Em hãy là cây cầu để anh vượt sông

Chủ Nhật, 09/12/2012, 20:27
Một tấm chăn chiên, một giấy chứng nhận học viên Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân ở Suối Hai - Sơn Tây đã ngả màu theo năm tháng là những kỷ vật của Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Nguyễn Thành Tấn...

Thấm thoắt đã 25 năm chồng hy sinh, chị Đặng Thị Thê bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm đẹp nhất về anh, trong ngôi nhà mẹ con chị đang sống, ngôi nhà ấm áp tình đồng đội, được cất xây từ tấm lòng tri ân của lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Thái Bình...

Chị bảo, đã bấy nhiêu năm trôi qua nhưng trong tâm tưởng chị vẫn còn vẹn nguyên lời thủ thỉ của anh trong một lần hiếm hoi anh được đơn vị cho về thăm nhà: "Em ở nhà thay anh chăm sóc cha mẹ và các con. Em hãy là cây cầu để anh vượt sông...".

Chúng tôi về thăm chị Đặng Thị Thê, người vợ thủy chung của Anh hùng liệt sỹ Công an nhân dân Nguyễn Thành Tấn vào một buổi sáng. Đã tròn mười năm chị và hai con được sống trong căn nhà khang trang, niềm mơ ước của mẹ con chị trở thành hiện thực từ sự tri ân của lực lượng Công an Thái Bình, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và bà con lối xóm...

Chị Đặng Thị Thê cùng đồng đội của Anh hùng Nguyễn Thành Tấn bên kỷ vật của chồng.

Cũng từ ngôi nhà này, chị Thê cùng các con bắt đầu một cuộc sống ổn định. Chị là cán bộ văn phòng của xã, hai cháu khôn lớn trưởng thành, trong đó cháu Nguyễn Thị Lệ Oanh được vinh dự đứng trong hàng ngũ lực lượng CAND, tiếp nối sự nghiệp của cha mình. Lặng lẽ thắp nén hương bên bàn thờ chồng, mắt chị nhoà lệ, hình ảnh của anh như thấp thoáng đâu đây, thật gần gũi, ấm áp...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà (Thái Bình), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân tháng 8/1985, Nguyễn Thành Tấn được về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn.

Trong những năm 1985 - 1987, Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm về trật tự xã hội. Lợi dụng rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, bọn tội phạm hình sự ở một số tỉnh phía Bắc dạt về đây hoạt động. Bọn chúng câu kết thành các băng, ổ nhóm sử dụng vũ khí nóng cướp tài sản của hành khách trên các tuyến giao thông, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh Lạng Sơn đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt, xác lập chuyên án, truy kích bọn tội phạm giết người, cướp của, hoạt động lưu động trên tuyến giao thông. Là một trinh sát trẻ, năng động, tận tuỵ với công việc, Thiếu uý Nguyễn Thành Tấn được chọn vào tổ công tác đặc biệt đó.

Ngày 26/10/1987, anh cùng tổ công tác nhận nhiệm vụ truy bắt một băng cướp có vũ khí hoạt động trên các xe khách tuyến đường từ Đồng Bành lên thị xã Lạng Sơn.

2h ngày 29/10/1987, Nguyễn Thành Tấn cùng đồng đội là Triệu Văn Phong được giao nhiệm vụ đóng giả hành khách ngồi ở phía cuối xe để bắt giữ toán cướp. Chiếc xe chở khách từ Đồng Bành lên Lạng Sơn, đến dốc Sìn Hồ, lợi dụng đoạn đường hiểm trở, vắng người, bọn cướp bắt đầu hành động. Chúng cướp tiền của một hành khách trên xe.

Mặc dù lúc đó xe rất đông khách nhưng hai trinh sát vẫn áp sát, tiếp cận được bọn cướp. Bị phát hiện, tên Vinh - một trong 13 tên cướp cầm quả lựu đạn đã rút chốt an toàn trên tay, chặn cửa lên xuống phía cuối xe. Tình thế vô cùng nguy hiểm. Trời tối, hành khách sợ hãi chen lấn nhau.

Trước hành động liều lĩnh, hung hãn của bọn tội phạm đe dọạ nghiêm trọng đến tính mạng của 80 hành khách, Nguyễn Thành Tấn dũng cảm lao tới ôm chặt và đẩy tên Vinh xuống đất, Triệu Văn Phong kịp thời hất tung quả lựu đạn ra ngoài, lựu đạn nổ, hành khách trên xe đều được an toàn.

Cùng lúc đó, tên Nam, đồng bọn của Vinh đứng trong xe chĩa súng bắn xối xả làm đồng chí Phong hy sinh, đồng chí Tấn bị thương. Mặc dù bị thương song Nguyễn Thành Tấn đã dùng tất cả sức lực còn lại tiêu diệt tên Vinh, tạo điều kiện cho tổ công tác tiếp tục truy kích, bắt gọn toán cướp.

Nguyễn Thành Tấn và người đồng đội Triệu Văn Phong đã anh dũng hy sinh, để lại niềm cảm phục, tiếc thương vô hạn của cán bộ, nhân dân xứ Lạng anh hùng.

Rót chén trà ấm nóng mời khách, giọng chị Thê như trầm lại: "Khi quyết định yêu và làm vợ một chiến sỹ Công an luôn phải công tác xa nhà, lại đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm, tôi cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Chúng tôi lấy nhau khi còn rất trẻ, anh ấy lại công tác ở Công an tỉnh Lạng Sơn, ít khi được về thăm nhà. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, mình phải cố gắng làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ để anh yên tâm công tác. Biết chồng là Cảnh sát hình sự, chắc phải vất vả lắm nhưng tôi cũng không hình dung được những khó khăn, nguy hiểm đối với anh ấy đến mức nào. Thỉnh thoảng được đơn vị cho phép về thăm gia đình, anh ấy thường động viên tôi là, em ở nhà thay anh chăm sóc cha mẹ và các con, em hãy là cây cầu để anh vượt sông...".

Năm tháng cứ lặng lẽ qua đi, nhưng ký ức về người Anh hùng Nguyễn Thành Tấn vẫn chưa giờ phút nào nhoà phai trong tâm trí người thân và đồng đội. Sự hy sinh của anh là để bắt đầu cho sự sống tiếp theo.

Với chị Đặng Thị Thê, chị vẫn ở vậy, thờ chồng, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Mẹ con chị đã sống xứng đáng với sự hy sinh của anh và vẫn luôn tự hào rằng chồng mình, cha mình là người chiến sĩ Cảnh sát hình sự đã dũng cảm quên mình trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì sự bình yên của ngày hôm nay

Hồ Tuyên
.
.