Ghi dấu ấn trong điều tra những vụ án chấn động dư luận

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:00
Vất vả, gian khổ, đó là chuyện tất nhiên ở các đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm. Nhưng trong chiến công khám phá các vụ án gây chấn động dư luận mà chúng tôi được chứng kiến, đã thấm đẫm tính nhân văn của người Cảnh sát nhân dân.

Những ngày qua, dư luận cả nước đã cùng nín thở theo dõi việc điều tra phá án của lực lượng Công an trong vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước. Đây là một vụ án gây chấn động dư luận, bởi thủ đoạn tàn độc của tội phạm và số lượng người bị sát hại cùng lúc lớn nhất từ trước đến nay. Và 3 ngày sau, mọi người cùng thở phào khi báo chí đưa tin: Cơ quan điều tra đã bắt giữ được 2 nghi phạm gây án. Những dòng bình luận của bạn đọc bên dưới các bài báo đã thể hiện phần nào tình cảm của người dân cả nước đối với lực lượng Công an nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát Việt Nam: “Quá tự hào Công an Việt Nam!”; “Quá tuyệt vời, các anh là niềm tin vững chắc và chỗ dựa cho người dân”; “Thật xứng đáng là CSND Việt Nam, chúng tôi tin tưởng ở các anh”…

1. Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã nói với chúng tôi: Trong mỗi vụ án, muốn khám phá thành công thì người Cảnh sát phải biết đặt mình vào vị trí của nạn nhân cũng như gia đình họ. Phải biết đau nỗi đau của nạn nhân, lúc đó chúng ta mới càng thêm căm giận cái ác, để nỗ lực buộc đối tượng gây ra tội ác phải đền tội. Và tôi cũng đã được chứng kiến nhiều lần nỗi đau xót của các trinh sát, điều tra viên khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm thi thể các nạn nhân trong các vụ trọng án.

Như vụ thảm sát tại Bình Phước, mặc dù đã khám phá thành công vụ án, bắt giữ 2 đối tượng gây án, nhưng Trung tướng Phan Văn Vĩnh và các CBCS của mình vẫn canh cánh nỗi buồn vì hậu quả nặng nề quá. “Đây không phải là chiến công mà là hoàn thành trách nhiệm. Nhưng đây chỉ là hoàn thành một nửa, niềm vui không trọn vì hương khói vẫn còn, đau đớn vẫn hiện hữu vì gia tộc họ chỉ còn một cháu bé…” - đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chia sẻ.

Lực lượng Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát 6 người trong một gia đình  ở Bình Phước.

Từ nỗi xót xa ấy, lực lượng Công an càng thêm quyết tâm phá án. Ngay sau khi vụ trọng án xảy ra, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Bộ trưởng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Lê Quý Vương, nhiều cán bộ, trinh sát giỏi của Tổng cục Cảnh sát được huy động vào cuộc, phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước tiến hành điều tra. Từ những công việc, địa điểm khác nhau, các tướng lĩnh của Tổng cục đều di chuyển đến Bình Phước trong thời gian sớm nhất có thể.

Chúng tôi thấy Trung tướng Phan Văn Vĩnh, 2 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát là Trung tướng Triệu Văn Đạt và Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự; Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Chánh Văn phòng Cơ quan điều tra…, rồi lãnh đạo các Cục nghiệp vụ khác như: Cục Hồ sơ Cảnh sát, Viện Khoa học hình sự….. đều có mặt tại Bình Phước. Bởi họ đã có kinh nghiệm trong các vụ án nghiêm trọng, càng tập trung trí tuệ cao nhất, càng tìm được hướng nhận định chính xác nhất. Mũi tỉ mẩn thu thập chứng cứ ngoài hiện trường, mũi cặm cụi trong phòng nghiên cứu, mũi phát động phong trào quần chúng nhân dân, mũi rong ruổi đi truy tìm manh mối ở Bình Phước và các tỉnh, thành xung quanh…

Lực lượng của Tổng cục Cảnh sát đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước và Công an các tỉnh, thành lân cận, tạo thành một chiếc lưới trời khổng lồ, rồi ngày 10-7, đã ụp gọn 2 tên sát nhân là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến. 

2. Sự tàn độc của các đối tượng trong vụ thảm sát ở Bình Phước lại khiến chúng tôi nhớ về vụ án Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình anh Ngọc, chị Chín tại hiệu vàng Ngọc Bích nơi phố Sàn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) vào năm 2011. Không một cán bộ chiến sỹ nào tham gia khám nghiệm vụ án này có thể cầm lòng được. Máu vương khắp nơi, cả nhà nạn nhân bị sát hại, ngay cả cháu nhỏ mới được 8 tháng tuổi, chưa kịp cảm nhận cuộc sống đã bị giết hại cực kỳ dã man.

