Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:

Gặp lại những Cảnh sát khu vực quên mình cứu dân năm xưa

Chủ Nhật, 23/12/2012, 15:30
Trong cuộc chiến đấu oanh liệt 12 ngày đêm của quân và dân Thủ đô năm 1972, có hàng trăm chiến sỹ Cảnh sát khu vực đã lăn lộn cùng với người dân để cứu trợ, cứu sập. Người chiến sỹ “Công an đường phố” năm xưa đó, giờ chúng tôi tìm gặp lại đều tâm niệm rằng, mình sinh ra là Cảnh sát khu vực thì cuộc đời và lẽ sống của mình luôn gắn liền với người dân.

Thế nên khi tận mắt chứng kiến cảnh bom Mỹ huỷ diệt cướp đi cuộc đời của biết bao người dân vô tội thì những chiến sỹ “Công an đường phố” là một trong những lực lượng đầu tiên lao vào cuộc chiến đấu với đổ nát hoang tàn, làm tất cả để cứu dân.

Trung tá Phùng Văn Tính, Trưởng Công an phường Khâm Thiên cùng một số anh em trong đơn vị đưa chúng tôi đến thăm những “chiến sỹ Công an đường phố năm xưa”. Trên đường đi, anh Tính bảo tôi, vừa rồi toàn bộ CSBS Công an quận Đống Đa đã ủng hộ mỗi người một ngày lương để xây nhà tình nghĩa cho liệt sỹ Công an Phan Sỹ Hợp, người đã anh dũng hy sinh trong trận Mỹ ném bom Khâm Thiên.

Việc làm tình nghĩa của Công an quận Đống Đa đã góp phần giáo dục truyền thống, tiếp nối con đường mà cha anh đã đi… Tôi được Trung tá Phùng Văn Tính đưa đến gặp hai CSKV của đồn Công an 42 (nay là Công an phường Khâm Thiên) năm xưa. Đó là Trung tá Đào Xuân Áng, nguyên Trưởng Công an phường Khâm Thiên (năm 1988 – 1998) và Trung tá Vũ Xuân Trường.

Trung tá Đào Xuân Áng ngậm ngùi bảo tôi rằng, vẫn biết chiến tranh có hy sinh mất mát, người còn người mất nhưng đến giờ, 40 năm đã trôi qua mà ông vẫn thấy lòng xót xa khi nhớ đến trận dội bom huỷ diệt đêm 26/12/1972 đã cướp đi cuộc đời của bốn người đồng đội của ông.

Trung tá Vũ Xuân Trường (thứ ba từ trái sang) cùng các chiến sỹ Công an  phường Khâm Thiên ôn lại kỷ niệm trận 12 ngày đêm lịch sử.

Đó là các liệt sỹ Tô Đình Tường, Phó Trưởng đồn; Phan Sỹ Hợp, Thượng sỹ, cán bộ Đội Quản lý hành chính do Công an quận tăng cường; liệt sỹ Nguyễn Đình Mừng, Trung sỹ, cũng là cán bộ Đội Quản lý hành chính tăng cường và liệt sỹ Nguyễn Văn Liên, cán bộ tập sự mới về đơn vị được hai tháng.

Xót xa hơn, liệt sỹ Tường ra đi để lại những đứa con nheo nhóc; liệt sỹ Liên hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, bố anh là liệt sỹ chống Pháp, gia đình cho Liên đi theo ngành Công an để tiếp nối truyền thống thì anh lại ngã xuống trong trận ném bom ác liệt của kẻ thù…

Trung tá Đào Xuân Áng nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi được cấp trên quán triệt là giặc Mỹ có thể rất liều lĩnh đánh vào Hà Nội, nhất là địa bàn tập trung dân cư tạo không khí hoang mang làm điều kiện ép ta trên bàn hội nghị Pari. Công an đồn 42 lúc đó chỉ có lực lượng CSKV, CS trực ban và trật tự. Lực lượng CSKV vừa tập trung làm nhiệm vụ cơ bản, vừa tích cực vận động nhân dân sơ tán khỏi địa bàn.

Hằng ngày, tôi và 10 CSKV khác liên tục rà soát địa bàn để nắm chính xác từng gia đình ai đi, ai về trong ngày. Ngày nào đến tầm 21 giờ là phải báo cáo tình hình về dân số đi về trong ngày và số người tạm trú trong địa bàn. Mỗi khi có lệnh báo động, CSKV cùng bảo vệ dân phố, dân phòng tự vệ xuống địa bàn vận động nhân dân xuống hầm trú ẩn và quán xuyến các di biến động trên mặt đất nhằm bảo vệ tính mạng người dân”.

