Người cán bộ Công an Tây Bắc hai lần được gặp Bác Hồ

Thứ Hai, 12/03/2018, 09:21
Đại tá Giàng Páo Ly, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là cán bộ Công an duy nhất các tỉnh Tây Bắc vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Sau này, trên bước đường công tác, hình ảnh Bác Hồ đã tiếp thêm sức mạnh giúp ông và đồng đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi vùng đất hiểm cực Tây Bắc Tổ quốc.

Đang bắt đầu vào Xuân, hoa ban bắt đầu khoe sắc nhuộm trắng các cánh rừng, nhưng dịp này cũng bắt đầu thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa khô Tây Bắc. Cánh đồng Mường Thanh phải hứng những cơn gió phơn Tây Nam (gió Lào) mang theo hơi nóng sực thổi đến sém cây trụi lá.

Chúng tôi ngồi trò chuyện với Thượng tá Giàng Páo Sính, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên ngay tại trụ sở. Anh không khỏi bồi hồi xúc động khi chúng tôi hỏi lại câu chuyện về cha anh – Đại tá Giàng Páo Ly, nguyên Chính ủy CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Lai Châu, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Ông là cán bộ Công an duy nhất các tỉnh Tây Bắc vinh dự được hai lần trực tiếp gặp và được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ…  

Sinh thời, Đại tá Giàng Páo Ly từng lập công xuất sắc trong việc giải quyết các vụ xưng vua nổi phỉ ở Bình Lư, Pu Sam Cáp thuộc huyện Phong Thổ hồi cuối năm 1953, đầu năm 1954. Sau này, chính Đại tá Giàng Páo Ly là một trong những người đầu tiên xây dựng kế hoạch và tham gia “đánh” tà đạo Vàng Chứ ở Lai Châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng chí Giàng Páo Ly - một đại biểu trong Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1961. Ảnh: TL.

Năm 1987, Vàng Chứ xuất hiện đầu tiên ở xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên (nay thuộc huyện Điện Biên Đông), do đối tượng Hạng Chú Vá cầm đầu. Đây là một thứ tà đạo rất quái gở, nó kêu gọi người dân tộc Mông không lao động sản xuất, không thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tụ tập cúng bái chờ ngày lên thiên đàng!? Giàng Páo Ly đã cùng đồng đội cảm hóa thành công được Hạng Chu Vá, sau đó vận động hàng ngàn người nhẹ dạ, cả tin theo Vàng Chứ quay về với phong tục tập quán của dân tộc.

Theo lời Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Đại tá Giàng Páo Ly là một nhà lãnh đạo tiền bối của Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Ông sinh năm 1936, mất năm 1998 khi đang giữ cương vị Phó giám đốc Công an tỉnh. Ở cương vị công tác nào Đại tá Giàng Páo Ly cũng ghi dấu ấn là một người chỉ huy có tâm, có tầm, mưu trí, quyết đoán trong chỉ đạo nghiệp vụ.

Mọi người ngưỡng mộ ông nhất là với tư cách một bậc thầy về công tác dân vận và công tác phong trào ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi còn sống, ông vẫn đúc kết: “Học Bác cả đấy! Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Câu nói ấy giản dị biết chừng nào nhưng không phải ai cũng làm được…

Hồi Đại tá Giàng Páo Ly còn sống, mỗi lần hồi tưởng kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ, ông lại rưng rưng xúc động. Ông kể lại, lần đầu tiên được gặp Bác là vào năm 1961. Hồi đó, ông đang là Chuẩn úy, công tác ở Ban chỉ huy CAND vũ trang Lai Châu. Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, Giàng Páo Ly được về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng chiến sĩ thi đua toàn lực lượng.

Trong thời gian này, một vinh dự lớn nữa đã đến với ông khi có mặt trong đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh CAND vũ trang dự Hội nghị Chính trị đặc biệt và báo cáo thành tích với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với Giàng Páo Ly, một người con của núi rừng Tây Bắc, việc được gặp Bác làm ông vô cùng sung sướng và tự hào. Nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh, ông vô cùng phấn khởi, chỉ mong chóng đến ngày lên gặp Bác. Ngày mong đợi đã đến, Giàng Páo Ly đi cùng các đồng chí ở Bộ Tư lệnh CAND vũ trang vào dự hội nghị mà lòng xốn xang.

Lúc Bác vừa xuất hiện, hàng ngàn cặp mắt chăm chú đổ dồn về phía đoàn chủ tịch. Cả hội trường vang dậy những tiếng hô: "Hồ Chủ tịch muôn năm!", "Bác Hồ muôn năm!". Giàng Páo Ly đứng lặng nhìn Bác, vỗ tay mà nước mắt cứ trào ra. Hội nghị làm việc trong hai ngày. Bác ngồi giữa dãy Chủ tịch đoàn, hiền từ nhìn các đại biểu và lắng nghe báo cáo của các đoàn. Ngày thứ hai, sau báo cáo của đại biểu tỉnh Hòa Bình, Giàng Páo Ly được chỉ định lên báo cáo.

Đại tá Giàng Páo Ly (người đội mũ) tháp tùng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Đông (thứ năm từ phải sang) trong chuyến công tác tại Lai Châu. Ảnh: TL.

