Ghi nhận và khẳng định lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân

Thứ Năm, 07/03/2013, 14:48
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an, tất cả các ý kiến cán bộ, chiến sĩ góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều tiếp tục ghi nhận và khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân; CAND là lực lượng vũ trang với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Sau hơn hai tháng từ khi Bộ Công an tổ chức tham gia ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong lực lượng CAND, đến nay 100% cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương đã có những tham luận sâu sắc, thiết thực đóng góp vào dự thảo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trong CAND.

PV: Thưa đồng chí Vụ trưởng, kể từ khi Bộ Công an triển khai đợt lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay toàn lực lượng CAND đã thực hiện như thế nào?

Sau khi Quốc hội, Bộ Chính trị và Chính phủ ban hành Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Công an đã nghiêm túc tổ chức triển khai thi hành trong toàn lực lượng CAND các văn bản này và xác định đây là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong toàn lực lượng nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, trí tuệ, quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với việc xây dựng, sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đó đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong CAND; tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tới lãnh đạo chủ chốt trong CAND. Đến nay đã có 106/106 đầu mối Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch lấy ý kiến về dự thảo.

PV: Thưa đồng chí, những vấn đề gì được cán bộ, chiến sĩ quan tâm và góp ý nhiều nhất và chất lượng các tham luận góp ý như thế nào?

Qua theo dõi và tập hợp ý kiến tham gia góp ý cho thấy: Việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

Các ý kiến đều đóng góp vào tất cả các Chương trong Hiến pháp, trong đó nhiều ý kiến tập trung đóng góp vào những nội dung có nhiều thay đổi trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: Chế độ chính trị; Đảng Cộng sản Việt Nam; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Những quy định có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của CAND... các ý kiến đều thống nhất khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu khách quan; tổ chức bộ máy nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp thực hiện và kiểm soát thực hiện giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; tất cả các ý kiến cán bộ, chiến sĩ không tán thành thành lập Hội đồng Hiến pháp; tiếp tục ghi nhận và khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân; CAND là lực lượng vũ trang với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Ý kiến đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đã thể hiện trí tuệ, tâm huyết mang tính xây dựng và trách nhiệm, đã bám sát quan điểm của Đảng; Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI).

Các ý kiến đóng góp cũng đã kế thừa được kết quả kinh nghiệm thực tiễn qua 26 năm đổi mới, trên cơ sở tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Công an các đơn vị, địa phương. Đây sẽ là những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng góp phần sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

PV: Vai trò của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lực lượng CAND đối với việc góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ra sao, thưa đồng chí?

Số lượng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chỉ huy các đơn vị trong CAND có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lý luận CAND nói chung, cơ sở lý luận và cơ sở khoa học trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đồng chí đã có những bài viết cung cấp lý luận sắc bén trong nhiều cuộc Hội thảo của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương, trong các Học viện, nhà trường Công an. Qua đó, xây dựng luận cứ khoa học để đóng góp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Qua nghiên cứu các tham luận, tôi thấy có hàng trăm ý kiến góp ý sâu sắc, có chất lượng của chỉ huy các đơn vị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhưng đây cũng là cơ hội mà các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các ban, ngành động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý một cách dân chủ; đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp nắm chắc tình hình, đấu tranh, ngăn chặn với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị.

Thời gian tới, việc tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn được tiếp tục đến trước khi Quốc hội thông qua, sau đó báo cáo tổng hợp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Vụ trưởng

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.