào Trường Đại học Cảnh sát (khóa P4). Bố chị hiền nhưng rất nghiêm khắc với các con trong việc học và rèn luyện đức tính. Sau này, lần lượt 3 cậu em trai của chị là Lê Anh Tuấn, Lê Xuân Thắng và Lê Hải Bình, đều nối nghiệp bố mẹ công tác trong lực lượng Công an.

2. Khi ra trường, cán bộ trẻ Lê Bích Thủy được phân công làm Cảnh sát khu vực tại các phường. Năm 1999, Công an quận Tây Hồ thành lập lực lượng Cảnh sát ma tuý, chị được chuyển vào làm với nghề trinh sát, một nghề nguy hiểm và ít dành cho phái yếu. Nhớ lại chuyên án đầu tiên tham gia với đồng đội, chị không ngờ mình lại có thể "diễn kịch" giỏi như vậy. Những lúc như thế chị hiểu không còn cách nào khác là phải hoàn thành nhiệm vụ. Đó là vụ Bùi Chí Hùng, một tay anh chị nhiều tiền án, tiền sự, trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, một chủ đại lý bán buôn, trung chuyển ma túy giữa Hà Tây - Hà Nội với một số tỉnh khác.

Theo sự chỉ đạo của của Ban chuyên án, do ma túy là mặt hàng dễ phi tang, tẩu tán, vì thế phải bắt được quả tang tận tay và phải xa hang ổ của Hùng. Điều này buộc phải có trinh sát lọt sâu và tiếp cận đối tượng. Nhận nhiệm vụ, chị vừa hồi hộp và căng thẳng. Lần đầu tiên chị chịu trách nhiệm thành bại của một vụ án, lần đầu tiên đối mặt với đối tượng cộm cán trong giang hồ, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhiệm vụ của chị là phải biết xem Hùng có đang tàng trữ, buôn bán ma túy hay không. Nếu có sẽ tìm cách dụ Hùng đưa ma túy ra khỏi làng để đồng đội "cất vó".

Công việc đầu tiên của chị là cần phải biết thế nào là ma túy. Chị được các chuyên gia là đồng nghiệp cho xem ảnh, xem hồ sơ các vụ trước và bồi dưỡng hàng loạt phong cách chuyên nghiệp như: thử hàng thì phải thế nào, sử dụng tiếng lóng mà giới giang hồ ma tuý hay nói... Chị nhanh chóng học thuộc bài và lên đường. Nữ trinh sát Lê Bích Thủy lọt vào hang ổ ma túy Bùi Chí Hùng. Gặp Hùng, chị nhận thấy hắn rất tinh khôn, từng trải và nhẫn tâm của kẻ va chạm nhiều trong giới giang hồ. Suốt hơn 2 ngày tiếp cận, gần như kế hoạch không thể thực hiện.

Ông Lê Văn Thành và bà Nguyễn Thị Bích Thu (Bố mẹ chị Lưu Bích Thủy).

Sang ngày thứ 3, từ 8h sáng đến 13h chiều, Hùng vẫn lạnh lùng nghi ngờ chị. Kim đồng hồ chỉ sang đến 17h, trong đầu chị chợt nảy ra kế hoạch… Chị bất ngờ lấy thuốc châm, rồi gác chân lên bàn và biến thành dân chợ búa. Bao nhiêu ngôn từ mà chị chưa từng thốt ra tự nhiên cứ thế ào ạt tuôn ra. Hùng nhìn thẳng vào mặt Thủy, quai hàm nghiến lại, thái dương giật giật liên hồi. Hắn nói: "Công an đưa "rích" (trinh sát) vào đây hơi nhiều rồi đấy. Không nuốt được thằng này đâu!". Hùng nói một lúc về những thủ thuật của Công an: cài người giới thiệu, lấy thử hàng, đóng giả con nghiện, chủ buôn... cho đặc nhiệm bám theo... đều đã biết. Tuy nhiên, với sự thông minh và nghề Công an như ngấm vào máu chị từ bé, chị đã vận dụng hết khả năng để Hùng tin. "Cá đã cắn câu" Hùng chấp nhận với "kịch bản" chị đưa ra, Hùng đeo kính của chị và mang hàng ra cho người của chị ở ngoài và chị ở lại đây chờ khi nào Hùng mang kính của chị về tức là cuộc mua bán đã xong.

