Danh thơm để lại với đời

Thứ Ba, 19/08/2014, 14:43
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an, hình ảnh Thứ trưởng Viễn Chi như vẫn còn đó, dẫu ông đã rời xa nhân thế. Nói tới ông là nói tới sự dạn dày kinh nghiệm, giỏi về nghiệp vụ Công an. Mọi người biết ông như một vị tướng chiến trường (chống Pháp, chống Mỹ, chiến trường biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc) và hơn 20 năm là Thứ trưởng Bộ Công an.

1. Một lòng theo cách mạng

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày truyền thống của lực lượng CAND (19-8) là Đại tá Trần Nguyên Minh, con trai cố Thứ trưởng Viễn Chi lại lần giở về những ký ức của gia đình. Trong đó là những dòng tâm sự, những trang bản thảo ghi chép của người cha thân yêu về những ngày đầu đi theo cách mạng, cho tới ngày ông sắp rời xa trần thế. Từ bầu nhiệt huyết của một chàng trai khi nước nhà chìm dưới gót giày thực dân, phong kiến, tới ngày thống nhất đất nước nhà nhà đoàn tụ. Ông cũng nói về người vợ rất mực yêu thương, về một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học, cháu con trưởng thành… Với lòng kính trọng, anh Minh đã kể cho chúng tôi nghe về người cha của mình.

Thứ trưởng Viễn Chi trong chuyến thăm trại trẻ mồ côi ở Phnom Penh, Campuchia (tháng 3/1981). Ảnh tư liệu: Hoài Thanh.

Ông Viễn Chi (tức Trần Xuân Viên) sinh ra và lớn lên tại làng Từ Quán, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Lớn lên khi nước nhà quằn quại trong sự thống trị của chế độ thực dân, chàng thanh niên yêu nước ấy đã tham gia cách mạng từ năm 1937 tại Hội An trong tổ chức Hội Ái Hữu, một tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội này rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, truyền tài liệu của Đảng nhằm tuyên truyền giác ngộ quần chúng theo cách mạng, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Trải qua nhiều vị trí từ Chủ tịch huyện Kim Thành (Hải Dương), Trưởng ty Công an tỉnh Nam Định, Cục trưởng Cục Phái khiển, Thứ trưởng Bộ Công an… Ông không những là một cán bộ lãnh đạo Công an giỏi, sâu sắc về chuyên môn và giàu kinh nghiệm về nghiệp vụ mà còn là một người cán bộ lãnh đạo có tâm, có đức, có tình trong đối nhân xử thế với đồng nghiệp, cấp dưới và với người dân nơi ông công tác. Còn nhớ, khi ông được giao nhiệm vụ hoạt động trong vùng địch hậu, người dân đã sẵn sàng hy sinh bảo vệ ông.

Anh Minh (con trai ông) kể rằng, khi đất nước đã thanh bình, ông mời một người bạn về nhà ăn cơm và hỏi các con có biết người khách đó là ai không. Các con ông làm sao biết được những người bạn, đồng nghiệp của ông trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông hồ hởi giới thiệu đó là chú Vũ Đức Tiêm (năm 1989 là Chủ tịch MTTQ huyện Trực Ninh, Nam Định) là người từng theo đạo Thiên chúa.  Năm 1948,  ông làm Trưởng ty Công an tỉnh Nam Định, bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa giao nhiệm vụ cho chú Tiêm tìm mọi cách ám sát ông nhưng chú ấy đã không thực hiện. Vì nhân dân quanh vùng họ đều coi ông như người thân trong gia đình. Khi ông đến với người dân, họ có cơm ông ăn cơm, có khoai sắn thì ông cũng ăn khoai sắn và hết lòng vì họ. Ông Tiêm đã cảm phục và giúp đỡ ông, nói toàn bộ kế hoạch ám sát và những âm mưu của bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo cho ông biết. Sau khi phân tích điều hay lẽ phải, ông Tiêm đã theo ông, theo cách mạng. Và âm mưu chống phá cách mạng của một số kẻ phản động lợi dụng Thiên chúa giáo đã bị vạch trần…

Câu chuyện ông kể cho các con nghe đã gieo vào lòng họ những ấn tượng đẹp về tình bạn và sự khôn khéo của ông trong thực hiện nhiệm vụ. Sự khôn khéo ấy đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tin tưởng và giao làm Cục trưởng Cục Phái khiển và được cử sang Liên Xô trao đổi, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tình báo. Ông đã gác tình riêng để lo việc nước, đó là vào tháng 3/1972, sau khi giải phóng Đông Hà, với vị trí là Thứ trưởng Bộ Công an, ông đã cùng Đoàn công tác của Chính phủ vào Nam công tác. Ông đã gặp con trai đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, hai cha con gặp nhau trên một chuyến phà chỉ trong chốc lát rồi họ chia tay để tiếp tục  vào chiến trường làm nhiệm vụ. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được giao nhiệm vụ đặc phái viên của Bộ trưởng vào giúp Sài Gòn-Gia Định. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra ông lại được điều động lên các tỉnh phía Bắc để lãnh đạo lực lượng Công an đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp đó là Trưởng đoàn chuyên gia an ninh sang giúp nước bạn khi mới được giải phóng. Với những kinh nghiệm dày dặn, nghiệp vụ vững vàng, ông đã giúp bạn giữ gìn an ninh trật tự vào thời điểm khó khăn.

