Giao lưu trực tuyến giữa độc giả Báo CAND với lãnh đạo CSGT về Nghị định 71/2012/NĐ-CP:

Giải thích cặn kẽ, tháo gỡ khúc mắc cho người dân

Thứ Sáu, 23/11/2012, 13:15
Những ngày qua, một trong các vấn đề “nóng” đang được người dân đặc biệt quan tâm liên quan tới pháp luật trật tự an toàn giao thông chính là Nghị định 71/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19/9/2012 (có hiệu lực từ ngày 10/11/2012) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Để giúp người dân hiểu rõ cũng như tháo gỡ khúc mắc về những nội dung liên quan, sáng 22/11, Báo CAND đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với độc giả CAND Online.

Đến dự buổi giao lưu, có đồng chí Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng biên tập Báo CAND; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt; Đại tá Phạm Văn Miên, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cùng đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí…  

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Tổng biên tập Báo CAND và Truyền hình CAND cùng các đại biểu tại buổi giao lưu trực tuyến.

Mục tiêu cuối cùng là giảm tai nạn giao thông

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đại tá Phạm Văn Miên, Phó Tổng biên tập Báo CAND và cũng là MC trong buổi giao lưu cho biết, tính đến 9h ngày 22/11, sau 4 ngày giới thiệu về buổi giao lưu, trên trang mạng điện tử www.cand.com.vn của Báo CAND đã nhận được hàng ngàn câu hỏi của độc giả về các nội dung xoay quanh Nghị định 71, trong đó “nóng” hơn cả là vấn đề tăng nặng xử phạt đối với “xe không chính chủ”.

Trả lời về mục đích của việc ra đời Nghị định 71, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt khẳng định: “Mục tiêu duy nhất là để tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hướng đến cái đích cuối cùng là giảm TNGT. Không có mục tiêu nào khác”.

Một số luồng dư luận có cho rằng, việc tăng phạt là để tăng thu nhập cho CSGT, tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, đây là cách hiểu rất sai. “Nghị định 71 quy định tăng nặng mức xử phạt (cả phạt tiền lẫn hình phạt bổ sung) đối với những lỗi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn như: Đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định; điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm quy định về nồng độ cồn v.v.. Điều này làm nâng cao tính răn đe, giúp người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành luật.

Đồng quan điểm trên khi trả lời câu hỏi của một độc giả về việc “vì sao theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP, một số lỗi như: trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định bị phạt cao gấp 3-5 lần so với mức phạt cũ?”, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) nhấn mạnh, các vụ TNGT xảy ra đều có nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông (chiếm tới trên 80%). Trong đó có nguyên nhân người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ dẫn tới không làm chủ được tốc độ dễ gây ra TNGT nghiêm trọng đối với cả người điều khiển và người tham gia giao thông. Với việc tăng nặng mức xử phạt này sẽ góp phần nhằm nâng cao ý thức chấp hành phát luật, ngăn ngừa, làm giảm TNGT.

Không xử phạt xe mượn hợp pháp

Liên quan đến lỗi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” với “đi xe không chính chủ”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Không phải đến Nghị định 71/2012/NĐ-CP mới đề cập đến việc phạt xe không chính chủ mà vấn đề này đã được đề cập từ năm 1995 trong các văn bản quy định pháp luật. Theo quy định, chỉ xử lý lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” – tức không sang tên đổi chủ phương tiện sau 30 ngày kể từ thời điểm có giấy bán xe chứ không xử lý trường hợp “đi xe không chính chủ”, bởi những người sử dụng xe tuy không chính chủ song chứng minh được xe đó là xe trong gia đình, xe đi mượn, xe hợp đồng, xe đi thuê… thì không bị xử phạt.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cho hay, đối với câu hỏi của độc giả “Ở nhà tôi, tôi có đăng ký 4 xe máy mang tên tôi và cả gia đình sử dụng. Khi người nhà tôi điều khiển xe tham gia giao thông bị phát hiện đi xe không chính chủ, liệu người nhà tôi có bị xử lý theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP về lỗi này?”, theo Điều 58, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ, người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe, đăng ký xe và ôtô phải có sổ kiểm định, sổ bảo hiểm. Nên trong trường hợp này nếu là người có đủ tuổi, có giấy phép lái xe hợp lệ theo quy định và người cho mượn đã đưa cả đăng ký xe của phương tiện và chứng minh được đúng là xe của gia đình thì sẽ không bị lập biên bản xử lý về lỗi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” mà chỉ phạt lỗi vi phạm TTATGT khác nếu có. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp sử dụng phương tiện do ủy quyền đúng pháp luật hoặc có công chứng ủy quyền thì theo Luật Dân sự, trường hợp này cũng không bị xử phạt về lỗi trên.

