Đánh án như lính hình sự Quảng Trị

Thứ Hai, 29/12/2008, 22:34
Có vụ án, hung thủ khi phạm tội "vô tình" để lại một số dấu vết nhất định đủ giúp những người lính hình sự biết rằng chúng đang ở rất gần. Có những vụ, chẳng còn sót lại dấu tích gì. Và có những vụ, chúng cao chạy xa bay, tìm trăm phương nghìn kế thoát thân.

Từ chuyện truy tìm chiếc xe mang BKS 69K-4107

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Hải Lăng (Quảng Trị) đã cướp đi sinh mạng 16 người, 49 người bị thương và 2 xe ôtô chỉ còn là một đống sắt vụn.

Một con đường dài nối Quảng Trị với Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và những khó khăn lẫn những bất ngờ đã không làm nản chí những người lính hình sự truy tìm thủ phạm.

Qua các biện pháp nghiệp vụ, đã phát hiện xe BKS 69K-4107 là biển số của một chiếc xe có liên quan đến vụ "cơm tù" xảy ra tại Bình Thuận trước đó, vì vậy các điều tra viên nhanh chóng lên đường đến Vũng Tàu.

Tại đây, sau 2 ngày tìm một nhân chứng liên quan đến chiếc xe này, tổ công tác quay trở lại TP Hồ Chí Minh để xác minh nguồn gốc và giấy phép lái xe mang tên Phan Tấn Cang (lái xe 69K - 4107), đồng thời xác minh biển số của xe 53N - 0722 và sổ kiểm định được phát hiện trên xe 69K-4107.

Lại vội vã xuống Cà Mau Cần Thơ rồi đến rất nhiều cơ quan liên quan để xác định sổ nhật trình chạy xe và sổ đăng kiểm xe 69K-4107, cơ quan Công an phát hiện chúng có liên quan đến rất nhiều xe khác và là giấy tờ được làm giả khá tinh vi. Lại một tuần lễ nữa dọc ngang Cà Mau xác minh thông tin.

Lần theo các kết quả xác minh, với những ngày đeo bám, theo đuổi rất nhiều khó khăn mà ngay cả bản thân những người lính hình sự cũng khó thể diễn tả lại được, các anh đã tìm ra địa chỉ tá túc của Lê Văn Lực ở ấp 2A Tân Thuận, Châu Thuận A (Hậu Giang).

Vậy nhưng, không bắt được đối tượng ngay. Một điều tra viên nhớ lại: "Từ Công an huyện Châu Thuận A, đến nhà Lê Văn Lực bằng xe ôm 15km. Khi đến nơi thì Lực đang trên đường bỏ trốn. Để tìm Lực, chúng tôi phải nhờ người dân địa phương dùng ghe truy đuổi hơn 30 cây số đường thủy. Khi Lê Văn Lực tra tay vào còng chúng tôi mới kịp thở phào".

Được biết thêm 69K-4107 là chiếc xe đã bán phế liệu, với số khung của xe 65M-0904; số máy của xe 65M-0450 và biển số 69K-4107 cùng một loạt giấy tờ được làm giả để "khai sinh" trở lại và chạy "ngon" trên đường Bắc - Nam 5 tháng ròng, đến ngày gây tai nạn.

Đến chuyện chiếc xe tải 75H-1599 và 15 tấn cà phê

Sau khi nhận thông tin Võ Đại Ngọc cùng chiếc xe tải 75H - 1599 và 15 tấn cà phê của Công ty TNHH Thái Hoà "không cánh mà bay", Cảnh sát hình sự Công an Quảng Trị nhanh chóng vào cuộc.

Lần theo địa chỉ của người có tên là Võ Đại Ngọc, các điều tra viên đã xác minh chính xác nơi thường trú của người này trước đây ở Lộc Bổn, Phú Lộc, hiện đang sinh sống ở Nam Đông - Thừa Thiên - Huế. Lên Nam Đông, anh Ngọc cho biết, mình có người em kết nghĩa, trước đây sống lang thang ở các bến xe, được gia đình cưu mang và cho đi học lái xe, lại được cha anh đặt tên là Võ Đại Ngọc (giống tên anh) nhưng hiện ở Lộc Sơn, Phú Lộc, cùng một số thông tin liên quan. Những manh mối này đã giúp các điều tra viên có thể xác định rõ một số địa chỉ và mối quan hệ của đối tượng cần tìm.

