Gặp lại người tham gia đợt rèn cán, chỉnh quân năm 1948

Thứ Ba, 13/03/2018, 09:19
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu 12 để chỉ ra Sáu điều về tư cách người Công an cách mạng (11-3-1948 – 11-3-2018), chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Trần Đình Côn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, người vinh dự được tham gia đợt rèn cán, chỉnh quân học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND của Công an Thanh Hóa tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn ngày 19-5-1948…

Bên ấm trà nóng, Đại tá Trần Đình Côn tâm sự: Hơn 40 năm trong lực lượng CAND là quãng thời gian để ông rèn luyện bản thân và cũng là quãng thời gian ông chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của lực lượng CAND. Một trong những sự kiện đã trở thành dấu ấn quan trọng  trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, đó là cách đây vừa tròn 70 năm, Công an Thanh Hóa - đơn vị đầu tiên trong lực lượng Công an cả nước tổ chức dựng trại tại Rừng Thông – Đông Sơn mở đợt sinh hoạt chính trị tổng kiểm thảo theo Sáu điều Bác Hồ dạy; dịp đó ông là một trong những người vinh dự được tham gia đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này. Tinh thần và giá trị của sự kiện ấy được ông truyền dạy cho nhiều lớp thế hệ Công an sau này.

Khi điều kiện sức khỏe cho phép, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tháng 5, Đại tá Trần Đình Côn lại dành thời gian để thăm lại khu vực Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn để chiêm nghiệm lại những việc mình đã chứng kiến và trực tiếp tham gia. Dưới chân tượng đài Bác, ông tự hào kể với thế hệ cán bộ chiến sỹ hôm nay về những gì mà thế hệ của ông đã làm được.

Công an Thanh Hóa chia thành 6 trại, tượng trưng cho Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại rừng Thông, Đông Sơn (năm 1948).

Trong khói lửa chiến tranh cũng như trong thời bình, những người lính cùng thế hệ với ông Côn đều coi những lời dạy của Bác Hồ như một niềm tin sắt đá, giúp họ vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Rừng Thông bây giờ không còn giống như Rừng Thông cách đây 70 năm về trước; quá trình phát triển kinh tế của địa phương đã làm thay đổi khá nhiều diện mạo ban đầu của khu vực, thế nhưng với ông Côn, dù có thay đổi bao nhiêu thì ký ức về Rừng Thông, về lần đầu tiên được vinh dự  tham gia sinh hoạt chính trị, học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND tháng 5-1948 vẫn mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức.

Mỗi lần về lại Rừng Thông, ông Côn như nhìn thấy những hình ảnh xưa cũ năm nào, vẫn còn cây đa - nơi ông và những đồng đội ngồi học tập 6 điều Bác Hồ dạy trong những ngày đầu quân ngũ. Và mỗi lần như thế, cảm xúc lại dâng trào, tưởng như sự việc vừa mới hôm qua, hôm kia thôi vậy….

Mặc dù đã ở tuổi 90 nhưng Đại tá Trần Đình Côn hiện vẫn còn minh mẫn. Ông nhớ lại: Tháng 3-1948, trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu 12, Bác Hồ nêu Sáu điều về tư cách của người Công an cách mạng. Ngay sau đó, đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương đã quyết định toàn lực lượng học tập và làm theo Sáu điều dạy của Bác.

Tháng 5-1948, Công an tỉnh Thanh Hóa là đơn vị đầu tiên trong Công an cả nước đã triển khai thực hiện phong trào này với cách làm sáng tạo. Lãnh đạo Ty Công an Thanh Hóa đã quyết định lấy địa điểm núi Rừng Thông, huyện Đông Sơn, nơi mà trước đó tháng 2-1947 Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, nói chuyện với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh ở đây và chọn đúng ngày sinh nhật Bác 19-5 để tổ chức dựng trại, mỗi trại gắn với một điều dạy của Bác để mở đợt sinh hoạt chính trị tổng kiểm thảo theo Sáu điều Bác Hồ dạy và phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ - Lập chiến công” trong toàn lực lượng Công an Thanh Hóa.

Công an Thanh Hóa chia thành 6 trại, tượng trưng cho Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại rừng Thông, Đông Sơn (năm 1948).

Tuy mới vào lực lượng Công an được 3 năm, vừa tròn 20 tuổi, nhưng trên cương vị là tổ trưởng điều tra của Quận Công an 4 gồm 3 huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung thuộc Ty Công an Thanh Hóa và là đối tượng cảm tình Đảng nên ông Côn được chọn vào đội ngũ cốt cán vinh dự tham gia đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này. Sáng sớm 18-5-1948 ông đi bộ từ Hà Trung lên Rừng Thông để kịp tham gia dựng trại; phân trại của ông được gắn với điều dạy thứ 4 của Bác “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”.

Vào mỗi buổi sáng, phân trại của ông cũng như các phân trại khác đều tổ chức chào cờ, hát quốc ca và tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Sau khi được nghiên cứu, thảo luận về Sáu điều dạy của Bác và điều dạy cụ thể gắn với phân trại của mình nói riêng, từng cán bộ, chiến sĩ trong phân trại phải tự liên hệ, kiểm điểm, chỉ rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và đề ra phương hướng sửa chữa để tập thể phê bình góp ý kiến, sau đó từng cá nhân tiếp thu.

Đại tá Trần Đình Côn ôn lại với cán bộ, chiến sĩ Công an Thanh Hóa kỷ niệm về những ngày rèn cán, chỉnh quân học tập Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại Rừng Thông, Đông Sơn.

Sau 3 ngày dựng trại học tập Sáu điều dạy của Bác Hồ, đội ngũ cán bộ cốt cán đã trở về các đơn vị tiếp tục triển khai đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Từ đó, Đại tá Trần Đình Côn cũng như cán bộ, chiến sĩ đều có một cuốn sổ “tự tu” do Trưởng Ty Công an yêu cầu để tự liên hệ, kiểm điểm quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với CAND.

Hàng ngày sau giờ làm việc, từng cá nhân có ưu, khuyết điểm tự viết vào sổ. Sau đó, hàng tháng, từng đơn vị tập hợp tất cả sổ “tự tu” của cán bộ, chiến sĩ và báo cáo lên lãnh đạo Ty Công an để theo dõi.

 Với mục tiêu phấn đấu học tập theo 4 đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính của Bác Hồ, nên trong suốt đời công tác trong lực lượng Công an, Đại tá Trần Đình Côn đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện và lập nhiều thành tích xuất sắc, nhất là trên lĩnh vực chống gián điệp, phản động. Trong những chiến công của Công an Thanh Hóa đều có sự tham gia và đóng góp của ông như: Vụ lợi dụng tôn giáo “liên tôn - liên minh”; vụ gián điệp Hòn Mê - Ba Làng, vụ bắt gián điệp biệt kích Mỹ ngụy nhảy dù xuống Quan Hóa...

Suốt cả cuộc đời, Đại tá Trần Đình Côn gắn bó với lực lượng Công an, điều ông tâm đắc nhất trong những lời dạy của Bác Hồ chính là tính thanh khiết; một điều mà theo ông thì mỗi CBCS CAND phải kiên trì, bền bỉ tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu suốt cả cuộc đời may ra mới có thể học tập và thực hiện được.

Thái Thanh
.
.