Cuộc trùng phùng sau 40 năm

Thứ Năm, 19/04/2012, 19:03
14 liệt sỹ sẽ mãi nằm ở cánh rừng ven bờ biển thuộc ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang nếu không có ngày, người đồng đội cũ tìm thấy nơi này trên hồ sơ lưu trữ. Rồi sau đó, bằng công nghệ giám định gen, khoa học đã xác định thân nhân của các anh. Chỉ nay mai thôi, các anh sẽ được đưa về nơi chôn rau cắt rốn...

Trả lại tên cho anh bằng công nghệ  giám định gen

Ngày 17/4 tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (gọi tắt là Hội) tổ chức trao kết quả giám định ADN cho gia đình 15 liệt sỹ quê ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa...

Trong số này, có 9 gia đình có thân nhân là liệt sỹ được tìm thấy hài cốt ở ấp Hòn Heo, xã Dương Hòa. Đây là lần thứ 10, sau hơn 1 năm thành lập, Hội phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội đã giám định 143 hài cốt liệt sỹ, trong đó tìm được thân nhân cho 84 liệt sỹ. Hoạt động này ngoài ý nghĩa tri ân các Anh hùng liệt sỹ, còn phần nào làm vơi đi những mất mát của thân nhân các anh trong mấy chục năm qua.

 Đến nhận “Giấy xác nhận kết quả giám định gen hài cốt liệt sỹ”, ông Lã Như Nâng, em trai liệt sỹ Lã Như Tương, quê ở xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình rất hồi hộp. Khi cầm trên tay giấy xác nhận, trong lòng ông trào dâng cảm xúc khó tả. Liệt sỹ Tương gia nhập quân ngũ khi chưa đầy 20 tuổi. Anh hy sinh khi chưa có cho mình một gia đình riêng.

Để tâm tìm phần mộ của anh trai, nhiều năm qua ông Nâng liên tục gửi thư đến các đơn vị Quân đội, và các cơ quan báo chí để nhờ hỗ trợ. Rồi một ngày tình cờ, cậu con trai Lã Như Tùng của ông lên mạng Internet để tra cứu thông tin về các nghĩa trang liệt sỹ. Cơ duyên đến khi Tùng tìm được thông tin về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ. Thế là gia đình ông tìm đến Hội, được hướng dẫn làm các thủ tục...

Nói về duyên may trong hành trình đi tìm hài cốt anh trai mình, ông Nâng còn cho biết, có được kết quả như hôm nay nhờ có sự nhiệt tình của cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết, quê ở tỉnh Thái Nguyên. Ông Quyết là đồng đội cùng đơn vị với liệt sỹ Tương, là người đã gửi thư về cho gia đình ông báo tin nơi an nghỉ của liệt sỹ. Không chỉ vậy, ông Quyết còn là người cung cấp cho gia đình cả sơ đồ mộ chí. Bản thân ông Quyết từng hai lần vào ấp Hòn Heo đi thực địa để xác định vị trí theo mô tả trên sơ đồ mộ chí.

Sau đó, thông tin này được ông Quyết báo về đội quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. Đội quy tập cất bốc được 14 phần mộ. Một số thân nhân xác định được người thân của mình đã đưa về quê nhà an táng, số liệt sỹ còn lại được sự hỗ trợ của Hội, Viện Công nghệ sinh học, Viện Pháp y Quân đội được đưa đi giám định. Kết quả là ngày 17/4, 9 liệt sỹ được xác định có ADN trùng với mẫu thân nhân. Như vậy, những liệt sỹ yên nghỉ hơn 40 năm ở cánh rừng ven biển đã được trả lại tên nhờ nỗ lực của đồng đội, người thân và khoa học công nghệ.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam trao kết quả giám định gen cho thân nhân liệt sỹ.

Người cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội

Trong buổi lễ trao kết quả giám định gen cho thân nhân liệt sỹ ngày 17/4, cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết cẩn trọng trao tặng Hội Danh sách mộ liệt sỹ tại ấp Hòn Heo cho Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ thân nhân liệt sỹ Việt Nam.

Cùng với đó, cựu chiến binh Quyết – cán bộ quân lực Tiểu đoàn 6, Quân đoàn 46, Sư đoàn 1, Quân giải phóng miền Nam còn tỉ mỉ nêu rõ chiến trường mà đơn vị này từng chiến đấu  nhằm giúp thân nhân hiểu hơn về những chiến trường mà liệt sỹ từng đi qua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Quyết cho biết, là cán bộ quân lực nên ông nắm được nhiều thông tin về nhân thân liệt sỹ. Từ năm 2005, sau lần đầu tiên đi tìm mộ đồng đội thành công, ông càng có thêm động lực để đi tiếp. Một lần, ông có dịp tiếp cận hồ sơ lưu giữ của Quân khu 9. Bằng kinh nghiệm của người công tác quân lực, ông biết đây chính là hồ sơ của đơn vị mình và dễ dàng đọc ra những thông tin trong đó. Rồi ông tìm mọi cách liên hệ với thân nhân các liệt sỹ, vào tận Hòn Heo khảo sát, cung cấp thông tin cho đội quy tập liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. Đội quy tập đã thẩm định lại thông tin do ông cung cấp bằng cách tìm kiếm thử và xác định chính xác rồi mới tiến hành quy tập. Không chỉ bỏ công sức, ông còn lấy phần lớn số tiền lương hưu hằng tháng để đi tàu xe vào các chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Trả lại tên cho liệt sỹ bằng công nghệ giám định gen là cách làm khoa học, chính xác, có ý nghĩa nhân văn cao. Để hỗ trợ tốt nhất cho thân nhân liệt sỹ, trong đó có việc tìm phần mộ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam có địa chỉ tại số 1 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại 069.579.081 là nơi tiếp nhận mọi thông tin. Chúng tôi cũng mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa liệt sỹ được tìm thấy tên, tìm thấy người thân qua hoạt động “uống nước nhớ nguồn” này

Cao Hồng
.
.