Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường:

Đấu tranh mạnh với vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Chủ Nhật, 04/08/2013, 09:41
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết, số vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) do lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường (MT) phát hiện, phối hợp xử lý năm sau đều cao hơn năm trước (từ 30 – 50%), trong đó nhiều vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đấu tranh mạnh nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP có những diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trước tình hình đó, Cục C49 đã phối hợp với nhiều lực lượng thực hiện phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP.
>> Đằng sau những vụ án "giải độc" môi trường

Đại tá Trần Trọng Bình dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Cảnh sát PCTP về MT trên toàn quốc đã phát hiện 1.214 vụ vi phạm pháp luật về ATTP với 844 cá nhân, 251 tổ chức, xử lý hành chính 522 vụ (411 cá nhân, 78 tổ chức), tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng...Đối với việc phát hiện đấu tranh với hành vi buôn bán vận chuyển trái phép gia cầm nhập lậu, qua 6 tháng thực hiện nội dung Đề án 2088 của Chính phủ về tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, đấu tranh, xử lý đối với hoạt động vi phạm nêu trên, lực lượng Cảnh sát PCTP về MT đã xác lập, đấu tranh 2 chuyên án, phát hiện bắt giữ và phối hợp với các ngành chức năng lập hồ sơ xử lý 500 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu và không có chứng nhận kiểm dịch theo quy định, tịch thu tiêu huỷ hơn 127 tấn gà nhập lậu, 46,145 tấn thịt gia cầm, 487 nghìn quả trứng gia cầm, 467 nghìn con gia cầm giống và nhiều hàng hoá, thực phẩm khác. Trong đó, đã chuyển cơ quan CSĐT khởi tố 2 vụ án, 4 bị can về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Lực lượng Công an thu giữ mỳ chính giả tại Thanh Hóa.

Quá trình điều tra cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCTP về MT cho thấy, phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng là nhập lậu các loại hóa chất, phụ gia không được phép đưa vào chế biến thực phẩm, để tiêu thụ cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong nước. Các loại hóa chất này khi được đưa vào Việt Nam (chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc) thường không có nhãn mác, không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và có giá rẻ nên khi các đối tượng sử dụng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhập lậu không qua kiểm dịch các loại gia súc gia cầm qua biên giới phía Bắc, vào các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai…rồi xé lẻ, vận chuyển về Hà Nội và sâu vào nội địa để tiêu thụ.

Cục Thú y phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia đã lấy mẫu gà thải loại được bắt giữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn khi nhập khẩu vào Việt Nam, kết quả: 100% mẫu thịt gà này đều có tồn dư thuốc kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép. Điển hình, ngày 29/12/2012, Cục C49 đã phối hợp bắt giữ, kiểm tra xe ôtô BKS 26C- 00757 do Nguyễn Tài Kiên, 23 tuổi, trú tại TP  Sơn La, tỉnh Sơn La điều khiển. Trên xe vận chuyển 2.335 con (tương đương 4 tấn) gà Trung Quốc nhập lậu. Quá trình kiểm tra, xác định Trạm phó Trạm Thú y TP Sơn La cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sai quy trình, đã tiếp tay cho đối tượng hợp thức hóa số gà không rõ nguồn gốc trên.

Cũng trong quá trình đấu tranh, Cục C49 đã phát hiện tình trạng các đối tượng thường sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn có khả năng gây hại cho sức khỏe con người diễn ra tại địa bàn các tỉnh phía Nam gây bức xúc trong dư luận hay tình trạng mua gom lợn chết trong vùng dịch để chế biến thức ăn chín, ruốc tiêu thụ trên thị trường. Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCTP về MT Công an TP Hà Nội phối hợp với chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra phát hiện Nguyễn Bá Trọng, trú tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang lưu giữ 2.196kg thịt lợn bốc mùi hôi thối. Đối tượng Trọng khai đã thu mua thịt lợn ốm, chết tại địa bàn Lương Sơn, Hòa Bình về bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm sản xuất ruốc, mắm tép…

Để thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, theo Cục C49 cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân. Bởi hiện nay, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng vẫn còn hạn chế. Mặt khác, do lợi nhuận cao, ham rẻ nên nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp nguy hại cho sức khỏe cộng đồng đã nhập lậu gia cầm, các loại thực phẩm không an toàn vào Việt Nam. Quá trình trinh sát, cán bộ Cục C49 đã phát hiện, nếu như giá gà nhập lậu tại Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ dao động trên, dưới 15 nghìn đồng/kg, khi vào đến chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã tăng gấp 4 lần, trên 60 nghìn đồng/kg.

Chủ hàng và xe hàng chở 2.335 con gà không rõ nguồn gốc bị phát hiện, bắt giữ.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với vi phạm pháp luật về ATTP, theo Đại tá Trần Trọng Bình, ngoài việc lực lượng CSMT tiếp tục kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan thì việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP cho lực lượng Cảnh sát PCTP về MT là rất cần thiết.

Còn theo Đại tá, PGS.TS Trần Vi Dân, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công an, khi tham luận trong Hội thảo do Cục C49 tổ chức ngày 31/7/2013 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của lực lượng Cảnh sát PCTP về MT” thì để bảo đảm tốt ATTP, các quốc gia trên thế giới luôn áp dụng hệ thống giải pháp đồng bộ, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Trong đó, hoàn thiện cơ sở pháp luật cho công tác đảm bảo ATTP đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các quy định pháp luật sẽ quyết định về việc cho phép sản xuất lưu hành hay không lưu hành một loại thực phẩm trên thị trường với những tiêu chuẩn rất cụ thể. Ths. Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đề nghị, với  các Bộ được giao quản lý về ATTP thì cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo đảm ATTP. UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường thực thi pháp luật theo thẩm quyền được quy định trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP tại địa bàn quản lý…Bởi theo Ths. Nguyễn Văn Nhiên, hàng năm số cơ sở thực phẩm được kiểm tra, thanh tra tăng, số cơ sở vi phạm được xử lý năm sau nhiều hơn năm trước. Ngoài việc xử phạt, các địa phương đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo ATTP. Theo số liệu thống kê của Cục ATTP, 5 năm từ 2008 – 2012 đã có 21.559 cơ sở có sản phẩm bị tiêu hủy với hàng nghìn loại sản phẩm…

Anh Hiếu
.
.