2. Hậu phương vững chắc

Hạnh phúc trong cuộc đời của Thứ trưởng Viễn Chi là ông đã có một người vợ hiền đảm đang chu đáo, biết hy sinh. Trong mỗi bước chân hoạt động cách mạng của ông đều có phần công sức bé nhỏ của bà, chăm sóc gia đình con cái để ông vững bước ra đi. Bà Phạm Thị Xuân (vợ ông Viễn Chi) từng là con cả trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Từ Quán, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, Nam Định. Khi còn nhỏ, bà là một cô gái làng xinh đẹp, nết na, đảm đang tháo vát. Năm 20 tuổi, bà lấy chồng và về ở nhà chồng. Lúc chồng đi công tác xa, bà vừa chăm sóc mẹ chồng ốm nặng, chăm nom em chồng còn nhỏ dại vừa phải làm lụng vất vả để có cái ăn cái mặc, trả nợ vay chữa bệnh cho mẹ chồng. Chăm sóc chu đáo tận tình tới khi mẹ chồng qua đời, bà mới theo chồng đi kháng chiến.

Khó có thể nói hết được những gì mà bà đã dành cho chồng, cho con, dù ông ở đâu, đi đâu khắp các ngả đường cách mạng ông vẫn yên tâm có bà là điểm tựa vững chắc trong sự nghiệp của ông. Còn bà, xem nó như niềm hạnh phúc, chẳng hề kêu ca phàn nàn dù gặp bất cứ khó khăn nào. Trong suốt 55 năm hoạt động cách mạng của ông, từ một công chức nghèo làm thuê dưới thời Pháp thuộc cho tới sau này ông là Thứ trưởng Bộ Công an đều có công lao đóng góp của bà. Bà nuôi nấng và chăm lo các con nên người để ông yên tâm công tác, hoạt động cách mạng. Còn nhớ, khi bà sinh con thứ hai, năm 1945, khi cả nước bị giặc đói hoành hành, bà vẫn tằn tiện bữa khoai bữa cháo nuôi chồng, nuôi con. Bà sinh đứa thứ ba cũng là lúc ông xa nhà triền miên, nhà có 5 miệng ăn, bà là lao động chính nhưng chẳng làm được gì nên bữa đói bữa no. Chủ nhà trọ thương tình cho bà bát cơm, nhìn đàn con đói khát bà lại nhường tất cả cho con… Những khi con ốm, bà lại chạy đôn chạy đáo khắp nơi chạy chữa cho con. Vất vả là thế nhưng bà không hề kêu ca phàn nàn, vẫn động viên chồng yên tâm công tác.

Thứ trưởng Viễn Chi (người ngồi giữa) và gia đình.

Năm 1956, bà theo chồng ra Hà Nội làm việc tại Văn phòng Bộ Công an với một nguyện vọng là gần ông, tạo điều kiện giúp ông để ông yên tâm công tác. Với bà như vậy là quá đủ của một người vợ, người mẹ. Bà từng thao thức không ngủ mỗi khi ông hoạt động trong lòng địch, những năm tháng tham gia chiến dịch đầy chông gai lửa đạn để tham gia đoàn quân giải phóng miền Nam… Ông vẫn yên tâm hoàn thành nhiệm vụ vì ông tin rằng là đã có bà ở nhà, các con ông vẫn được chăm lo chu đáo. Bà luôn là hậu phương vững chắc trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Và, ông dặn các con: “Từ khi lấy mẹ con, bố bận đi công tác xa, ít có thời gian ở nhà. Vì vậy, người có công đầu trong việc nuôi nấng và dạy đỗ các con là mẹ. Các con phải chăm sóc mẹ chu đáo trong những lúc ốm đau, trái gió trở trời”. Trong suốt hơn hai mươi năm làm công tác giữ trẻ tại Văn phòng Bộ Công an, bà đã trông nom con các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Cục, Vụ và cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an, coi chúng như con đẻ của mình dù ở Hà Nội hay đi sơ tán để bố mẹ chúng yên tâm công tác. Trong số đó có những người sẵn sàng vào hoạt động trong lòng địch và lập nhiều chiến công, là lãnh đạo các cấp trong lực lượng Công an. Với những thành tích ấy, bà đã được Bộ Công an tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Là vợ của một đồng chí Thứ trưởng hơn hai mươi năm, bà luôn giữ cho ông trong sạch, đảm bảo uy tín với cấp trên và lòng tin với cấp dưới. Các con bà nay đã trưởng thành, đều là cán bộ viên chức Nhà nước, đều là cán bộ cấp cục, cấp phòng. Họ đã có gia đình hạnh phúc. Trước khi từ giã cõi đời, ông đã gọi các con lại và tặng cho mỗi người một quyển thơ do ông viết và nói rằng cuộc đời ông không có tài sản gì đáng giá. Ông chỉ có tập thơ nhỏ để tặng cho người thân và các bạn yêu thơ của ông. Trong bài “Tâm sự” ông viết: “Nay đã đi qua một chặng đường/tấm lòng thanh thản, nhẹ hành trang/Ước như ai đó, cày xong ruộng/ nằm khểnh bên trâu, hóng gió đàn!...”. Nhưng với các con ông, họ hiểu rằng, ông bà đã để lại cho họ một tài sản vô giá trong cuộc sống con người, là sự thủy chung, đức độ, chí công vô tư… và suốt đời tận tụy với công việc

K.Q.
.
.