Giữ bình yên nơi dãy Trường Sơn

Thứ Sáu, 09/05/2014, 08:52
Với nụ cười tươi, dễ gần, nhiệt tình trong công việc, một người con dân tộc Khùa của xã Dân Hóa đã góp phần giữ vững sự bình yên nơi biên giới Việt - Lào trong gần 15 năm qua. Đó chính là anh Hồ Xuân, Trưởng Công an xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Từ một giáo viên cấp I, anh chuyển sang làm Công an viên, rồi Trưởng Công an xã Dân Hóa, như một cái duyên từ những năm 2000. Là người con của Dân Hóa, anh thấu hiểu cái đói, cái nghèo và những hủ tục còn lạc hậu của người dân nơi đây. Vì vậy, khi chuyển sang làm công tác ANTT nơi biên giới Việt – Lào, anh đã không quản ngại gian khó, chịu khó học hỏi để giúp dân bản thoát nghèo, trẻ con được học cái chữ, từ bỏ nhiều hủ tục, giữ vững ANTT bên dãy núi Trường Sơn đại ngàn.

Dân Hóa là một xã nghèo của huyện Minh Hóa, cả xã có hơn 700 hộ với gần 4.000 dân sinh sống tập trung tại 13 bản. Ở đây đa số là người dân tộc thiểu số như Mày, Khùa, Sách, Chứt,… sống tập trung theo từng bản nằm dọc quốc lộ 12A toàn núi dốc, đi lại rất khó khăn, số hộ nghèo trong xã trên 89,97%. Tuy còn nhiều khó khăn trong đời sống nhưng người dân ở đây chấp hành rất tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Hầu hết tại các bản không có người nghiện ma túy và các TNXH, ANTT luôn được đảm bảo.

Đưa chúng tôi đến bản Hà Vi, không giấu được niềm vui, anh Hồ Xuân chia sẻ: Hà Vi là bản thực hiện rất tốt các mô hình về ANTT, an toàn giao thông, ký cam kết và phòng chống ma túy, TNXH. Đây đã trở thành bản điểm trong phong trào bảo vệ ANTQ. Ông Hồ Toàn, Trưởng bản Hà Vi cho biết: Hà Vi có 33 hộ, với 160 khẩu, chủ yếu là dân tộc Khùa. Trước đây, ở bản tình trạng trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên gây bất ổn cho dân. Trước tình hình đó, anh Hồ Xuân đã liên tục túc trực ở bản vận động người dân nâng cao cảnh giác, tham gia các mô hình tự quản về ANTT. Từ đó đến nay, sự bình yên đã trở lại với Hà Vi, trong bản không có đối tượng phạm tội, không có đối tượng nghiện, ANTT đảm bảo. Đổi thay ở Hà Vi hôm nay có đóng góp lớn của anh Hồ Xuân trong việc vận động tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ gia đình trong những năm qua. Giờ Hà Vi đã là điểm sáng cho các bản học tập với việc triển khai các mô hình về ANTT, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tập trung vào trồng rừng và chăn nuôi. Đặc biệt, bản đã bỏ được hủ tục trong cưới xin, trước đây cưới 3 lần, thì nay chỉ còn rút gọn còn 1 lần, giảm bớt được gánh nặng về kinh tế cho người dân.

Công an xã Dân Hóa thường xuyên xuống bản thăm hỏi người dân, trao đổi về tình hình ANTT tại địa phương.

Ông Cao Xuân Xiêm, trưởng bản K-Ai, vui mừng nói với chúng tôi, trước đây, thanh niên trong bản không có việc làm, thường xuyên tụ tập rượu chè, gây lộn, tệ nạn cờ bạc, trộm cắp vặt…, ảnh hưởng đến ANTT, nhưng từ khi anh Hồ Xuân xuống phối hợp với trưởng bản và già làng đi vận động từng hộ gia đình sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội, đồng thời hướng dẫn người dân bản cách phát triển kinh tế để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đến nay, bình yên đã trở lại với K-Ai. Bên cạnh đó, thanh niên trong bản còn duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh tại nhà truyền thống mỗi tháng 1 lần, nhằm chia sẻ những cách làm hay trong phát triển kinh tế, cùng nhau tham gia gìn giữ ANTT trong bản và đường biên mốc giới Việt – Lào. Già làng Hồ Dân bản K - Ai cũng hồ hởi cho biết, nhờ anh Hồ Xuân và chính quyền địa phương quan tâm, cuộc sống người dân bản K-Ai đã ổn định, sống tập trung, bỏ được tập tục bỏ đất, bỏ bản vào rừng, hang đá sống như nhiều năm trước đây. Khi ốm đau đã biết đi trạm xá và uống thuốc. Đây là sự chuyển biến lớn trong đời sống của người dân tộc Mày, Sách nơi heo hút đại ngàn Trường Sơn.

Anh Hồ Xuân chia sẻ: “Ở vùng biên giới này, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Khi đưa xuống bản một mô hình ANTT thì trước hết mình phải thực hiện trước, dân bản thấy mình làm tốt thì họ mới làm theo”. Anh và gia đình tập trung trồng rừng, chăn nuôi, người dân thấy làm kinh tế cho thu nhập ổn định, có việc làm thì bắt đầu tin và làm theo.

Ở Dân Hóa, người dân chủ yếu canh tác trên nương, rẫy nên trong những năm qua, Ban Công an xã đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn, đặc biệt với lực lượn Biên phòng, trong việc vận động bà con sống và sản xuất tập trung gần bản, bỏ tập quán du canh, du cư. Người dân đã dần làm quen với cuộc sống sản xuất mới như trồng lúa nước gần bản, chăn nuôi lợn, gà, dê và trồng rừng với sự hỗ trợ vốn từ nguồn vốn 30A của Chính phủ, Dự án 135, 167… Theo đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như hộ ông Cao Quý Nheng, dân tộc Sách, ở Bãi Dinh, không chỉ thoát nghèo mà 2 con của ông còn đỗ đại học.

Thượng tá Lê Thanh Hòa, Phó Trưởng Công an huyện Minh Hóa cho biết, Hồ Xuân là một trong những trưởng Công an xã tiêu biểu của huyện và tỉnh trong việc xây dựng Dân Hóa trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào bảo vệ ANTQ, ANTT được đảm bảo, người dân ý thức rất tốt trong phong trào bảo vệ đường biên mốc giới, phòng chống tội phạm, cũng như phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong những năm qua, anh đã liên tục nhận được bằng khen của UBND huyện về công tác bảo đảm ANTT

Lưu Hiệp
.
.