‘Cõng’ luật về buôn

Thứ Hai, 04/05/2015, 07:36
Theo chân cán bộ, chiến sĩ của Đội Tuyên truyền - Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, tôi mới cảm nhận được rõ ràng những nhọc nhằn, vất vả nhưng vui trong chuyến “cõng” luật về buôn Cuah, xã Ea Na, huyện Krông Ana.

Vượt hàng chục cây số đèo dốc, chúng tôi mới vào được tận nơi. Đoàn trợ giúp mang theo lỉnh kỉnh nào băng rôn, biểu ngữ, nào tài liệu, tập gấp pháp luật, nào loa phóng thanh, máy chiếu…

Ăn uống thì chẳng có gì ngoài mì gói và bánh mì. Hôm ấy trời mưa tầm tã, anh em trong đoàn nghĩ chắc bà con chẳng ai tới. Thế nhưng khi mưa vừa ngớt, bà con đến dự đông nghịt. Nhiều người không có chỗ ngồi đứng tràn ra cả ngoài bất chấp mưa lạnh, khiến anh em trong đoàn vừa xúc động, vừa vui sướng. Bà con và các em nhỏ đón chúng tôi như… đoàn văn công.

Một buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk với các buôn đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Thượng úy Nguyễn Văn Hiển, cán bộ Đội Tuyên truyền tâm sự: “Việc xe cộ đi qua ngầm bị mắc lầy phải nhờ người dân kéo, hay đi sớm về muộn là chuyện thường ngày của lính tuyên truyền. Với chúng tôi, việc giúp bà con nâng cao được ý thức chấp hành luật, từ đó giảm thiểu được các vụ tai nạn giao thông là vui và hạnh phúc nhất rồi”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai chương trình “Luật về buôn” cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Mục đích của chương trình là đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa bằng các hình thức trực quan sinh động nhằm tác động sâu sắc đến ý thức chấp hành luật của người dân, tạo chuyển biến khi tham gia giao thông.

Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk xem đây là một nhiệm vụ quan trọng. Đại úy Đậu Đình Thảo, Đội phó Đội Tuyên truyền cho biết: “Làm cán bộ tuyên truyền là phải kiên trì, bởi chuyển đổi ý thức chấp hành luật giao thông của người dân không thể trong ngày một, ngày hai. Buôn làng xa xôi, cách trung tâm thành phố cả trăm cây số, phải đi liên tục hết nơi này đến nơi khác. Luật thì khô khan, cán bộ tuyên truyền phải là người nắm chắc luật, biết cách sinh động hóa buổi tuyên truyền để người dân nghe, hiểu, và “thấm” luật”.

Ngoài nói chuyện trực tiếp, phát tờ rơi thì việc tổ chức những buổi lồng ghép giao lưu văn nghệ, đố vui có thưởng, chiếu phim tư liệu… cũng là những nét mới, sáng tạo trong công tác phổ biến luật của đội. Đội sẽ cử cán bộ giao lưu, trò chuyện, giải đáp câu hỏi cho bà con bằng chính ngôn ngữ của người dân bản địa nhằm tạo sự gần gũi, thân mật và tương tác hai chiều, nhờ đó mà hiệu quả buổi tuyên truyền cũng tăng lên đáng kể.

Trong năm 2014, đội tuyên truyền đã vận động được 4 đơn vị bảo hiểm hỗ trợ 180 chiếc mũ bảo hiểm để làm quà trong phần thi hỏi đáp những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, tạo niềm hứng khởi cho bà con mỗi khi tham gia nghe phổ biến luật. Thiếu tá HDonna Êban, cán bộ Đội Tuyên truyền cho hay: “Khi được giao lưu bằng tiếng mẹ đẻ, bà con phấn khởi lắm, những điều bà con ngại không dám thắc mắc thì trò chuyện với riêng mình. Nghe nói có cán bộ Cảnh sát giao thông về tuyên truyền luật giao thông là bà con tới xem rất đông, đó cũng là động lực giúp chúng tôi hoàn thành công việc tốt hơn”.

Chị Amí Thuận (buôn Chàm B, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) bộc bạch: “Được nghe cán bộ phổ biến luật, chúng tôi có thêm nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá để giữ an toàn cho mình và mọi người. Các chiến sĩ Cảnh sát giao thông rất nhiệt tình và gần gũi với bà con, ai cũng mong sẽ có thêm nhiều buổi tuyên truyền hơn nữa”.

Trung tá Ngô Văn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Tuy mới qua hơn 2 năm triển khai mô hình “Luật về buôn” nhưng đã đạt được những hiệu quả nhất định và nhận được sự đánh giá cao từ chính quyền địa phương, lãnh đạo các cấp, tạo hiệu ứng mạnh mẽ đến ý thức của nhiều đối tượng trong xã hội. Nhờ vậy, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong 2 năm 2013 và 2014 đã giảm cả 3 tiêu chí. Đó là niềm động viên, khích lệ to lớn đối với lực lượng Cảnh sát giao thông”.

Văn Thành
.
.