Đấu trí với tội phạm mạng dịp cao điểm

Thứ Bảy, 30/01/2021, 08:18
“Bạn đã truy cập Internet quá thời hiệu...”, tiếng chuông cảnh báo xóa bầu không khí tĩnh lặng trong căn phòng làm việc chật chội của Đội 6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội.

Tắt chuông cảnh báo, Đội trưởng, Trung tá Đào Mạnh Hà đứng lên, đôi mắt căng mờ... Đến thời điểm này, cơ bản các vấn đề an ninh thông tin liên quan đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên không gian mạng đã đảm bảo được khoanh vùng. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu thời gian này của Đội 6 là công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng, đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đại hội XIII của Đảng. Các mũi trinh sát được phân công phụ trách các địa bàn trên không gian mạng đã ổn định vị trí, đảm bảo kết nối với nhau và kết nối với trung tâm chỉ huy để thông tin được thông suốt.   

Từ nhiều tháng nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Đội 6 đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các kế hoạch nắm tình hình trên toàn bộ các địa bàn được giao về các vấn đề mang tính thời sự, được đông đảo quần chúng quan tâm. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước, đăng tin sai sự thật. Nhất là trong thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành, làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nhiều thế lực thù địch ra sức lợi dụng tình hình khó khăn về kinh tế để tuyên truyền chống phá, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của dân chúng vào bộ máy chính quyền.

Nhiều tháng qua, CBCS của Đội 6 làm việc không có ngày nghỉ, một ngày 3 ca, 24/7, áp lực đối với anh em trinh sát là không nhỏ. Trên không gian mạng, đối tượng là ảo, muốn điều tra, làm rõ phải cần một quá trình dài thu thập thông tin, tài liệu. Khó khăn nhất là từ thông tin ảo, làm rõ con người thật, trong khi đó phần lớn các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao thường ở các địa phương xa, hoặc di chuyển thường xuyên, liên tục. Bởi thế, không phải lúc nào sự vất vả của cán bộ trinh sát cũng được đền đáp. Có những trường hợp sau nhiều thời gian truy tìm thì phát hiện đối tượng đang ở nước ngoài.

Đội 6, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao họp bàn triển khai các phương án công tác.

Trước thời điểm diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đội 6 đã chủ trì phát hiện, ngăn chặn thành công một số đối tượng thường hoạt động trên mạng xã hội, sử dụng ảnh hưởng của mình trên không gian mạng, lợi dụng quyền tự do dân chủ để đe dọa, đăng tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến nhiều cán bộ là lãnh đạo tại nhiều địa phương, tổ chức kinh tế, gây bất ổn trong chính trị.

Với nhiều thủ đoạn bài bản, các đối tượng này liên tục hoạt động trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, gây dựng uy tín thương hiệu, chủ động tìm kiếm những vấn đề trong quản lý điều hành còn đang chưa rõ ràng hoặc sơ hở của các doanh nghiệp, đăng tải thông tin một chiều, lồng ghép các quan điểm gây bức xúc cho dư luận, hoặc tạo ra các diễn đàn ảo, sử dụng các nick ảo để tung hứng, bình luận, định hướng tuyên truyền, phá hoại tư tưởng.

Cùng với công tác đấu tranh trực diện, ngăn chặn tội phạm trên không gian mạng, Đội 6 cũng chú trọng công tác tham mưu cho Ban giám đốc CATP Hà Nội, UBND, các sở, ban, ngành trên địa bàn TP Hà Nội để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Trung tá Đào Mạnh Hà cho biết: Thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến việc sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để gây án. Loại tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội, các website thương mại điện tử đang diễn ra hết sức phức tạp.

Năm vừa qua, từ công tác nắm tình hình trên không gian mạng, đã phát hiện có 20 tài khoản facebook, 15 trang website đang hoạt động có rao bán súng hơi, súng ngăn bắn đạn bi sắt, dao, kiếm, bình xịt hơi cay, pháo hoa, các loại công cụ hỗ trợ khác. Các trang mua bán đều không ghi địa chỉ bán hàng, chỉ hướng dẫn người mua liên hệ thông qua số điện thoại (đối với website) và nhắn tin vào hộp thư (đối với Facebook) để thực hiện hoạt động trao đổi mua bán. Trước tình hình đó, Đội 6 đã phối hợp trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông, kiến nghị nhiều giải pháp cũng như tổ chức trinh sát để ngăn ngừa tội phạm.

Cũng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên không gian mạng, các trinh sát Đội bảo vệ an ninh mạng (Đội 5), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng chịu không ít áp lực với những nhiệm vụ không kể thành tên thành lời. Đó là những bữa cơm thất thường, những đêm trắng căng mình trực chiến trên không gian mạng để bảo đảm thông tin của các cơ quan, đơn vị Nhà nước thuộc TP Hà Nội được thông suốt.

Vào thời điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra, đối tượng phản động lưu vong và số đối tượng trong và ngoài nước triệt để sử dụng không gian mạng, đặc biệt là ứng dụng mạng xã hội để phát tán nhanh nhất thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc về tình hình trong nước, chống Đảng, Nhà nước, phá loại tư tưởng... Hình thức chống phá trọng tâm của đối tượng nhằm phân hóa nội bộ, đặc biệt là thời gian tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, công việc của họ càng thêm nặng nề.

Thủ đoạn mới của các đối tượng phản động là lập các hội nhóm trên mạng xã hội, lôi kéo những người dân hiếu kỳ về thông tin, nhận thức lệch lạc về chính trị, thậm chí xây dựng những hình ảnh, video về các hành vi bạo lực, cuộc sống theo kiểu giang hồ, xã hội đen, lối sống ăn chơi sa đọa, cổ súy phong cách sống theo kiểu hiện tượng, tạo ra trào lưu không lành mạnh đối với giới trẻ Việt Nam, thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi. Những hội nhóm trên mạng xã hội tác động rất lớn vào nhận thức của người dân, làm mất đi những giá trị nhân văn truyền thống, cổ vũ một bộ phận giới trẻ coi thường pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ phạm tội rất cao.

Để đảm bảo an ninh, an toàn trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đội 5 đã xây dựng nhiều báo cáo đề xuất, tham mưu Ban chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức công tác nắm tình hình trên không gian mạng với các đơn vị có liên quan trong Công an TP Hà Nội, và các sở, ban, ngành; đồng thời hỗ trợ các đơn vị rà soát tình hình bằng các biện pháp nghiệp vụ của hệ lực lượng an ninh mạng, phòng chống tấn công mạng vào hệ thống cơ sở dữ liệu an ninh quốc gia, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong thời gian diễn ra Đại hội XIII. Đội 5 đã ngăn chặn và phát hiện một số vụ việc như: Trường hợp của Trần Thị Thanh Thảo (SN 1994, trú tại đường Long Biên 1, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); Nguyễn Quốc Tới (SN 1984, trú tại Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm) có hành vi đăng tải hình ảnh, clip để bôi nhọ, hạ thấp danh dự của cá nhân; bắt giữ đối tượng Đoàn Văn Hoàn (SN 1983, trú tại Linh Đàm); Đoàn Văn Hiệu (SN 1980, trú tại Linh Đàm) về hành vi xâm nhập trái phép... Hay bắt giữ đối tượng Nguyễn Xuân Lâm (SN 1993, trú tại tổ 15, Kiến Hưng, Hà Đông), rao bán công cụ hỗ trợ...

Xuân Mai
.
.