Ngăn chặn “cái chết trắng” trên các cung đường Tây Bắc - cuộc chiến đấu một mất một còn

“Dòng tên anh khắc vào đá núi…”

Thứ Hai, 05/05/2014, 12:31
Trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý trên các tuyến đường Tây Bắc vẫn hết sức khốc liệt và bi tráng. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an nơi “tuyến lửa” này không ngại gian khổ, hy sinh, họ vẫn âm thầm dựng lên “bức tường lửa” để ngăn chặn sự xâm nhập của “cái chết trắng”, dù rằng trước mỗi lần lên đường bước vào trận đánh, các anh lại “vô tâm” để nỗi lo thắt ngực cho những người mẹ, người vợ nơi quê nhà…


Máu thắm lưng đèo

Chiều biên cương nhìn từ đỉnh đèo Sam Mứn, thung lũng Pom Lót hiện ra như một bức tranh thủy mặc, cảnh vật được nhuộm một màu đỏ ối kỳ ảo, đẹp nhưng trầm buồn giữa ráng chiều đầu hạ. Thượng tá Ngô Thị Thuỷ, Phó trưởng Phòng PC47 Công an tỉnh Điện Biên nghẹn ngào cắm bó nhang trầm lên ngôi mộ tưởng niệm ở km 17, quốc lộ 279 (Điện Biên – Tây Trang). Không gian như chùng xuống, chỉ nghe có tiếng gió thì thầm từ đại ngàn… Chính nơi này hơn 10 năm trước, đồng đội của chị - Trung uý Phạm Văn Cường đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ…

Năm ấy, Trung uý Phạm Văn Cường được giao nhiệm vụ xâm nhập điều tra tổ chức ma tuý xuyên quốc gia từ Lào về Điện Biên. Trong hơn một tháng lăn lộn tại địa bàn, Phạm Văn Cường hoàn thành xuất sắc "vai diễn" của mình. Thời cơ chín muồi trên cơ sở những thông tin do Cường cung cấp, Ban chuyên án quyết định phá án. Đêm 6/10/2001, một cuộc đọ súng ác liệt và không cân sức đã diễn ra trong màn đêm dày đặc nơi núi rừng biên giới. Phạm Văn Cường và 2 quần chúng dũng cảm đã anh dũng hy sinh tại đỉnh đèo Sam Mứn, cách cửa khẩu Tây Trang chưa đầy 10 cây số…

Trung uý Phạm Văn Cường hy sinh khi chưa đầy 25 tuổi, và là chiến sĩ Công an đầu tiên ở Tây Bắc ngã xuống trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm ma túy thời kỳ đổi mới. Cuộc đời ngắn ngủi của anh là một khúc tráng ca về hành động dũng cảm, xả thân vì bình yên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Công an trong cuộc đối đầu với tội phạm nguy hiểm. Phạm Văn Cường được an táng tại quê nhà nhưng cảm phục về hành động dũng cảm, xả thân vì nghĩa cả của anh, người dân vẫn đắp lên một ngôi mộ tưởng niệm đúng nơi anh trúng đạn hy sinh. Và, bao năm qua không ai bảo ai mỗi khi có việc đi qua đây (km 17, quốc lộ 279) đều dừng lại thắp cho anh nén hương.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ Đỗ Mạnh Linh.

Ở vách đá bên kia đường, một nét chữ run run của ai đó chạm khắc dòng chữ “Nơi đây Phạm Văn Cường đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để biên cương mãi bình yên”. Trong khói hương bảng lảng trước ngôi mộ tưởng niệm, một mảnh giấy trắng cùng những nét chữ tròn trịa của một cô gái nào đó đã viết và đặt trên mộ anh: “Khi ta yêu cuộc sống con người/ Sự mất mát riêng tư không phải là tất cả/ Mỗi người trích ra một phần hơi thở/ Để góp vào nhịp đập của quê hương…”. Năm 2004, Trung uý Phạm Văn Cường được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Cường ngã xuống giữa đỉnh đèo heo hút biên thùy nhưng anh không cô đơn trong lòng đất mẹ…

Một ngày trung tuần tháng 4/2014, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát bảo vệ, chúng tôi trở lại gia đình liệt sỹ Đỗ Mạnh Linh, Đại đội phó Đại đội CSCĐ, Công an tỉnh Hoà Bình. Căn nhà nhỏ, đơn sơ ở phường Chăm Mát nằm ngay dưới chân dốc Cun. Đã gần 3 năm trôi qua nhưng sự ra đi của Đỗ Mạnh Linh vẫn chưa thể nguôi ngoai trong tâm trí và tình cảm của gia đình và đồng chí đồng đội của anh.

