Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án Luật Căn cước công dân trình Quốc hội

Thứ Tư, 12/02/2014, 09:34
Trong thời gian tới, thường trực Ban soạn thảo Luật Căn cước công dân cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham gia, khẩn trương hoàn thiện dự án luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Chính phủ và Quốc hội trong việc thẩm tra và trình dự án Luật lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xem xét, cho ý kiến.
>> Phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới

1. Căn cước công dân có vai trò quan trọng trong việc xác định một người cụ thể trong các giao dịch, đi lại nên nó rất cần thiết, phục vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, quản lý dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, ngay từ khi đất nước thống nhất, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân như Quyết định số 143/CP ngày 9/8/1976 của Hội đồng Chính phủ về việc cấp giấy căn cước (giấy Chứng minh nhân dân) cho nhân dân trong cả nước, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về Chứng minh nhân dân, Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về Chứng minh nhân dân, Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007. Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã hình thành trên cả nước với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu Chứng minh nhân dân với hệ thống tàng thư căn cước công dân đồ sộ đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân và yêu cầu nghiệp vụ Công an.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, nhưng cho đến nay, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực pháp lý không cao. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là luật. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là bối cảnh thực hiện hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu mới, cụ thể là:

- Yêu cầu đặt ra hiện nay cũng như những năm tiếp theo là phải đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cấp, quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và thực hiện Chính phủ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật Căn cước công dân để tạo cơ sở pháp lý thực hiện các đòi hỏi này;

- Các thông tin về căn cước công dân có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu giao dịch của cơ quan, tổ chức, công dân nhưng lại gắn liền với bí mật đời tư cá nhân, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định về thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác các thông tin này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như đáp ứng quyền, lợi ích chính đáng của công dân;

Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì cuộc họp bàn về công tác Pháp chế Công an nhân dân. Ảnh: Anh Hiếu.

- Kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý Chứng minh nhân dân hiện tại còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; đã xuất hiện nhiều trường hợp làm giả Chứng minh nhân dân để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp hoặc thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất Chứng minh nhân dân bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả. Các thông tin trên Chứng minh nhân dân cũng cần được nghiên cứu quy định để có thể tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, đơn giản hóa giấy tờ cho công dân;

- Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của công dân cũng như trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý căn cước công dân nên cần phải hoàn thiện quy định này để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các chủ thể thực hiện quyền, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này.

Tình hình nêu trên cho thấy, việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về căn cước công dân nói chung, xây dựng một đạo luật về căn cước công dân nói riêng là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện, cụ thể cho hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, quản lý dân cư, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân. 

2. Ngày 18/6/2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2013/QH13 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; theo Chương trình này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân vào Kỳ họp thứ 7 và thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (năm 2014). Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc soạn thảo Luật Căn cước công dân bảo đảm đầy đủ các bước theo trình tự, thủ tục luật định.

Ngày 31/5/2012, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án luật với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành có liên quan. Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng kế hoạch, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan đến căn cước công dân để đánh giá những quy định còn bất cập, không phù hợp; đồng thời, tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới (Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Singapore…), tổng kết 14 năm (1999-2013) thực hiện Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007, tổ chức khảo sát tình hình quản lý căn cước công dân tại một số địa phương trọng điểm, xây dựng Báo cáo đánh giá tác động và Thuyết minh về dự án luật, lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học đối với dự thảo luật thông qua hình thức hội thảo khoa học và lấy ý kiến bằng văn bản, đăng tải dự thảo văn bản lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Ngày 15/1/2014, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 09/BTP-PLHSHC thẩm định dự thảo Luật Căn cước công dân. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Ban soạn thảo đã chỉnh lý lại dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ.

3. Dự án Luật Căn cước công dân đã quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý căn cước công dân; quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân; các hành vi bị nghiêm cấm; yêu cầu cập nhật, duy trì, quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân; nhập dữ liệu căn cước công dân; thông tin, tài liệu của công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bảo vệ dữ liệu căn cước công dân; lưu trữ dữ liệu điện tử căn cước công dân; khai thác, cung cấp, trao đổi, sử dụng dữ liệu căn cước công dân; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin về căn cước công dân; điều kiện đối với cán bộ làm công tác quản lý căn cước công dân; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước công dân; nội dung của Chứng minh nhân dân; số và thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân; người được cấp Chứng minh nhân dân; các trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân; nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân; thủ tục, trình tự cấp Chứng minh nhân dân; thủ tục, trình tự đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân; thời hạn cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân; thẩm quyền cấp Chứng minh nhân dân; thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân; lệ phí cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân; trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý căn cước công dân; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Ngày 25/1, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Chính phủ đã đồng ý với những nội dung cơ bản của dự án Luật Căn cước công dân. Tại phiên họp Ban chỉ đạo thực hiện tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu nêu rõ: việc ban hành Luật căn cước công dân là cụ thể hóa một bước quyền tự do đi lại, giao dịch của công dân nên cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng để Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (năm 2014), đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013, đã xác định phải rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; trong đó, ưu tiên các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Mặt khác, dự án Luật Căn cước công dân đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 và thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (năm 2014). Việc xây dựng dự án luật đã bảo đảm đúng quy trình, tiến độ; nội dung của dự thảo luật đã bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, hộ chiếu.

Như vậy, trong thời gian tới, thường trực Ban soạn thảo Luật Căn cước công dân cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tham gia, khẩn trương hoàn thiện dự án luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Chính phủ và Quốc hội trong việc thẩm tra và trình dự án Luật lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xem xét, cho ý kiến

N.N.A.
.
.