Giữ bình yên ở thiên đường du lịch Phú Quốc

Thứ Hai, 06/08/2012, 10:43
Phú Quốc (Kiên Giang) hiện tại đang là một đại công trường. Thế nhưng, hòn đảo này vẫn xanh mướt. Những con sóng bạc đầu vẫn vỗ về huyện đảo với 27 đảo lớn nhỏ như ngàn năm vẫn thế. Khách du lịch đổ về Phú Quốc năm nào cũng tăng. Tàu thuyền của ngư dân khắp cả nước vẫn cập đảo Phú Quốc với số lượng lớn. Khách tới, khách lui nườm nượp song Phú Quốc vẫn giữ được cách kinh doanh du lịch thuần khiết như thuở sơ khai.

1. Tàu tuần tra của Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) nằm cùng với hàng trăm ghe tàu vận tải, tàu đánh bắt cá của ngư dân đậu trước trụ sở Công an huyện. Tại đại bản doanh của Công an huyện đảo, chỉ cần vài bước chân là xuống tàu, hoặc lên ca nô. Và cũng ngần ấy bước chân là lên ôtô hoặc xe môtô. Chỉ khác ở chỗ, một là tuần tra trên biển, một là tuần tra trên bờ. Đây chắc hẳn là đặc trưng rất riêng, chỉ có ở Công an huyện đảo.

Phú Quốc đang là mùa mưa. Mưa chợt đến xối xả và chợt tan biến. Dường như đã quen với sự thất thường này nên người dân và cả những chiến sỹ Công an ở đây đều coi đó như chuyện thường tình. Chỉ có những người đến từ phương xa như chúng tôi là giật mình trước những cơn mưa bất chợt.

Tại phòng tiếp dân của Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chiều 2/8, người dân vẫn đội mưa đi làm chứng minh nhân dân và đội nắng khi đi về. Còn công việc của các chiến sỹ CSGT thì mưa hay tạnh thì việc tuần tra, kiểm soát cả trên đất liền lẫn dưới biển vẫn thực hiện. Đối với những chiến sỹ làm Công an phụ trách xã, mùa khô hay mùa mưa thì vẫn bám địa bàn. Thượng tá Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Công an huyện cho biết, do đặc thù là huyện đảo, có rất đông tàu ghe của ngư dân các tỉnh cập bến, người lao động phổ thông tứ xứ, lượng khách du lịch lớn… nên phải thực hiện tốt việc giữ gìn ANTT, bất chấp những khó khăn vì điều kiện địa hình.

2. Công an huyện Phú Quốc là một trong những đơn vị đang áp dụng việc nối mạng với các cơ sở lưu trú lớn trong việc đăng ký tạm trú. Việc đưa công nghệ thông tin vào thực tiễn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong kinh doanh. Đồng thời, cũng giúp cơ quan Công an tiếp cận thông tin nhanh chóng và tổng quát. Thượng tá Nguyễn Hải Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH cho biết, hiện nay ở Phú Quốc có 41 khu resort; 119 khách sạn, nhà nghỉ và hơn 500 nhà trọ. Sự đa dạng của các cơ sở lưu trú này cho thấy, nhu cầu của khách đến Phú Quốc cũng rất phong phú. Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và cả người dân vùng sở tại cũng có cách kinh doanh phù hợp để đáp ứng đa dạng các nhu cầu.

Theo Đại úy Hoàng Khắc Sơn, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp thì chiếm 40% lượng khách đến Phú Quốc là người nước ngoài, Việt kiều, lượng còn lại là du khách trong nước. Gần đây mỗi năm, Phú Quốc thu hút trên 250.000 khách và hiện đang có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Việc khách du lịch tới Phú Quốc ngày càng đông đòi hỏi việc đảm bảo ANTT, văn minh thương mại là vô cùng cần thiết. Để làm được việc này, ngoài phân cấp cho Công an các xã, phường, thị trấn, Công an huyện còn thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát.

Mặc dù mới phát triển du lịch mấy năm gần đây, nhưng điểm dễ dàng nhận thấy là người làm du lịch ở Phú Quốc vẫn giữ được nếp kinh doanh lành mạnh.

Công an huyện Phú Quốc kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

3. Để biết rõ hơn về công tác xây dựng nền an ninh cơ sở, phòng chống tội phạm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại úy Phạm Thị Cúc, Đội trưởng Xây dựng Phong trào và Công an phụ trách xã. Chị cho biết, dân số của huyện khoảng 100.000 người, cư trú tại 8 xã, 2 thị trấn, trong đó có 2 xã đảo là Thổ Châu và Hòn Thơm. Để ra đảo Thổ Châu, đồng chí Nguyễn Văn Sùng, Công an phụ trách xã phải đợi 5 ngày mới có một chuyến tàu ra và về vào ngày hôm sau. Để đợi chuyến ra sau, anh lại phải đợi thêm 5 ngày nữa. Nếu phải giải quyết công việc, chu trình một lần ra xã và về huyện của anh mất 10 ngày. Xã đảo Thổ Châu có gần 2.000 hộ, sinh sống chủ yếu là nghề đi biển. Cũng như Thổ Châu, Hòn Thơm cũng là một xã đảo có cư dân sống bằng nghề biển. Dù mỗi ngày có một chuyến tàu ra Hòn Thơm nhưng đồng chí Võ Anh Thu, Công an phụ trách xã cũng gặp không ít khó khăn khi đến địa bàn.

Khó khăn là thế nhưng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được Công huyện Phú Quốc nói riêng và các đồng chí Công an phụ trách xã duy trì thường xuyên. Tại xã Gành Dầu mấy năm gần đây có “Đội xuồng đò phòng chống tội phạm” với 41 thành viên. Đội có nhiệm vụ phối hợp với Công an xã nắm, phản ánh tình hình và tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT tại: các điểm neo đậu tàu, thuyền; điểm xuống đò đưa khách vào bờ; qua lại biên giới trái phép; ngư dân lên bờ quá giờ quy định; các phương tiện xuồng đò tranh giành khách;… Sau gần 2 năm hoạt động, hiệu quả của “Đội xuồng đò phòng chống tội phạm” rất rõ rệt.

Căn cứ vào tình hình cơ sở, việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cũng có chủ đề khác nhau. Ví như xã Cửa Cạn, một xã có bãi biển tự nhiên rất đẹp như Dũng Bầu, Cửa Cạn và rặng san hô thì Công an huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Hai an toàn về bảo vệ tài sản và giữ gìn di tích, thắng cảnh, rặng san hô” với 23 thành viên. Việc bảo vệ tài nguyên biển, vừa giữ được vẻ đẹp thiên nhiên, vừa là điểm thu hút khách du lịch này rất được người dân địa phương hoan nghênh. Xây dựng nền an ninh cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương có kế hoạch bảo vệ tài nguyên là những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ mà nhiều năm nay, Công an huyện Phú Quốc đã làm.

4. Quyết định 178 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể huyện đảo Phú Quốc đến năm 2010 tầm nhìn 2030 là cho thấy rõ định hướng xây dựng và phát triển hòn đảo này của Chính phủ. Dự án xây sân bay Phú Quốc, dự án đưa lưới điện Quốc gia ra Phú Quốc sắp hoàn thành sẽ là cú hích quan trọng trong việc xây dựng hòn đảo này. Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực ANTT, trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an huyện Phú Quốc không ngừng nỗ lực để góp phần vào sự phát triển chung của huyện đảo

Cao Hồng
.
.