Tôi đi cùng đoàn công tác của Trung tướng Phan Văn Vĩnh đến hiện trường, kịp nhìn thấy gương mặt của vị tướng trùng xuống, ông lặng đi khi chứng kiến nỗi đau của gia đình nạn nhân. Một buổi trưa sau đó, ông đã trực tiếp vào Bệnh viện Việt - Đức để thăm cháu Trịnh Thị Ngọc Bích, nạn nhân sống sót duy nhất của vụ án. Ông đã rơi nước mắt khi nhìn cô bé con chưa đầy 8 tuổi mà bị tên sát nhân gây thương tích trầm trọng... Có lẽ sự đau xót cho các nạn nhân càng đẩy thêm tinh thần của lực lượng tham gia phá án.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, những ngày sau, từ các CBCS của Tổng cục Cảnh sát đến Công an tỉnh Bắc Giang, tất cả đều chung một quyết tâm chiến đấu với cái ác. Ngay cả đồng chí Tổng cục trưởng hầu như ngày nào cũng có mặt tại Bắc Giang, khi không họp án, lại đến hiện trường, tỉ mẩn lật từng tấm đệm, chui vào từng gầm bàn, nghiên cứu từng dấu vết để lại hiện trường trong cái nóng ngột ngạt và mùi tanh nồng của máu. Không có CBCS nào tham gia chuyên án cho phép mình được một phút nghỉ ngơi.

Khi xác định tên Lê Văn Luyện có thể từ Trung Quốc trở về, một tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn “trấn ải” vùng biên giới ở khu vực huyện Văn Lãng để truy bắt. Ngay cả một trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự bị trẹo, sưng phồng chân nhưng vẫn không chịu rời vị trí phục bắt tên Luyện, cho dù đã có đồng chí khác lên thay thế...

3. Ám ảnh lớn nhất của chúng tôi, cũng như các CBCS của Đội Trọng án 1 Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội là nỗi đau của gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh, bị người yêu cũ là Nguyễn Đức Nghĩa sát hại dã man. Được sự cho phép của lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, tôi đã được theo các cán bộ của Đội trọng án 1 dẫn giải đối tượng Nghĩa đi thu tang vật và tìm ra phần thi thể còn lại của nạn nhân Nguyễn Phương Linh. Trong đoàn đi ấy có cả ông Nguyễn Văn Ba, bố của nạn nhân Linh. Người cha nhỏ bé ấy như chìm đi trong nỗi đau khổ vì đã mất đi đứa con gái thân yêu của mình.

Trong ráng chiều chạng vạng bên bờ sông Cầm (Uông Bí, Quảng Ninh), tôi không thể nào quên được hình ảnh của Đại tá Trần Ngọc Hà, Thư ký Lãnh đạo Bộ, lúc đó là Đội trưởng Đội trọng án 1 và ông Ba lúi húi lập bàn thờ bên bờ sông cho Linh với mấy quà xoài mua vội và nắm hương nghi ngút. Khuôn mặt của anh Hà dường như già hẳn đi khi nắm lấy bàn tay của người cha mất con mà động viên. Trong chiều tối đó, chính anh Hà và các CBCS trong tổ công tác của mình đã thuê tàu đi dọc sông, bới từng túi rác trên sông để tìm phần thi thể còn lại của Linh.

Những ngày sau đó, dù đối tượng Nghĩa đã khai nhận hành vi sát hại Phương Linh, nhưng anh Hà và các điều tra viên đã không chấp nhận nguyên nhân mà hắn khai là do ghen tuông trong tình cảm. Các anh đã thu thập rất tỉ mẩn các chứng cứ, đấu tranh quyết liệt với đối tượng để chứng minh rằng hắn phạm tội với mục đích rất đê hèn, giết người để cướp tài sản. Bởi các anh hiểu rằng, làm đúng bản chất vụ việc vừa góp phần trừng trị tội phạm, vừa góp phần làm dịu nỗi đau của gia đình người đã khuất...

Vất vả, gian khổ, đó là chuyện tất nhiên ở các đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm. Nhưng trong chiến công khám phá các vụ án gây chấn động dư luận mà chúng tôi được chứng kiến, đã thấm đẫm tính nhân văn của người Cảnh sát nhân dân. Họ biết cảm thông, xót xa cùng nỗi đau của người bị hại và gia đình họ. Từ đó, với sự say mê nghề nghiệp, cái tâm trong công việc và biết phá án bằng “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, họ đã quyết tâm truy bắt tội phạm, quyết tâm buộc cái ác phải đền tội, để cuộc sống bình yên và trong sáng hơn...

T. Hòa
.
.