Lực lượng Cảnh sát tham gia bảo vệ phiên tòa:

Đề cao trách nhiệm, coi trọng tình người

Chủ Nhật, 25/05/2014, 16:26
Ngay cả một người có tính cách ngang như bị cáo Nguyễn Đức Kiên khi trả lời thẩm vấn Hội đồng xét xử bằng những từ cụt lủn như: “Đúng! Không! Chính xác!...” mà cũng nhiều lần chuyện trò nở nụ cười thân thiện với lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa khi phiên tòa tạm nghỉ. Lý do là bởi những cán bộ, chiến sĩ dù đề cao trách nhiệm trong công việc, nhưng luôn đối xử với bị cáo Kiên và đồng phạm cũng như người thân trong gia đình Kiên bằng tình người. Có lẽ chính điều này đã khiến Kiên cảm thấy thỏa mái chứ không bực bội vì luôn thấy Cảnh sát bên cạnh mình.

Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã diễn ra được một tuần, lại đúng vào những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài. Để đảm bảo an ninh trong thời gian gần 20 ngày diễn ra phiên xử, lực lượng Công an đã cử gần 100 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ dẫn đường, “chăm lo” ăn nghỉ cho các bị cáo, bảo vệ và kịp thời ngăn chặn các tình huống gây mất trật tự bên trong và ngoài phòng xử án… Nhìn những công việc thường nhật của lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa sẽ thấy bình thường. Nhưng có ở vào vị trí làm việc của các anh mới thấy những việc thường nhật ấy tuy âm thầm nhưng lại rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa để Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong vụ án này có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên thường xuyên có lời nói và cái nhìn thân thiện với lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa khi HĐXX tạm nghỉ.

Trung sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phòng Cảnh sát bảo vệ thi hành án vã hỗ trợ tư pháp Công an TP Hà Nội, làm nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài phòng xử án tâm sự: “Lần đầu tiên được tham gia bảo vệ một phiên tòa có tính chất quan trọng như thế này, tôi càng cảm thấy vai trò và trách nhiệm của cá nhân tôi nói riêng và lực lượng Cảnh sát bảo vệ nói chung. Dù đã được Chỉ huy đơn vị quán triệt rõ nhiệm vụ, nhưng quá trình thực hiện vẫn thấy có những tình huống phát sinh không lường trước. Chẳng hạn như người được Tòa triệu tập tới phiên xử nhưng lại quên mang giấy triệu tập, trong khi nhà họ ở xa, mà thời gian bắt đầu xét xử chỉ còn ít phút. Nếu xử lý tình huống không linh hoạt thì có thể ảnh hưởng đến phiên tòa”.

Tiếp xúc với phóng viên Báo CAND, Trung tá Trần Văn Thắng, Đội phó Đội 4, Phòng Cảnh sát bảo vệ thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an TP Hà Nội cho biết, có 4 đơn vị Công an làm nhiệm vị bảo vệ trong và ngoài phiên tòa này. Đó là lực lượng Cảnh sát bảo vệ thi hành án và hỗ trợ tư pháp, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an quận Hoàn Kiếm (thuộc Công an TP Hà Nội) và cán bộ, chiến sĩ của T.16 Bộ Công an.

Lực lượng Cảnh sát bảo vệ làm nhiệm vụ bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Kể từ ngày phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm diễn ra, hàng ngày từ 6h30 phút, lực lượng Cảnh sát bảo vệ bắt đầu triển khai các vị trí bảo vệ trong và ngoài phòng xử án. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, các lực lượng Cảnh sát thay phiên nhau làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tránh để xảy ra các trường hợp làm mất trật tự, vi phạm nội quy phiên tòa, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Buổi trưa khi Hội đồng xét xử tạm nghỉ, các bị cáo được đưa về phòng cách ly ăn và nghỉ trưa, các lực lượng Công an tiếp tục chăm lo cho các bị cáo ăn và nghỉ trưa đến giờ chiều Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc. “Mỗi phần cơm của các bị cáo đều được bộ phận phục vụ của Tòa án nhân dân TP Hà Nội chuẩn bị chu đáo. Bữa cơm trưa của các bị cáo tuy đơn giản nhưng đủ chất và đặc biệt là đồ ăn, thức uống được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng đến sức khỏe của các bị cáo”, Trung tá Thắng cho biết. Nếu để người nhà mang cơm trưa vào cho các bị cáo sẽ xảy ra tình trạng mất trật tự, khó kiểm soát và các bị cáo sẽ luôn bị phân tán tư tưởng ngay cả trong khi ăn và nghỉ trưa. Vì thời gian nghỉ trưa rất ít nên lực lượng Cảnh sát bảo vệ phải tính các phương án hợp lý nhất để các bị cáo vừa được ăn nghỉ đúng giờ, vừa tránh các tiếp xúc không cần thiết với bên ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau khi chăm sóc cho các bị cáo ăn trưa và nghỉ ở phòng cách ly, các lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa ở vòng trong mới thay phiên nhau ăn trưa. Do thời gian phiên tòa tạm nghỉ không nhiều nên lực lượng Cảnh sát bảo vệ vòng trong cũng không có thời gian nghỉ trưa. Sau khi ăn trưa tại tòa, họ vẫn phải làm nhiệm vụ, ngay cả khi các bị cáo đang ngủ. “Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các bị cáo trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa là nhiệm vụ rất quan trọng. Chỉ ít phút lơ thì sự việc có thể xảy ra theo hướng xấu. Vậy nên chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đến khi phiên tòa kết thúc vào lúc cuối ngày, khi những chiếc xe chở phạm nhân đưa các bị cáo ra khỏi tòa về Trại tạm giam thì anh em Cảnh sát bảo vệ mới yên tâm về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho phiên xử hôm sau”, Trung tá Thắng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các bị cáo đều sinh ra trong các gia đình cơ bản, bản thân các bị cáo lại có học thức, hiểu biết xã hội, từng giữ các vị trí quan trọng trong lĩnh vực ngân hàng, hành vi phạm tội để hưởng lợi bất chính là do lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước, khi bị khởi tố về các hành vi phạm tội cũng có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo nên trong những ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, chưa thấy bị cáo nào và người thân của bị cáo có biểu hiện thái quá, gây mất trật tự phiên tòa, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến nên trong thời gian diễn ra phiên tòa, lực lượng Cảnh sát bảo vệ vòng trong và vòng ngoài đã luôn chủ động kiểm tra chặt nên phòng xử án luôn được đảm bảo trật tự, các bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa đều có ý thức chấp hành tốt nội quy phiên tòa và tuân thủ các quyết định của Chủ tọa phiên tòa nên tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Điều đó đã góp phần quan trọng phục vụ công tác xét xử vụ án này

Nguyễn Hưng
.
.