Trước khi đi giao hàng, Hùng còn gọi một đệ tử đầu trọc đến trông coi chị cùng với một con dao chọc tiết lợn to bản và một phích nước nóng để trên bàn. Chị và tên đệ tử của Hùng ngồi cạnh. Chị nín thở chờ đợi. Chị biết ván bạc với tính mạng của hai bên đã vào cuộc. Kẻ thua cuộc sẽ vào nhà đá, hoặc con dao chọc tiết kia sẽ không buông tha chị. Kim đồng hồ chạy kêu từng tiếng giữa không gian im lặng đến ngột ngạt muốn đứng tim. Đúng lúc đó hai trinh sát đạp tung cửa lao vào như cơn lốc, gí súng giữa mặt gã đầu trọc. Cuộc chơi hạ màn, chị và đồng đội đã thắng chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Đây là chuyên án đầu tay cũng là mở màn cho hàng chục vụ chị đã cùng đồng đội tham gia. Sau đó, có những lúc chị sống ở vùng núi Tây Bắc nhiều hơn ở Hà Nội. Có một vụ mà nhờ nhanh trí và với bản lĩnh của người con chiến sĩ Công an chị đã thoát chết trong gang tấc.

Vào khoảng những năm 2006, chị được phân công lên huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào Lóng Luông để xâm nhập đường dây buôn bán ma tuý lớn từ Sơn La về Hà Nội. Để tiếp cận trưởng bản là những người dân tộc Mông, chị huy động hết kiến thức để có mặt tại ngôi nhà của trưởng bản. Sau khi biết chị muốn mua hàng, một người đàn ông nói: "Mày buôn bán cho bọn dân chơi thì phải biết hàng hồng và trắng - Vậy mày thử chơi đi", hắn đưa ra cho chị nhiều viên ma tuý tổng hợp và heroin.

Với sự thông minh, chị đã từ chối khéo nhưng rồi đồng loạt mấy người đàn ông dồn dập hỏi chị: "Vậy mày chơi kiểu gì". Chị buột miệng: "Tao chích". Nói đến đây chị bắt đầu run, không biết sẽ thế nào chỉ cần sơ hở là chị có thể mất mạng. Chị nhớ lại thời điểm đấy, xung quanh chị toàn là đàn ông, một mình là con gái. Lúc này, chị hỏi xi lanh và bắt đầu "thực thi" lừa được chúng. Đó là một trong rất nhiều tình huống trong nghề trinh sát chị đã trải qua.

Chị Lưu Bích Thủy cùng gia đình.

Có một lần theo kế hoạch chuyên án, chị vào một huyện của tỉnh Sơn La giáp ranh với Lào mang theo rất nhiều tiền USD và tiền Việt. Được dẫn vào con đường độc đạo có người canh gác trên chòi theo dõi, chị trao đổi mua 10 bánh, nắp hầm mở ra, thoáng giật mình khi chị thấy xung quanh có rất nhiều người cầm súng kíp và hàng chục bánh heroin được xếp ngay ngắn. Một người đàn ông bảo chị để tiền lại và lấy hàng ra. Thế này sẽ phá vỡ kế hoạch, không mua không được mà mua thì tiền đâu và có khi mình còn bị đi tù. Bằng tài ăn nói khéo léo, lôgic và với kinh nghiệm của mình chị đã thoái thác được khi trao đổi tiền (vì số tiền USD chị mang không đủ theo yêu cầu của bọn chúng).

Ra khỏi hang ổ của bọn chúng, thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc, chị mới thở phào nhẹ nhõm. Tham gia phá hàng chục chuyên án cùng đồng đội của mình ở Công an quận Tây Hồ, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Công an và UBND TP Hà Nội khen thưởng. Đó là niềm động viên khích lệ cho con đường đầy chông gai của nghề ma tuý mà chị đã và đang đi.

