“Đại sứ cắm bản” trên cao nguyên đá

Thứ Tư, 17/02/2010, 08:39
Bỏ lại gia đình dưới xuôi hàng chục năm đã gắn bó cuộc đời mình với những làng bản heo hút trên miền cao nguyên đá, những cán bộ Công an cắm bản Công an huyện Đồng Văn - Hà Giang được đồng đội, bà con làng bản ví như những "đại sứ" của lực lượng Công an nơi miền cao nguyên đá trùng điệp. Có những người lên đây từ thời còn trai trẻ, giờ đây mái đầu đã lốm đốm bạc.

Có những cặp  vợ chồng "Ngưu Lang Chức Nữ"

Chúng tôi lên Đồng Văn dịp cuối năm. Chiếc U oát đưa chúng tôi đi nhiều lúc nhảy lên rồi lắc nghiêng ngả trên sườn núi đá tai mèo lởm chởm sắc lạnh. Trụ sở Công an huyện Đồng Văn hôm nay đông hơn thường lệ. Gần hai chục "đại sứ cắm bản" (theo cách gọi của Thượng tá Hoàng Văn Giai, Trưởng Công an huyện Đồng Văn) về đây họp định kỳ.

Thượng tá Hoàng Văn Giai giải thích rằng, gọi những cán bộ Công an là "đại sứ" bởi không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT mà anh em còn tham gia hầu hết các mặt công tác của địa phương. Đồng thời là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách về với bà con dân bản. Trụ sở Công an huyện còn chật chội nên mỗi lần về họp, tối anh em phải ngủ ghép.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan trụ sở, Thượng tá Hoàng Văn Giai tâm sự: "Sắp tới có khi phải làm giường tầng để anh em về còn có chỗ ngủ. Anh em đi xa cả tháng vất vả, mỗi tháng về hội họp một hai ngày không có chỗ ăn ngủ mình cũng áy náy".

"Về huyện thế này là ổn lắm rồi, những ngày ở dưới bản còn vất vả hơn", Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Anh kể, tính đến nay anh đã lên Đồng Văn và đảm nhận nhiệm vụ cắm bản được 8 năm rồi.

Đầu tiên phụ trách cụm Phố Bảng, năm ngoái đi xã Lũng Táo và đầu năm nay lại quay về Phố Bảng. Phố Bảng là thị trấn nên có thuận lợi hơn với các xã khác. Tuy nhiên đây là địa bàn có nhiều người dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó gồm có người Mông, người Hoa và người Kinh.

Phố Bảng cũng là địa danh có nhiều khách du lịch thường xuyên qua lại nên công việc khá vất vả. Do làm tốt công tác quản lý địa bàn, so với nhiều năm trước bây giờ các vụ việc về ANTT tại khu vực này giảm hẳn. Phụ trách địa bàn thì coi như người của dân bản. Đặc biệt là đối với những địa bàn vùng cao, trình độ dân trí còn hạn chế nên từ vụ việc đơn giản đến phức tạp người dân đều tìm đến cán bộ Công an để giải quyết.

Cán bộ Công an tỉnh Hà Giang thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi nhân dân.

Chồng "cắm bản" vợ cũng là giáo viên đang "cắm bản" ở Lũng Táo cách đấy hàng chục kilômét. Vợ chồng mỗi người một nơi, nên con năm nay 5 tuổi đang phải gửi nhờ ông anh ở Phú Thọ chăm sóc.

"Hồi cháu được 3 tuổi, vợ chồng em phải mang con về quê gửi bác chăm vì ở đây không có điều kiện. Cháu xa bố mẹ cũng nhớ lắm nhưng đành chịu. Mỗi năm, nhiều lắm thì tranh thủ hai lần về thăm cháu vào dịp hè và Tết, nhiều khi chỉ có mẹ cháu về được thôi”. Hỏi chuyện đón Tết, anh cười: “Ngày Tết cũng là những ngày bọn em vất vả hơn vì phải tăng cường công tác đảm bảo ANTT nên thường xuyên phải bám địa bàn trực Tết”. Năm có điều kiện thì vợ anh về quê mang cháu lên trạm để đón Tết cùng với bố.

