Gieo mầm thiện cho những người lầm lỗi

Thứ Tư, 13/05/2009, 14:53
Hôm chúng tôi đến thăm Phân trại K3, Trại giam Đắk Trung, Thượng tá Phạm Hồng Việt - Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung, kiêm Trưởng phân trại K3 đang tất bật với việc chỉ đạo tập luyện văn nghệ cho các phạm nhân. Nhiều phạm nhân tâm sự: "Tình người nơi đất trại ở đây đã giúp chúng em hướng thiện và dần xóa đi những lỗi lầm quá khứ".

Trại giam Đắk Trung ngày nay được thành lập từ năm 1975, lúc đầu mang tên Trại cải tạo Mê Vang, thuộc Công an Đắk Lắk, đến năm 1996 được chuyển về trực thuộc Cục Quản lý trại giam (V26) - Bộ Công an quản lý. Thượng tá Nguyễn Văn Trầm - Giám thị Trại giam Đắk Trung tâm sự: "Tuy trải qua nhiều biến cố thăng trầm với thời gian, nhưng những cán bộ chiến sĩ Trại giam Đắk Trung đã không quản ngại khó khăn gian khổ, đem hết tâm huyết của mình để giáo dục cải tạo phạm nhân ngày càng tốt hơn".

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân làm nghề xây dựng. Ảnh: N.Như.

Thượng tá Nguyễn Văn Trầm kể, đời anh đã gắn bó hơn 30 năm trong nghề Công an và có nhiều duyên nợ với "đất trại". Từ những năm tháng khó nhọc, làm công tác quản lý ở Trại giam Gia Trung (đóng ở Mang Yang, Gia Lai), đến năm 2006 anh được phân công nhận nhiệm vụ mới ở Trại giam Đắk Trung.

"Tuy thay đổi địa bàn, đơn vị nhưng ở đâu mình cũng thấy tâm huyết cùng anh em trong ngành với một đích chung là giáo dục cải tạo những người lầm lỗi có được cuộc sống lương thiện về sau", Thượng tá Nguyễn Văn Trầm nói.

Nhờ có tâm, có tầm và biết tập hợp, đoàn kết anh em nên từ khi về làm công tác quản lý ở Trại giam Đắk Trung, Thượng tá Nguyễn Văn Trầm đã xóa bỏ được những mâu thuẫn nội bộ, phát huy công tác cải tạo giáo dục phạm nhân ngày càng toàn diện. Từ năm 2005 đến nay, Trại giam Đắk Trung không có trường hợp phạm nhân bỏ trốn, hằng năm, số lượng phạm nhân được đặc xá theo quy định chiếm tỷ lệ cao nhất so với các trại trong khu vực, và đặc biệt không có phạm nhân tái phạm.

Thượng tá Phạm Hồng Việt - Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung, là một trong những cán bộ gắn bó với Trại giam Đắk Trung lâu nhất tâm sự: "Mỗi năm được nhìn thấy những phạm nhân tiến bộ, được trở về với đời thường lương thiện là niềm vui lớn nhất động viên anh em làm công tác quản lý ở trại giam". Có lẽ vì thế mà gần cả đời người và tuổi thanh xuân của anh cùng với đồng đội đã gắn bó với phạm nhân, giúp những người một thời lầm lỡ trở thành lương thiện.

Để làm được điều đó một cách hiệu quả, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại giam Đắk Trung luôn được đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ và phương thức giáo dục phù hợp từng đối tượng, từng giai đoạn khác nhau theo phương châm giáo dục, thuyết phục cảm hóa kết hợp với giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục công dân, gắn với đào tạo nghề. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được duy trì thường xuyên ở trại và xem đây là biện pháp tốt để giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý, thoải mái trong quá trình học tập, cải tạo.

Hôm chúng tôi đến thăm Phân trại K3, Trại giam Đắk Trung, Thượng tá Phạm Hồng Việt - Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung, kiêm Trưởng phân trại K3 đang tất bật với việc chỉ đạo tập luyện văn nghệ cho các phạm nhân. Nhiều phạm nhân tâm sự: "Tình người nơi đất trại ở đây đã giúp chúng em hướng thiện và dần xóa đi những lỗi lầm quá khứ".

Rồi sau giờ tập văn nghệ, những phạm nhân bắt tay vào học nghề cạo mủ cao su, chăm sóc cà phê, thợ hồ, thợ mộc, đan ghế xuất khẩu... Cùng với học nghề, phạm nhân còn được học văn hóa một cách bài bản do Trại giam Đắk Trung liên kết với Phòng Giáo dục ở huyện Cư Mgar, Đắk Lắk mở lớp giảng dạy theo đúng quy định và chương trình như bên ngoài. Mỗi năm có hàng trăm phạm nhân được xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Nhờ đó, nhiều phạm nhân khi trở về hoàn lương có được việc làm và thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình.

Hơn 34 năm kể từ ngày Trại giam Đắk Trung hình thành trên đất Tây Nguyên đã gieo mầm thiện cho rất nhiều phạm nhân từ lầm lỗi trở về lương thiện. Ở nơi đất trại ấy vẫn còn in mãi dấu chân, mồ hôi, trí tuệ và công sức của những người quản giáo, những cán bộ chiến sĩ Trại giam Đắk Trung đã góp công sức và tuổi thanh xuân của gần cả cuộc đời để gieo mầm thiện cho những người lỗi lầm. Sự hy sinh thầm lặng của các anh chị ở Trại giam Đắk Trung được tạm ví như những người lái đò đưa khách sang sông. Và ở đó tình người vẫn còn ở lại mãi mãi, lắng đọng đến ngàn đời không phôi phai

Ngọc Như
.
.