3. Tóc cắt ngắn, thân hình khá đẫy đà, khuôn mặt theo năm tháng vẫn còn những nét đẹp của thời con gái, tiếp xúc ban đầu với chị mới thấy vẻ bề ngoài tưởng ngang tàng ấy lại ẩn chứa một tâm hồn đa cảm. Cuộc sống riêng của chị lại là những bước thăng trầm, hai cú sốc lớn bất ngờ xảy đến với chị mà chị cảm thấy chao đảo gần như là gục ngã. Ra trường, rồi xây dựng gia đình với một người bạn. Nhưng rồi sau khi hai cô con gái và cậu con trai ra đời, chồng chị thay đổi tính nết.

Đến năm 1994, nghĩa là sau 10 năm chung sống, anh chị đã chia tay nhau. Đó là cú sốc đầu tiên trong cuộc đời chị. Một mình chị nuôi các con, vất vả trăm bề. Chị và các cháu lại quay về với bố mẹ đẻ ở tại cửa khẩu Vân Đồn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng trong căn nhà hơn 30m2 nơi bố mẹ và các em đang sống. Theo yêu cầu của công việc, chị thường xuyên phải đi công tác xa nhà, nhìn các con còn nhỏ dại, chị vội gạt nước mắt để con lại cho ông bà ngoại chăm. Cuốn vào những chuyên án, chị ít có thời gian chăm con như các bà mẹ khác, chính vì điều này mà đến giờ chị vẫn ân hận về sự ra đi của con gái thứ hai cháu Hoàng ánh Ngọc.

Vào cuối năm 2006, khi đang học lớp 10, trong lúc ở lớp, không may vô tình Ngọc bị các bạn nghịch đập tay vào sau gáy. Những tưởng không sao, nhưng sau đó Ngọc có biểu hiện ốm và sốt. Thấy con như vậy, lúc đầu chị cũng chỉ nghĩ con bình thường, chị vẫn đi làm. Nhưng rồi tình trạng sức khỏe của Ngọc ngày càng yếu. Lo sợ cho tính mạng của con, chị vội vàng xin nghỉ làm đưa con đi khám ở  tất cả các bệnh viện nhưng đều không chẩn đoán được bệnh. 5 tháng sau mới có kết quả từ Bệnh viện Bạch Mai, con chị bị viêm tủy đốt sống cổ và hơn 1 năm điều trị, Ngọc đã mất trong nỗi đau tột độ của chị. Chị gần như suy sụp hoàn toàn, tưởng không gượng dậy nổi. Đau quá, xót xa quá…

Thương chị, đồng đội và anh em trong cơ quan đã thường xuyên động viên, chia sẻ. Vì chị còn hai người con nữa cũng đang rất cần mẹ. Sau đó, ba mẹ con chị chuyển đến căn nhà cấp 4 trên đê Yên Phụ mà được người quen cho ở nhờ. Thiếu thốn nhưng không khiến chị gục ngã, với đồng lương chị cố gắng chắt chiu dành dụm nuôi con. Có một số người đã rất nhiều lần đưa tiền mua chuộc chị nhưng chị vẫn nhất quyết không nhận. Chị dạy con "đói cho sạch, rách cho thơm".

Chính vì thế mà bao nhiêu năm nay, chị vẫn chưa có nhà riêng, ba mẹ con vẫn sống nhờ trong căn nhà cấp 4 chật hẹp ấy. Niềm hạnh phúc an ủi của chị chính là các con. Con gái đầu của chị thương mẹ vất vả, nên mọi công việc gia đình Thơ đều gánh vác cho mẹ, ngay cả việc dạy học cho cậu em út Hoàng Lê Minh. Không ai bảo, hai đứa con ngoan ngoãn của chị sau khi học xong cấp ba đã xin mẹ cho thi vào Trường Công an. Hiện giờ con gái đầu của chị đang làm ở Công an Tây Hồ cùng cơ quan với chị. Còn Minh đang học Trung cấp Cảnh sát. Khi nghe tin chồng cũ của chị mất, chị đưa các con về quê chồng chịu tang. Chị vẫn thường xuyên đưa các con về thăm bà nội để con không quên cội rễ

Hiền Thanh
.
.