Một trường hợp phạm lỗi điều khiển phương tiện chạy dưới tốc độ tối thiểu cho phép khi lưu thông ở đường cao tốc trên cao, bị CSGT dừng xe, xử lý.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng cho biết, trong 11 tháng năm 2012, lực lượng CSGT CATP Hà Nội đã xử lý 650 trường hợp chủ phương tiện (người mua) không sang tên đổi chủ, phạt khoảng 97 triệu đồng theo Nghị định 34 của Chính phủ… Đặc biệt, sau một tuần kể từ khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) đã xử phạt 13 trường hợp ôtô và 36 trường hợp môtô – xe máy không sang tên đổi chủ đúng thời hạn quy định. Tất cả những trường hợp này sau khi bị lập biên bản xử lý đều được các cán bộ CSGT tạo điều kiện thuận lợi để làm các thủ tục có liên quan.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ giao lưu trực tuyến, nhiều vấn đề trong số hàng ngàn câu hỏi mà độc giả Báo CAND đề cập đến đã được hai vị khách mời giải đáp một cách cặn kẽ, dễ hiểu. Với những thắc mắc chưa được giải đáp do thời gian có hạn, Đại tá Phạm Văn Miên khẳng định sẽ chuyển tới các vị khách mời và có giải đáp sớm nhất đến độc giả qua Báo CAND điện tử.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an): Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế trước bạ

Về câu hỏi: “Trong trường hợp công dân đi xe chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện, không tìm thấy chủ đầu tiên của phương tiện sẽ xử lý ra sao?”, tôi xin nói thêm rằng, những trường hợp mua bán xe không sang tên chuyển chủ đều vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những trường hợp mua bán nhiều chủ, không tìm được chủ sở hữu (đứng tên trên đăng ký xe), cơ quan chức năng đang tìm cách tháo gỡ, đề xuất với cấp trên hướng giải quyết là: Người chủ xe cuối cùng phải có đơn, cam kết nguồn gốc xe hợp pháp, có xác nhận của Công an cấp xã, nơi ở của chủ xe và cơ quan Công an sẽ cấp đăng ký tạm cho xe này. Sau 30 ngày mà không có khiếu kiện sẽ cấp đăng ký chính thức. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã tham mưu cho Bộ Công an để có công văn gửi sang Bộ Tài chính nhằm hiệu chỉnh, giảm thuế trước bạ, hiện vẫn đang chờ Bộ Tài chính cân nhắc để quyết định. Mức thuế kỳ vọng sẽ là khoảng 1%.

Để người dân yên tâm hơn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên khẳng định, Nghị định 71/2012/NĐ-CP không quy định phạt người điều khiển xe không chính chủ. Lực lượng tuần tra, xử lý trên đường cũng sẽ không đề cập đến vấn đề đi xe của ai, xe đã sang tên đổi chủ chưa với người điều khiển phương tiện trên đường. Trường hợp xử phạt chỉ xảy ra khi chủ sở hữu mang hồ sơ đến làm thủ tục sang tên đổi chủ và bị phát hiện có vi phạm (quá 30 ngày) hoặc khi điều khiển xe mắc lỗi, gây tai nạn... bị tạm giữ, lúc đó lực lượng chức năng có quyền hỏi về nguồn gốc xe và sẽ xử phạt khi có vi phạm.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội): “Chuyển quyền sở hữu phương tiện là quyền lợi và trách nhiệm của người dân”

Thông tư 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ về đăng ký xe, thủ tục sang tên. Thứ tự các bước gồm: Chủ xe xuất trình giấy tờ cá nhân; Giấy khai đăng ký xe; Giấy khai chứng nhận đăng ký xe; Chứng từ chuyển nhượng xe đúng quy định; Chứng từ lệ phí trước bạ đúng quy định.

Việc đăng ký “chuyển quyền sở hữu phương tiện” rất thiết thực, góp phần siết chặt công tác đăng ký, quản lý phương tiện; phòng ngừa hiệu quả tai nạn, ùn tắc giao thông. Nhất là trong quá trình giúp lực lượng Công an sớm điều tra, phá án nếu phương tiện là chính chủ sẽ thuận lợi hơn.

Thực tế chứng minh, sau một tuần Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực, đã có 1073 trường hợp ôtô và 500 môtô, xe máy đến các điểm đăng ký phương tiện của CATP Hà Nội làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện.

Mọi thắc mắc về các thủ tục có liên quan, người dân hãy gọi tới số điện thoại đường dây “nóng” của bộ phận đăng ký phương tiện: 0912.286682.

Trần Huy – Vũ Hân
.
.