Đi dân nhớ, ở dân thương

Chủ Nhật, 31/07/2011, 17:12
Ở Công an huyện Mù Cang Chải, những chiến sỹ trẻ như Thượng sĩ Triệu Văn Điệp nằm vùng trên khắp các bản làng. Hàng ngày, hàng giờ, họ luôn cố gắng bổ sung kiến thức nghiệp vụ, trang bị vốn "ngoại ngữ" tiếng Mông, tiếng Thái để hiểu và gần gũi bà con. Và chính bà con dân tộc đã giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, TTATXH ở vùng núi cao này.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, giáp với tỉnh Sơn La, Lai Châu và Lào Cai. Con đường đến với mỗi bản làng miền sơn cước này thật khó khăn, vất vả. Mùa mưa, những ngọn núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, những con suối cũng có thể bất ngờ dâng lũ lớn. Mùa nắng, những mảnh ruộng bậc thang trở nên khô khốc, làm bạc phếch ve áo anh chiến sỹ Công an. Bước chân người con của bản làng đi bảo vệ cuộc sống bình yên in dấu trên từng sườn dốc, bên bờ suối và trong cả những câu chuyện kể của vị già làng cho bọn trẻ người Mông, người Thái.

Chuyện cóp nhặt dọc đường vào bản

Từ trung tâm xã Nậm Khắt vào bản Sua Lông, con đường chỉ phẳng phiu được một đoạn rồi "dở chứng" "long sòng sọc" vì sỏi đá và đèo dốc. Chiếc xe của Thượng sỹ Triệu Văn Điệp cùng mấy bà con địa phương cài số 1, 2 suốt dọc đường đi. Người ngồi sau xe phải bám chặt vào tay cầm sau xe máy để khỏi bị lao về phía trước khi xuống dốc. Thỉnh thoảng chúng tôi phải xuống xe xắn quần lội qua con suối chắn ngang trước mặt. Chiến sỹ Điệp và bà con dân bản cũng nổ máy dắt xe qua suối. Rồi những chiếc xe lại gằn máy leo lên đèo cao. Để đến được nhà một người dân trong bản, chúng tôi để xe máy nơi lưng chừng núi, tiếp tục đi bộ. Sau mỗi bước chân của anh Công an cắm bản, một kỷ niệm phá án nơi rừng sâu lại ùa về qua những câu chuyện kể.

Điệp kể, xã Nậm Khắt còn nhiều đối tượng nghiện ma túy. Tính đến thời điểm này, xã vẫn còn hơn 60 trường hợp nghiện. Bởi vậy mà Công an huyện cùng Công an xã phải chiến đấu chống cái "chết trắng" hàng ngày, hàng giờ. Đối tượng buôn bán từ bên Sơn La sang thường rất manh động, chúng sẵn sàng chống trả để chạy thoát thân nếu bị phát hiện.

20h ngày 30/11/2010, trời mưa lạnh, khắp bản làng đã bao trùm bóng tối. Phát hiện đối tượng Toòng Văn Than, 45 tuổi, người ở bản Noong Pi, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La vận chuyển trái phép chất ma túy, Điệp cùng mấy anh em Công an xã, dân quân tự vệ tổ chức vây bắt. Đối tượng liều lĩnh nhảy qua vực sâu chừng 12m, vượt suối, qua những thửa ruộng nối tiếp nhau hòng chạy thoát thân. Điệp lao theo. Anh em Công an xã hô to: "Điệp ơi, ruộng chằm đấy!" (ruộng chằm - ruộng sâu. Nếu chân đi giày lội vào ruộng sẽ không chạy được). Mặc kệ, Điệp vẫn nhảy xuống ruộng, tóm được đối tượng, vật nhau trên ruộng một lúc thì khống chế được hắn. Lúc này lực lượng hỗ trợ vừa tới giúp anh bắt giữ đối tượng Than.

Cán bộ Công an huyện Mù Cang Chải đang tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Trong những câu chuyện mà Thượng sỹ Điệp kể lại, chúng tôi nhận thấy khi hoạt động ở địa bàn, để bắt giữ được đối tượng nguy hiểm, đi kèm với nghiệp vụ vững vàng thì người chiến sỹ Công an phải có sự gan dạ, dũng cảm. Điều đó đã giúp cho Điệp cùng đồng chí Giàng Gà Phùa, Trưởng Công an xã và Xã đội trưởng Thào Páo Sung bắt quả tang 3 đối tượng Giàng A Chà, Giàng A Dê, Thào A Rùa ở bản Lả Khắt buôn bán trái phép chất ma túy đúng lúc các đối tượng đang giao hàng. 3 cán bộ cùng lúc bắt 3 đối tượng liên quan đến ma túy một cách an toàn - có lẽ đó là vụ phá án ma túy hiếm hoi khi số đối tượng bằng con số của lực lượng bắt giữ.