Hàng chục năm "ba cùng" với người dân ở những địa bàn đi cả ngày đường chưa tới, điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại rất khó khăn nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai thở than vất vả. Như Đại úy Hoàng Thế Di, phụ trách xã Hố Quáng Phìn - cách trung tâm thị trấn Đồng Văn tới 51km. Đây cũng là xã xa nhất của Đồng Văn, đường đi thì cực kỳ khó khăn. Từ trung tâm xã muốn đến bản xa nhất cũng phải mất khoảng 6km đường đồi núi.

Anh Di cho biết xã Hố Quáng Phìn có hơn 500 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Trong đó trên 90% là người Mông. Để làm tốt công việc thì phải vận động quần chúng, muốn làm việc thì mình phải gần dân. Cái khó khăn ở đây chính là ngôn ngữ, mình phải học tiếng dân tộc. Tiếng phổ thông bà con chưa biết được. Số lượng nói được tiếng Kinh thì ít, chỉ có cán bộ thôn bản, xã và học sinh mới biết. Dần dần, mình phải học tiếng của bà con để còn gần dân hơn. Về xã cán bộ cắm bản ăn ngủ luôn ở phòng làm việc tại UBND xã.

Hằng ngày xuống từng xóm vận động bà con làm ăn, tuân thủ pháp luật. Nếu như một số địa bàn khác đã có hồ treo để lấy nước thì Hố Quáng Phìn cũng chưa có. Mỗi xóm chỉ có duy nhất 1 bể đựng nước mưa. Tất tật nước ăn uống, tắm giặt đều trông hết vào đó nên rất thiếu nước. Chủ yếu là dành nước nấu nướng còn sinh hoạt thì rất hạn chế. Mỗi lần muốn sử dụng lại phải lọc đi lọc lại bằng những biện pháp thủ công. Sóng điện thoại chưa có.

Giống như nhiều đồng đội khác, vợ con anh cũng đều ở xa mãi dưới huyện Bắc Quang, cách gần 200km. Đây là Tết đầu tiên anh nhận nhiệm vụ ở xã Hố Quáng Phìn nên phải ở lại để trực Tết ngay tại địa bàn. Tết ở bản anh em cũng cố gắng để tạo niềm vui. Từng cụm xã sẽ được tập trung về một mối. Từ 25-26 Tết anh em sẽ tập trung về cụm. Chế độ trực Tết thì đơn vị lo. Hằng ngày cắt cử anh em xuống từng bản. Dịp Tết những vụ việc lớn không xảy ra nhưng các anh lại phải vất vả nhiều hơn với những vụ việc lặt vặt như uống rượu say, gây rối trật tự công cộng…

Khúc quân hành lặng lẽ trên đá

Kỷ lục về thâm niên cắm bản lâu nhất ở đây thuộc về Trung tá Đồng Đức Đáng, Đội trưởng Công an phụ trách xã, Công an huyện Đồng Văn. Tính đến nay anh đã lên đây được 23 năm rồi. Cắm bản từ những năm 1986, hồi đó vất vả, khó khăn và cả phức tạp gấp nhiều lần bây giờ.

Thời điểm ở các xã lúc đấy không được như bây giờ. Không có đường, chẳng có điện. Phương tiện duy nhất là… cuốc bộ. Ăn ở cùng dân bản. Mỗi tháng chỉ ra huyện báo cáo 1 lần và cõng lương thực, thực phẩm lấy từ huyện về dành ăn một tháng. Tất tần tật sinh hoạt cùng với UBND xã và thức ăn chủ yếu cũng là… ngô. "Mỗi lần đi bộ khoảng hơn 30km.

Từ sáng sớm đến trưa mới đến được đơn vị. Và họp xong là tôi lại đi bộ về. Nhiều lúc vào cả Lũng Cú cũng phải lóc cóc như thế". Để lại người vợ trẻ, con thơ ở mãi Phú Thọ, lên Đồng Văn khi tóc còn xanh, giờ đây anh đã lốm đốm đầu bạc. Anh bảo còn một năm anh đến tuổi về hưu rồi. Lúc ấy sẽ về dưới quê sum họp và dành thời gian cho vợ, con. Lương tháng vài triệu đồng nhưng hằng ngày ăn ở cùng với bà con, anh em cán bộ xã còn nhiều khó khăn, cũng như những anh em khác, nhiều lúc anh cũng phải san sẻ phần lương thực của mình cho cán bộ địa phương, dân bản. Mỗi năm tranh thủ về quê được một lần, có khi có tháng chẳng gửi về được đồng nào đỡ đần vợ. Anh bảo nếu không có được vợ đảm đang, vững chắc ở quê để lo toan mọi việc, chắc chẳng thể nào yên tâm công tác. 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đáng nhắc vanh vách từ cán bộ Công an cắm bản dưới quyền mình phụ trách. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng rất nhiều người vẫn còn khó khăn vất vả. Hoàn cảnh chồng một nơi, vợ một nơi còn con cái gửi hết về quê đó là chuyện thường tình ở đây. Mỗi tháng về huyện một lần họp giao ban, nhiều người còn chẳng có xe máy nên còn phải lội bộ ra quốc lộ bắt xe khách họp xong lại đón xe về.

