“Cú đấm thép” trấn áp băng nhóm tội phạm có tổ chức

Thứ Sáu, 19/07/2013, 07:39
Nhiều người dân viết thư, có người đã tìm đến tận nơi, xin bằng được gặp vị thủ lĩnh của lực lượng Cảnh sát, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm để được “thay mặt người dân quê tôi cám ơn các anh đã triệt phá băng nhóm tội phạm bao năm gây nhũng nhiễu dân lành…”.

Liên tục các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đặc biệt là tội phạm hình sự đã bị lực lượng Cảnh sát trong toàn quốc, chủ công là Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Tổng cục VI) triệt phá. Những chiến công này đã gây nức lòng người dân. Niềm tin của người dân vào lực lượng Cảnh sát ngày càng được củng cố, để họ tiếp tục sát cánh với các anh trong cuộc chiến chống lại tội phạm nói chung, các băng nhóm tội phạm có tổ chức nói riêng… 

1. Một trong những phương hướng công tác trọng tâm của Tổng cục VI năm 2013, đó là tập trung đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đặc biệt là các băng nhóm gây bức xức dư luận địa phương. Và sau 6 tháng triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục, hàng loạt băng nhóm tội phạm cộm cán đã bị triệt phá, gây nức lòng người dân địa phương.

Chiều 21/3, Cục Cảnh sát hình sự, bộ phận phía Nam, đã triệt phá băng nhóm tội phạm do tên trùm Tý "điên", tên thật là Nguyễn Văn Tý cầm đầu.

Đây là băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, chuyên thực hiện hành vi gây áp lực để bảo kê các đầu xe khách, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê và cưỡng đoạt tài sản, hoạt động quanh khu vực Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Băng nhóm này được nhận định đã thao túng cả hệ thống quản lý, bảo vệ tại khu vực Bến xe Miền Đông. Chúng hoạt động công khai, hung hãn, sẵn sàng ra tay thanh toán đẫm máu với bất kỳ ai…

Chỉ một tuần sau, ở phía Bắc, băng nhóm tội phạm của Phạm Khắc Tú, tức Tú “khỉ” ở xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên) tiếp tục bị Cục Cảnh sát hình sự triệt phá.

Đây là băng nhóm đã từng “làm mưa, làm gió” ở vùng đất tưởng như yên bình này trong nhiều năm qua. Chúng hoạt động “bảo kê” các việc khai thác cát, kinh doanh nhà hàng, cơ sở sản xuất, rồi tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá…

Ở nơi này, doanh nghiệp không nộp tiền bảo kê bị chúng đánh chông các ôtô chở hàng, đe dọa khách hàng để “bế quan tỏa cảng” không cho doanh nghiệp sản xuất. Ở nơi này, có kẻ liều mạng như tên trùm Tú “khỉ”, dám nuôi cả tội phạm truy nã trong nhà để “cắp kiếm” phụ cùng gã “trùm” trong các phi vụ “đâm thuê, chém mướn”. Chúng ngang nhiên đánh người, táng tận hơn còn dám đe dọa bẻ chân bà cụ 80 tuổi khi không tìm được đứa con trai cụ nợ tiền cá độ của chúng…

Dẫn giải các đối tượng trong băng nhóm Dũng “mặt sắt” bị bắt giữ tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Cho đến ngày 27/3, khi lực lượng của Cục Cảnh sát hình sự ra quân, tên trùm Tú “khỉ” bị bắt quả tang khi đang nhận 200 triệu của doanh nghiệp Sông Hồng. Sau đó, hàng loạt những “đệ tử” của Tú bị tra tay vào còng…

Rồi đến đầu tháng 5/2013, dư luận cả nước lại sửng sốt trước một “cú đánh mạnh” nữa của lực lượng Cảnh sát, đó là đập tan băng nhóm côn đồ hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, ở khu vực Móng Cái do Hà Tuấn Dũng, tức Dũng “mặt sắt” cầm đầu. Bọn chúng dùng đủ mọi thủ đoạn, thậm chí sẵn sàng gây thương tích, giết người để “bao biên”, thu lợi bất chính không biết bao nhiêu tỷ đồng.

Dũng “mặt sắt” tồn tại như một sự thách thức pháp luật, với cuộc sống xa xỉ kiểu đi siêu xe có kính chống đạn, sống ở biệt thự xa hoa, cưỡi phi thuyền với công suất mà khó có tàu tuần tra nào của các lực lượng chức năng theo được…

Chính vì thế, dù Dũng “mặt sắt vẫn đang trốn chui lủi nhưng việc tổ chức tội phạm của Dũng “mặt sắt” bị đập tan đã khiến người dân cả nước, đặc biệt là vùng biên Móng Cái càng thêm thán phục lực lượng Cảnh sát nhân dân…

2. Từ cuối năm 2012, có một “binh chủng” mới được thành lập tại Tổng cục VI. Đó là “binh chủng” đặc biệt mang tên “113”, bao gồm các cán bộ chỉ huy, các trinh sát, điều tra viên thực sự có năng lực, dám lăn xả với công tác đấu tranh chống tội phạm.

“Đây là lực lượng tinh nhuệ nhằm đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm đang có dấu hiệu hoạt động lộng hành ở các địa phương”- Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã rất đỗi tự hào khi kể cho chúng tôi về họ. Họ, 20 con người, từ chỉ huy đến CBCS ở các đơn vị khác nhau của Tổng cục VI (chủ công là Cục Cảnh sát hình sự) quy tụ về đây, trực tiếp do Trung tướng Phan Văn Vĩnh chỉ huy.

Đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, lúc nào cũng liều mạng với hàng tá “vũ khí nóng”, quả thực không hề đơn giản. Nó đòi hỏi các trinh sát, điều tra viên phải có lòng dũng cảm, chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, không bị mua chuộc trước bất cứ sự cám dỗ nào. Hễ nơi nào có băng nhóm tội phạm đang nổi lên, gây bức xức dư luận, là các CBCS của “binh chủng” đặc biệt này lập tức lên đường.

Họ luôn đi đầu trong việc triệt phá các băng nhóm, nhưng bao giờ cũng ẩn về phía sau các danh hiệu, không một dòng tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi quy tắc làm việc của họ là bí mật, đánh mạnh, thắng gọn.

Từ khi thành lập, các chiến công ghi đậm bản sắc của lực lượng “113” có thể kể đến như: việc triệt phá tổ chức cờ bạc của Đức “vẩu” ở Chùa Dận (Bắc Ninh); bắt các đối tượng tranh chấp khai thác cát trên sông Lô; đánh sập đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới do Dũng “mặt sắt” cầm đầu…

Cơ quan điều tra kiểm tra số ma túy thu được trong một chuyên án.

Có dịp được tiếp xúc với các anh trong chuyên án tấn công băng nhóm tội phạm của Dũng “mặt sắt”, mới thấy được khí thế đấu tranh của “binh chủng” đặc biệt này. Bao nhiêu tháng trời xác minh, trinh sát, đêm 5/5, tất cả quân số “113” của Tổng cục VI phối hợp với các lực lượng khác như cơn lốc tấn công vào ổ nhóm của Dũng “mặt sắt” khi chúng đang vận chuyển trái phép ôtô qua biên giới tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà, Quảng Ninh).

Trong cơn mưa tầm tã, do bị một chiếc ôtô cản đường, họ phải vác súng chạy bộ 5km để kịp thời bắt quả tang hành vi phạm tội của các đối tượng. Quần áo ướt lại khô đến mấy lượt, công việc bắt giữ, rồi hoàn thành các thủ tục khám xét nhà đối tượng của họ mới tạm kết thúc.

Và nhiều ngày sau, trong một căn phòng làm việc khá bí mật, trụ sở của tổ 113, một số trinh sát, điều tra viên vẫn miệt mài với các hoạt động tố tụng trong vụ án. Nhiều lần, khi chúng tôi ghé thăm họ, đến quá trưa, nhưng gói xôi sáng mua vội trước khi đến cơ quan vẫn chưa kịp ăn.

Còn những “chiến binh” khác, hễ nhận được thông tin về Dũng “mặt sắt” và các đối tượng đàn em chưa bị bắt là lập tức lên đường, bất kể ngày đêm, mưa nắng. Nơi họ đến có thể là vùng biên giới xa xôi, có thể là vùng sông nước mênh mông…

3. Hàng chục, hàng trăm lá thư của người dân gửi đến để cám ơn lực lượng Cảnh sát đã truy quét các băng nhóm tội phạm có tổ chức, gây nhũng nhiễu dân lành trong các năm qua. Trung tướng Phan Văn Vĩnh vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy, một vị Đại tá quân đội nghỉ hưu đã tìm gặp bằng được ông. Vị Đại tá chỉ muốn nắm bàn tay của vị Tư lệnh của lực lượng Cảnh sát, nói lời cám ơn chân thành của người dân quê ông khi lực lượng Cảnh sát đã đánh sập băng nhóm tội phạm của Tú “khỉ”. 

Một lá thư khác gửi đến đồng chí Tổng cục trưởng, viết: “Sáng 28/3, chúng tôi nghe bản tin phát thanh lúc 6h của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo cho toàn thể nhân dân được biết: Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã bắt được đối tượng Tú “khỉ” tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Thay mặt cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Hưng Yên, xin được gửi lời cám ơn đến Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát hình sự đã phá và bắt được Tú, đối tượng đã làm cho nhân dân rất bất bình bao năm nay…”.

Lá thư khác của một số người dân TP Móng Cái: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi biết tin các ông đã triệt phá được tổ chức tội phạm của Dũng “mặt sắt”. Bây giờ, chúng tôi tin rằng, pháp luật nghiêm minh, tội ác phải bị trừng trị”

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục VI:

Xu thế hoạt động phạm tội có tổ chức gia tăng, tính chất liên kết, đan xen giữa các loại tội phạm ngày càng thể hiện rõ, gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hiểm. Nó không chỉ gây hại với người dân mà còn tổn hại đến uy tín của chính quyền, trong đó có lực lượng Công an.

Chính vì thế, việc tập trung đánh mạnh vào các băng nhóm có tổ chức trong thời gian qua đã thể hiện hướng đi đúng của lãnh đạo Tổng cục VI, đáp ứng tiêu chí của lãnh đạo Bộ Công an đã nêu, đó là “kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. Để làm tốt được điều này, lực lượng Cảnh sát phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kiên quyết tấn công tội phạm.

Bên cạnh đó, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đa dạng hóa các hình thức để tạo điều kiện và khuyến khích nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, xây dựng lực lượng CAND; đồng thời phải có thái độ thực sự cầu thị tiếp thu ý kiến nhân dân để xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh…

T. Hòa
.
.