Theo lời kể của Trung tá Áng thì có ngày các ông hàng chục lần xuống địa bàn khi có báo động, kể cả khi ăn, khi ngủ. Cuộc đời làm Công an của ông có những kỷ niệm đẹp vô cùng về tình quân dân. Sắc cốt của CSKV ngày đó ngoài cây bút, quyển sổ tay nhỏ còn lại rặt là chìa khoá người dân gửi trao cho các anh, để họ yên tâm đi sơ tán. Họ gửi chìa khoá là gửi gắm cả niềm tin, tình cảm mến thương dành cho các anh CSKV tận tuỵ.

Trung tá Vũ Xuân Trường chỉ vào bó hoa tươi thắm trên bàn rồi kể, cách đây hai ngày, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đã tới thăm ông và tặng quà. Ông rất vui vì lãnh đạo thành phố đã không quên những người lính CSKV như ông. Rồi ông kể, ông là CSKV phụ trách một trong ba “khối huỷ diệt” là khối 45, 46 và 47.

Gọi là “khối huỷ diệt” vì tại đây 90% nhà cửa bị phá huỷ, 10% còn lại thì bị hư hỏng. Đêm 26/12, khi còi báo động của thành phố vang lên thì CSKV đã có mặt ở địa bàn. Tên lửa bắn sáng rực, kèm theo những tiếng nổ rung trời lở đất. Ngớt tiếng súng tiếng bom thì cả khu vực Khâm Thiên chìm trong màn đêm đen đặc, nhưng từ trong đêm tối mịt mùng đó, tiếng khóc bắt đầu xuất hiện, báo hiệu sự mất mát đau thương.

Tình hình khẩn cấp đến mức mà theo lời kể của Trung tá Trường thì “nhanh 5 phút cũng chết mà chậm 5 phút cũng chết”. Ông chui ra khỏi hầm, lao lên mặt đất, chạy về được trụ sở đồn Công an 42 thì một quả bom phát nổ ở số nhà 126 và một quả nổ ở ngõ Cống Trắng. Ông lao đi như một mũi tên, không còn cảm giác lo lắng sợ sệt gì nữa.

Trong lòng chỉ đinh ninh một điều rằng, phải cứu dân càng nhanh càng tốt, phải bới bằng được các đống đổ nát kia để các em bé và người già không bị ngạt. Suốt nhiều giờ đồng hồ, Trung tá Trường cùng đồng đội của mình và các lực lượng khác tay không bớt đất, có khi bới đến hàng mét đất, tình hình cấp bách khiến ông không còn cảm giác mệt mỏi, nên dù bản thân nặng chưa đầy 50kg nhưng ông đã cõng không biết bao nhiêu người dân thoát khỏi hầm trú ẩn.

Trung tá Trường tâm sự: “Lúc đó tôi mới 24 tuổi, chưa lấy vợ. Nhìn cảnh chết chóc, lòng đau đớn xa xót vô cùng, nhưng tôi không cho phép cái buồn đau kéo mình đi. Tôi xác định, Đảng và Nhà nước giao cho mình mặc bộ quần áo vàng của lực lượng CAND thì trách nhiệm của mình lớn lắm. Nhưng qua sự kiện lịch sử này, một lần nữa càng thấy được chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước khi cho đào rất nhiều hầm trú ẩn công cộng, sức chứa lớn, có hầm chứa được 200 người. Nếu không mình còn tổn thất nhiều”. Ông bảo, bây giờ ông có thể vẽ lại bản đồ khu vực Khâm Thiên chính xác tới vị trí từng số nhà, từng con ngõ.

Sau cái đêm lịch sử đau thương đó thì Bác Tôn tới thăm Khâm Thiên. Trung tá Trường đã đưa chị The (có chồng chết đêm hôm trước), đầu chít khăn tang tới gặp Bác Tôn. Bác Tôn mắt đỏ hoe nắm tay chị The và mọi người rồi nghẹn ngào nói, chiến tranh xảy ra mất mát đau thương, mọi người cố gắng khắc phục để ổn định cuộc sống, cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam sắp thắng lợi.

Trung tá Trường cắt nghĩa, chính tình quân dân thắm thiết đã tiếp cho ông và đồng đội sức mạnh tinh thần vô song. Ông làm sao quên được tình nghĩa của cặp vợ chồng già thấy các chú CSKV vất vả quá, ăn không đủ no đã bảo các chú rằng: “Thôi, tôi sẽ nấu thức ăn cho các chú, có con cá mè ranh, tôi ăn phần đầu, các chú ăn phần đuôi. Tôi nấu được bát riêu cua, tôi sẽ sẻ phần các chú một nửa”. Có thời gian cả tổ CSKV ở nhờ nhà người dân. Bác Trưởng ban đại biểu của khu phố Khâm Thiên còn nuôi các chú Công an ròng rã hằng tháng trời

Thu Phương
.
.