Điệp tâm sự, để có được những chiến công đó, yếu tố vô cùng quan trọng là gây dựng được sự tin tưởng cho dân bản và cán bộ cơ sở. Từ đó, nhân dân sẽ cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác giữ gìn ANTT. Mỗi nhà trưởng bản đều bố trí một hòm thư tố giác tội phạm. Từ hòm thư đó, thông tin về tội phạm, góp ý về cách đảm bảo an ninh được chuyển tới lực lượng Công an mà người tiếp cận đầu tiên chính là anh Công an phụ trách xã. Ở Công an huyện Mù Cang Chải, những chiến sỹ trẻ như Điệp nằm vùng trên khắp các bản làng đã tạo được niềm tin đối với nhân dân và cán bộ cơ sở từ cách ứng xử gần gũi, dễ mến.

Học tiếng dân tộc để hiểu dân bản, làm tốt nhiệm vụ

Nhận công tác tại Đội phụ trách xã, Công an huyện Mù Cang Chải đã được gần 4 năm, lần lượt phụ trách địa bàn 3 xã Cao Phạ, Lao Chải và giờ là xã Chế Cu Nha, hầu như mọi ngả đường, con suối… của xã Chế Cu Nha, Thượng sỹ Hoàng Ngọc Du đều đã đặt chân đến. Cả xã Chế Cu Nha chỉ khoảng hơn 400 hộ, mỗi ngôi nhà có khi cách nhau đến cả một quả đồi, đường đi lại chủ yếu là đèo dốc lại thường xuyên bị sạt lở, đứt gẫy đòi hỏi những cán bộ phụ trách xã phải là những tay lái… lụa.

Trên quãng đường đi vào nhà chị Hờ Thị Dê, ở bản Thào Chua Chải, ngồi sau tay lái của Thượng sỹ Du mà tôi liên tục dựng tóc gáy. Quãng đường từ trung tâm xã đến nhà chị Dê tuy không quá dài nhưng liên tục lên dốc và xuống dốc hết sức nguy hiểm. Ở những đoạn lên dốc, do đường đi bị nứt nẻ và chia cắt nên hầu như suốt quãng đường, chiếc xe máy đều phải cài số 1. Còn đoạn đường nào có bằng phẳng thì một bên là núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nếu không chắc tay lái dễ "hạ cánh" xuống vực lúc nào không hay biết. Thượng sỹ Du trấn an tôi: "Em đã quen như là đường đi… chợ rồi chị ạ! Có khi cho em về xuôi, đi đường bằng phẳng lại khó đi".

Đường vào bản Sua Lông, xã Nậm Khắt phải lội bộ qua nhiều con suối, đoạn đường dốc cao.

Còn Thượng uý Sùng A Sang, cán bộ Đội An ninh thì lại có một cách trấn an tôi khá đặc biệt: "Em yên tâm ngồi sau tay lái bọn anh. Đường vào xã Chế Tạo khó khăn nhất huyện mà anh còn đèo một cán bộ người nước ngoài vào nghiên cứu về địa chất được cả một ngày đường an toàn cơ mà".

Địa bàn xã Chế Cu Nha có nhiều điểm dễ sạt lở, đường đi lại khó khăn nên trong những tháng mưa rào, Thượng sỹ Hoàng Ngọc Du không thể trở về đơn vị mà ở lại với các gia đình trong bản.

Thượng sỹ Du cho chúng tôi biết, địa phương còn khó khăn nên chưa có nhà công vụ, mỗi lần vào bản Du đều phải ở nhờ nhà người dân. Một điều thú vị là gia đình người Mông nào cũng có một chiếc giường riêng dành cho khách. Nên mỗi khi phải ở lại trong bản, Du đều yên tâm ngủ lại. Trên đoạn đường vào nhà chị Hờ Thị Dê, đi đến đâu gặp bà con dân bản, Thượng uý Sang và Thượng sỹ Du đều được người dân nhận ra và mỉm cười chào.

Đã gần 12h nên chúng tôi quyết định dừng chân tại gia đình anh Sùng A Sàng. Vừa thấy chúng tôi bước chân qua ngưỡng cửa, anh Sàng bắt tay và hỏi han công việc khá thân thiết. Anh cũng không quên mời chúng tôi ở lại ăn chung với gia đình nồi ngô luộc đang sôi sùng sục trên bếp. Trong ánh lửa bập bùng, lũ trẻ vô tư nô đùa, người lớn chúng tôi ngồi quanh bếp lửa nhấm nháp từng bắp ngô nếp ấm tình quân dân.