Nhắc đến Linh, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Mùi lại thẫn thờ rơi lệ. Từ ngày Linh mất chưa đêm nào bà ngủ trọn giấc. Bố của Linh cũng là Công an nhưng ông mắc bạo bệnh và mất sớm, suốt bao nhiêu năm bà thờ chồng, nuôi con và hướng con theo bước chân cha. Thế rồi vào chiều 18/5/2011, Linh gọi điện báo cơm mẹ nhưng anh chưa kịp về nhà thì vĩnh viễn ra đi trong một trận đánh với tội phạm ma tuý. Chập tối hôm đó, nhận lệnh của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Đỗ Mạnh Linh cùng đồng đội tham gia phá một chuyên án ma tuý từ Sơn La về qua Hoà Bình. Đội của Linh có trách nhiệm chốt chặn cuối cùng. Không ngờ tên trùm ma tuý đã tông xe ôtô thẳng vào đội của Linh. 3 chiến sĩ bị thương, trong đó có Linh. Linh đã đột ngột ra đi để lại người mẹ già và người vợ đang mang trong mình giọt máu của anh…

Bé Đỗ Minh Đăng giờ đã bước sang tuổi thứ 2 bẽn lẽn ngồi vào lòng mẹ, ngước nhìn các bác, các chú thắp hương cho cha. Cháu còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì xảy ra. Chị Nguyễn Thị Huyền, vợ liệt sĩ Đỗ Mạnh Linh xúc động kể lại rằng, lúc Linh còn sống biết vợ có mang anh bảo nếu vợ sinh con gái sẽ đặt tên con là Đỗ Thuỳ Dương, con trai đặt tên là Đỗ Minh Đăng. “Em đã đặt tên con theo đúng ý nguyện của chồng” – Nguyễn Thị Huyền nghẹn ngào. Sau ngày Linh mất, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Hòa Bình, Nguyễn Thị Huyền được tuyển dụng vào lực lượng Công an. Hiện chị công tác tại Phòng Công tác đảng và Công tác quần chúng Công an tỉnh. Nỗi đau mất chồng như một nhát chém không bao giờ hết nhói buốt nhưng mẹ và chị tự hào vì trong thời khắc sinh tử ấy anh hy sinh để người khác được sống và nhân dân được bình yên...

Nỗi niềm ai dễ sẻ chia

Trinh sát phòng chống ma tuý khi nhận nhiệm vụ là lên đường để lại nỗi lo lắng cho những người mẹ, người vợ phải thấp thỏm chờ chồng, chờ con trong lo âu. Chia sẻ về cái “hạn” 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm do bị thương khi bắt tội phạm ma tuý nhiễm HIV của chồng là Đại uý Nguyễn Trung Kiên, cán bộ Phòng PC47 Điện Biên (Gương mặt thanh niên tiêu biểu năm 2012), chị Nguyễn Thị Lưu, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Điện Biên tâm sự: “Bị thương phải điều trị chống phơi nhiễm HIV, nhưng vì đang phải theo mấy chuyên án còn dang dở nên anh ấy cứ đi biền biệt như trốn vợ con, có hôm gần sáng mới về đến nhà. Nhìn chồng mặt mũi hốc hác, mặt mũi bơ phờ vì thức khuya và phản ứng phụ của thuốc mà không cầm được nước mắt, chỉ biết động viên anh gắng hoàn thành nhiệm vụ để về bình an với gia đình”.

Vẫn biết chiến thắng lớn bao giờ cũng đến từ hy sinh lớn nhưng những cái chết giữa thời bình của đồng chí đồng đội thật đau xót và không dễ sẻ chia. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với tội phạm ma tuý miền biên ải, có đồng đội của Nguyễn Trung Kiên đã nằm lại với gió núi biên thùy, họ được ghi nhận và tôn vinh, nhưng cũng có những trinh sát đã ra đi mãi mãi trong âm thầm, lặng lẽ. Mới cách đây chưa đầy 2 tháng, đơn vị PC47 Điện Biên đã phải đau đớn tiễn đưa Trung tá Phan Trung Phong về nơi an nghỉ cuối cùng. Ai cũng biết Trung Phong (Phong “đầu bằng”) là một trinh sát giỏi, lập công xuất sắc. Trong hàng trăm lần bắt tội phạm cũng bởi sơ sảy hoặc do cái chất “lính chiến” lạc quan, lỳ lợm nên dù bị trầy xước anh cũng bỏ qua để rồi vô tình bị nhiễm HIV lúc nào chẳng hay.

“Chẳng lẽ lần đi bắt tội phạm nào về cũng phải lập hồ sơ bệnh án? Bởi trinh sát đã bước vào trận đánh có đối tượng ma túy đứng yên cho mình bắt đâu, cái chuyện vật lộn, đổ máu xem ra cũng là thường tình. Nhưng cái thường tình đó lại không thắng nổi cái thủ tục hành chính, chính vì vậy việc đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho Trung tá Phan Trung Phong cũng rất khó khăn” – Đại tá Phạm Duy Cảnh, Trưởng phòng PC47 Công an tỉnh Điện Biên nói như móc từ gan ruột…

Di ảnh liệt sĩ Phạm Văn Cường.

Ba năm qua, trong cuộc chiến đấu chống tội phạm 47 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an nhân dân đã anh dũng hy sinh, 477 CBCS bị thương.

Một thống kê nhói lòng khác từ Cục Y tế, Bộ Công an, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã có hơn 700 CBCS Công an phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV, trong số này hầu hết là các trinh sát trực tiếp chiến đấu bị thương trong khi truy bắt tội phạm nguy hiểm.

Trong trận tuyến chống tội phạm ma tuý, hơn 10 năm qua đã có 17 CBCS và quần chúng nhân dân hy sinh, riêng Công an các tỉnh Tây Bắc có 6 CBCS Công an đã hy sinh, hơn 60 lượt CBCS bị thương hoặc phải điều trị chống phơi nhiễm HIV.

Mạnh Hà - Như Hùng
.
.