Từ đứa con trai 3 tuổi tên là Võ Trần Ai, được Ngọc gửi chăm sóc tại An Cựu (Huế) nên các điều tra viên được biết, Ngọc đã thuê một người đàn ông đưa đứa bé vào phía Nam đèo Hải Vân theo kế hoạch chạy trốn đã được sắp sẵn. Khá vất vả các điều tra viên mới tìm ra người đàn ông này và được ông ta cho biết thông tin về chiếc xe mà cha con Ngọc đi vào Nam.

Xâu chuỗi các thông tin, các anh xác định, sau khi bán 15 tấn cà phê cùng chiếc xe ôtô tải 75H-1599, Ngọc mua 17 cây vàng SJC, số tiền còn lại trên 100 triệu đồng hắn dùng để tiêu xài và làm lộ phí cho những chuyến rong ruổi Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội.

Bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ trong đó cả việc sử dụng phương pháp kỹ thuật hiện đại, cơ quan Công an đã xác định được cha con Ngọc đang trú chân tại Hòn Khoai (Nha Trang). Nhờ quần chúng nhân dân cung cấp thêm một số thông tin, các điều tra viên lại bắt đầu việc truy tìm Ngọc từ nhà trọ đầu tiên.

Vào một buổi sáng cuối tháng 9 năm 2006, tại bến xe Hòn Khoai, cha con Võ Đại Ngọc xuất hiện… đã chấm dứt thời gian gần 1 tháng trời gian nan của các điều tra viên truy tìm thủ phạm của vụ án "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Và phá án ngày 30 Tết

Ấy là một đêm cuối năm âm lịch 2004. Chỉ còn 2 ngày nữa hết năm cũ. Cái Tết đã bắt đầu bước chân vào thềm nhà. Mọi người đang háo hức chuẩn bị đón tết thì trực ban hình sự nhận tin báo có vụ án mạng xảy ra tại Cam Thủy, Cam Lộ.

Lệnh triệu tập tổ công tác chuẩn bị lên đường phối hợp với Công an phá án. Tết sắp đến rồi, chưa ai giúp được gì cho vợ con, ít nhất cũng là việc dọn dẹp sắp xếp lại nhà cửa, mua cành đào, cành mai cho cái tết có không khí… Nhưng mệnh lệnh đã ban.

Cũng ngay trong đêm, các điều tra viên đã xác định Trần Việt Dũng là đối tượng chính gây án, nên các anh phối hợp với Công an và dân quân địa phương tổ chức chốt chặn, nhằm ngăn chặn sự tẩu thoát của đối tượng, đồng thời nhận định Dũng có thể liên lạc với gia đình chuẩn bị tiền trốn chạy. Vì vậy, các anh tìm mọi cách vận động người mẹ kêu gọi con mình ra đầu thú. Sau 5 tiếng đồng hồ kiên trì thuyết phục có lý có tình của các điều tra viên, người mẹ đồng ý.

Từ 10h sáng cho đến 16h chiều 29 tháng Chạp, các điều tra viên cùng mẹ và những người thân của Dũng lội bộ khắp quả đồi, để tìm gọi Dũng. Quả đồi rộng vài chục hécta với nhiều cây cối cùng với nắng quái làm cho tất cả kiệt sức. Lúc tưởng như không còn đi nổi, người mẹ có duy nhất đứa con trai này sực nhớ con mình có một người quen ở Gio Bình - Gio Linh. Vậy là bà lại cùng tổ công tác tiếp tục băng đồi. Trời tối dần, không thể bắt được Dũng trong tình thế như vậy nên các điều tra viên cùng người mẹ quay lại nhà người quen của Dũng vận động họ động viên Dũng tự thú.

Có thể vì tiếng gọi lạc giọng của người mẹ suốt ngày cuối năm ấy cùng những lời động viên chân thành của mọi người đã giúp Dũng hồi tâm để đến tự thú tại cơ quan Công an vào sáng 30 Tết.

Lời kết

Đó chỉ là 3 trong rất nhiều câu chuyện phá án mà chúng tôi nghe lính hình sự kể lại. Và chúng tôi ghi lại những câu chuyện ấy, những con đường đầy gian nan ấy của các anh với mong muốn được sẻ chia.

Để trong những mái ấm đón mùa xuân về bình yên hôm nay chúng ta hiểu hơn về những người lính hình sự, đã cùng với lực lượng Công an nói chung "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của chính mình"

Khánh Hà
.
.