Tuy là người dân tộc Tày, thạo tiếng Kinh, tiếng Tày nhưng Du cũng đã trang bị thêm cho mình cả tiếng Mông bằng cách tự học. "Không hiểu ngôn ngữ của đồng bào là cả một khoảng cách. Có biết tiếng của bà con mới có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con". Đặc biệt, phải hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông thì mới có thể làm việc được.

"Trước đây, vào ngày lễ, Tết, đồng bào dân tộc người Mông hay có phong tục treo cành cây xanh tại cổng - ám chỉ việc không tiếp khách. Nếu không hiểu mà tự ý vào thì sẽ gặp phải phản ứng khá gay gắt của đồng bào", Thượng uý Hoàng Ngọc Du kể.

Quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái, cách Mù Cang Chải khoảng 150km nhưng mấy tháng Thượng sỹ Hoàng Ngọc Du mới về thăm nhà. Mặc dù chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa, Thượng sỹ Du sẽ tổ chức đám cưới nhưng gần 2 tháng rồi, Du không gặp người yêu. "Nhưng cô ấy yêu và thương em lắm. Giờ có ĐTDĐ nên ngày nào chúng em cũng điện thoại cho nhau", Du tâm sự. Còn Thượng sỹ Điệp khi kể chuyện bắt tội phạm quyết liệt là thế, vậy mà nói đến bạn gái, mặt cứ đỏ lên: "Em ở trong bản suốt, làm gì có ai yêu…".

Thiếu tá Sùng A Làng, Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã, Công an huyện Mù Cang Chải tâm sự: "Anh em Công an phụ trách xã vất vả lắm. Cả đội có 20 người (bao gồm 1 đội trưởng, 1 đội phó). Đội ngũ cắm bản chủ yếu là anh em trẻ từ xuôi lên, bất đồng ngôn ngữ với bà con dân bản. Đường sá thì xa xôi. Những năm gần đây đường giao thông đi lại đã khá hơn trước rất nhiều. Nhưng vẫn còn địa bàn đặc biệt vất vả đường vào như xã Chế Tạo. Để qua quãng đường 35km từ huyện vào xã, ôtô phải đi 3 tiếng đồng hồ. Trời mưa, dân bản và cán bộ Công an chỉ đi bộ được thôi. Đường đất trơn trượt, lại sợ lở núi nữa chứ. Vào được bản rồi, công tác vận động nhân dân hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn gặp phải khó khăn do trình độ dân trí chưa cao. Thậm chí, ngay cả cán bộ xã cũng hiểu sai rằng đảm bảo an ninh trật tự là nhiệm vụ của riêng Công an. Bởi vậy, chiến sỹ cắm bản phải học tiếng dân tộc, phải ở cùng dân, hiểu dân, dành tâm huyết cho công việc mới giữ vững được an ninh trật tự ở địa bàn".

Thượng tá Nguyễn Minh Đạt, Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải cho biết: "Công an phụ trách xã là lực lượng tiếp xúc trực tiếp với nhân dân nên chúng tôi luôn chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc. Ngoài việc chấp hành nghiêm điều lệnh, cũng như các lực lượng khác, Công an phụ trách xã phải có thái độ ứng xử đúng mực, không biểu hiện thái độ hách dịch đối với nhân dân, làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn, đảm bảo ANTT an toàn xã hội. Thời gian qua, khi cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" được phát động, lãnh đạo Công an huyện cũng xác định đây là nhiệm vụ mà CBCS phải nghiêm túc và tự giác thực hiện".

Trên đường ra trung tâm huyện, dưới con suối bên đường chúng tôi qua, cả người lớn, trẻ em cùng đùa vui, vô tư tắm trong làn nước mát lạnh chảy từ lòng núi, tiếng cười giòn tan hòa vào cây cỏ, núi rừng. Trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy, thấp thoáng có hình ảnh của người chiến sỹ Công an mang sắc phục xanh băng đèo lội suối làm nhiệm vụ. Hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn luôn cố gắng bổ sung kiến thức nghiệp vụ, trang bị vốn "ngoại ngữ" tiếng Mông, tiếng Thái để hiểu và gần gũi bà con. Và chính bà con dân tộc sẽ giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng núi cao Mù Cang Chải

Việt Hà – Nguyễn Hương
.
.