Khi ấy Giàng Páo Ly rất lo, vì từ trước tới giờ ông chưa hề  được báo cáo ở hội nghị lớn như thế này. Mặc dù được các đồng chí lãnh đạo giúp đỡ, bản thân ông cố gắng chuẩn bị cho tốt để lên báo cáo, thế nhưng khi lên trước bục, đứng trước Bác, ông lại lúng ta lúng túng, có đoạn phải ngập ngừng mất một lúc. Báo cáo xong mà mồ hôi vã ra như tắm.

Ông thấy Bác gật đầu hài lòng, các đại biểu vỗ tay hoan nghênh. Hội nghị làm việc đến 16h ngày thứ hai thì bế mạc, Bác tuyên bố: "Mời các đại biểu nghỉ ngơi nửa giờ, sau đó sẽ có tiệc trà để đại biểu cùng vui với Bác".

Gần đến giờ liên hoan, có một đồng chí đi tìm và đưa Giàng Páo Ly lên buồng số 9, tầng 2 Hội trường Ba Đình. Bác đang ngồi tiếp chuyện đại biểu các tỉnh Thái Bình và Hòa Bình, cạnh bên là đồng chí Tố Hữu và mấy cán bộ bảo vệ. Bác ân cần hỏi: "Chú ở tỉnh Lai Châu phải không?".

Giàng Páo Ly đứng nghiêm, báo cáo: "Thưa Bác, cháu ở CAND vũ trang Lai Châu, cháu tên là Giàng Páo Ly, dân tộc Mèo (Mông) ạ!". Bác vẫy tay bảo Páo Ly đến gần, rồi kéo tay ông ngồi xuống bên Bác. Mọi người vừa ăn bánh kẹo vừa nghe Bác nói chuyện. Bác cầm hai quả chuối, một chiếc bánh ngọt đưa cho Giàng Páo Ly. Bác bảo: "Chú ăn đi chứ!". Rồi Bác hỏi: "Tình hình công tác của CAND vũ trang Lai Châu như thế nào?".

Giàng Páo Ly lúng túng. May sao có đồng chí Tố Hữu đứng gần, đỡ lời: "Thưa Bác, cháu được biết các cán bộ và chiến sĩ CAND vũ trang Lai Châu ngày đêm bảo vệ biên giới rất vất vả gian khổ. Nhưng anh em luôn nêu cao tinh thần đoàn kết xuôi ngược, đoàn kết quân dân, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh để bảo vệ an toàn biên giới, bảo vệ cuộc sống tươi vui cho đồng bào các dân tộc…".

Nghe xong, Bác ôn tồn nói giọng ấm áp như một người cha: "Chú về cho Bác gửi lời hỏi thăm sức khỏe tới cán bộ, chiến sĩ CAND vũ trang và toàn thể nhân dân các dân tộc Lai Châu. Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ mong Công an và nhân dân Lai Châu tiếp tục lập nhiều thành tích mới, có dịp Bác sẽ lên thăm".

Giàng Páo Ly xúc động xin hứa với Bác khi về sẽ truyền đạt lời thăm hỏi ân cần của Bác tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an Lai Châu và quyết tâm sẽ thực hiện tốt lời dạy bảo của Bác. Ở hội nghị về, anh được các đồng chí trong Đảng ủy - Ban Giám đốc Ty Công an cử xuống các đơn vị nói chuyện với anh em về lần gặp Bác Hồ và được Bác giao nhiệm vụ. Mọi người đều phấn khởi và quyết tâm phấn đấu giành nhiều thành tích để đón Bác lên thăm.

Tháng 3-1967, Giàng Páo Ly khi đó đang là thành viên trong đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu đi thăm và học tập kinh nghiệm ở tỉnh Lạng Sơn. Trên đường về qua Hà Nội, đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện. Giàng Páo Ly (lúc này đeo quân hàm Thiếu úy) lại vinh dự được gặp Bác lần thứ hai. Thật lạ lùng là giữa muôn vàn công việc trọng đại của đất nước, nhưng Bác vẫn nhận ra chàng sĩ quan trẻ của núi rừng Tây Bắc.

Nghe Bác hỏi thăm, Páo Ly xúc động đến trào nước mắt. Trong buổi gặp ngắn ngủi và tràn đầy hạnh phúc đó, Giàng Páo Ly cũng được Bác chỉ định phát biểu. Ông và mọi người trong đoàn hứa với Bác là quân và dân Lai Châu sẽ làm tất cả để góp phần đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ và xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp...

Bác Hồ đã không kịp lên thăm Lai Châu. Công việc bề bộn của đất nước đã chiếm hết thời gian của Bác cho đến tận ngày Bác về "thế giới người hiền". Rất nhiều năm sau, mỗi lần hồi tưởng kỷ niệm ngày được gặp Bác, trái tim vị Đại tá già lại bồi hồi xúc động.

Cử chỉ ân cần và những lời căn dặn của Bác là động lực mạnh mẽ, giúp Giàng Páo Ly và đồng đội của ông đạp bằng mọi gian nan thử thách, lập công xuất sắc nơi tuyến đầu đất hiểm cực Tây Bắc của Tổ quốc.

Vũ Mạnh Hà
.
.