Đồng Văn có 19 xã, thị trấn. Những năm trước đủ lực lượng bố trí kín địa bàn nhưng đến đầu năm nay lại thiếu biên chế vì 3 anh chuyển vùng, 4 anh đi học tại chức. Khối lượng công việc vì vậy mà nhiều hơn, vất vả hơn. Điểm khác biệt so với những vùng khác đó chính là ở vùng cao Đồng Văn có nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ khác nhau nên đã là cán bộ cắm bản thì phải biết tiếng đồng bào. Không học được tiếng thì khó làm việc. Do đặc điểm trình độ dân trí còn thấp nên đội ngũ Công an các xã cũng còn hạn chế nhiều mặt. Tất tần tật công việc dồn hết lên đôi vai anh Công an cắm bản.

Anh Đáng kể, nhớ lại hồi đó, mỗi tháng phải đi bộ mấy chục kilômét ra huyện họp giờ có tuổi rồi cũng cảm thấy oải. Đi bộ 1 mình, ngủ 1 mình ở trụ sở. Hồi đó cán bộ UBND xã có khi hàng tuần mới lên trụ sở một lần. Làm gì có điện và cũng chẳng có tivi, điện thoại. Một số xã hiện nay, có một số bản chưa có điện. Tất cả những cái xảy ra nhỏ nhất từ mâu thuẫn tranh chấp, vợ chồng, người ta đều gọi mình cả. Thời kỳ đầu vào xã không biết tiếng nên phải nhờ Công an xã làm phiên dịch. "Nếu mà nói phụ trách xã thì tôi có thâm niên nhất, song nói về phụ trách trực tiếp xã thì có đồng chí thâm niên còn nhiều hơn cả tôi. Có đồng chí mười mấy năm nằm ở xã rồi vì không có người để đổi".

Ngay địa bàn huyện Đồng Văn này thì có 4 đồng chí người địa phương. Còn đâu anh em đều ở các Bắc Quang (Hà Giang) hay Phú Thọ, Tuyên Quang... Việc đột xuất thì vẫn được lãnh đạo đơn vị cho nghỉ. Ở các xã, nếu không có Công an phụ trách xã là rất khó khăn, xã nào cũng đề nghị huyện tăng cường cho Công an cắm bản, nhưng có những thời điểm như hiện tại vẫn chưa đủ quân số.  Phụ trách xã thì tiêu chí nhất định phải là cán bộ, đảng viên để còn tham gia, đảm nhận các phần việc khác ở cơ sở. Nếu mình xuống đấy mà không tham mưu được cho chính quyền thì cũng bằng không…

Hỏi chuyện chuẩn bị đón Tết cho anh em cắm bản, anh Đáng cho biết: Theo yêu cầu thì phải trực 70% quân số Công an phụ trách xã chứ không được nghỉ Tết. Vào các thời điểm Tết, Công an huyện thành lập các cụm. Ăn ở sinh hoạt cùng nhau để hỗ trợ công việc luôn. Tết xong, các đội nghiệp vụ tăng cường và các anh được nghỉ bù (mồng 8/10) thì mới được về.

Vừa xoa xoa tay hít hà cơn gió rét dịu ngọt chiều biên giới, anh Đáng cười: "Những ai có gia đình thì cũng buồn hơn. Có năm vợ một số anh em xung phong lên các cụm này ăn Tết với chồng. Còn như tôi, bà xã chưa lên lần nào vì bà nhà tôi đi xe dễ say lắm". Chúng tôi hiểu và chia sẻ với các anh, những người biết hi sinh những riêng tư, lặng lẽ viết tên mình lên đá núi để sự bình yên về với mỗi người dân nơi đây

Xuân Luận - Trần Huy
.
.