Công an xã bị thương, tự mang tiền nhà chữa trị

Thứ Tư, 13/05/2009, 15:13
Bị đâm gãy 2 xương chân, anh Thịnh, Công an xã xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) được đưa đi cấp cứu, phải mổ nhiều lần, đóng 22 đinh, 3 nẹp đến giờ vẫn chưa rút đinh, nẹp ra được. Phụ cấp mỗi tháng được 378.000 đồng, nhưng để trị thương, số tiền gia đình anh phải bỏ ra đã lên tới gần 20 triệu đồng. "3 năm phụ cấp, không đủ trị thương 1 lần"- anh so sánh.
>> Bị chém với thương tật 51% không được công nhận thương binh

Khó khăn, gian khổ, nguy hiểm là vậy, công việc của họ hữu ích, ý nghĩa là vậy, nhưng chế độ dành cho lực lượng Công an xã (CAX) hiện nay ra sao? Chắc không ít bạn đọc sẽ không khỏi giật mình với những số liệu chúng tôi dẫn ra dưới đây…

Những con số đáng… quan tâm!

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, toàn quốc hiện có khoảng 115.000 đồng chí CAX. Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (X28) Bộ Công an cho biết, lực lượng CAX đa phần hoạt động phát huy tác dụng tốt. Đến nay, hầu hết Trưởng, Phó CAX đã được huấn luyện theo chương trình của Bộ Công an và đã được Giám đốc Công an các địa phương cấp chứng chỉ huấn luyện. Tới đây, việc đào tạo huấn luyện nghiệp vụ sẽ tiếp tục được thực hiện đối với Trưởng, Phó trưởng CAX và Công an viên.

Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất đối với lực lượng CAX hiện nay là chế độ, chính sách, quy trình công nhận thương binh, liệt sĩ… Về phụ cấp cho lực lượng CAX, căn cứ vào Nghị định 40/CP của Chính phủ năm 1999, các địa phương đều vận dụng thực hiện đúng quy định của Nghị định 40/CP đối với Trưởng, Phó CAX. Riêng Công an viên, các địa phương vận dụng khác nhau tùy điều kiện của địa phương vì mức phụ cấp chi trả hằng tháng do ngân sách của từng địa phương quyết định. Từng thời kỳ khác nhau, các địa phương đều điều chỉnh phụ cấp cho lực lượng CAX phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương.

Từ cuối năm 2003, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 114/2003/NĐ-CP và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP xác định Phó trưởng CAX và Công an viên là cán bộ không chuyên trách nên các địa phương vận dụng chi trả phụ cấp khác nhau. Trưởng CAX thì hưởng chế độ, chính sách của công chức theo quy định của Chính phủ. Đối với Phó trưởng CAX, trong tổng số hơn 11.000 đồng chí, có gần 3.000 đồng chí được bố trí kiêm nhiệm và được hưởng chế độ, chính sách của công chức, còn lại hưởng chế độ, chính sách của cán bộ không chuyên trách từ nguồn ngân sách của các địa phương và không được đóng bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả phụ cấp cho Phó trưởng CAX cũng không thống nhất, địa phương trả phụ cấp cao nhất là TP Hồ Chí Minh ở mức  947.000 đồng/tháng và thấp nhất là Bắc Kạn với 243.000 đồng/tháng. Cá biệt có địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Tĩnh trả phụ cấp Công an viên ở mức dưới 100.000 đồng/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lương Ngọc Dương, Trưởng phòng Quản lý xây dựng lực lượng Công an xã Cục X28 Bộ Công an cho biết: Theo Nghị định 40/CP thì các chế độ, chính sách cho lực lượng CAX liên quan đến ốm đau, đi công tác, đi học, bị hy sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ được đảm bảo hơn trước đó. Tuy nhiên, vấn đề lại ở các văn bản ban hành sau, đó là Nghị định 114/2003/NĐ-CP và Nghị định 121/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở. Theo các văn bản này, Phó trưởng CAX không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của Cục X28 Bộ Công an, từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 114/2003/NĐ-CP và Nghị định 121/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở, đã có hơn 2.600 Phó trưởng CAX và Công an viên bỏ việc, xin thôi việc vì phụ cấp thấp, các chính sách khác không được thực hiện đầy đủ. Bộ Công an đã nhiều lần báo cáo thực trạng này và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sửa đổi, bổ sung Nghị định 121/CP nhưng chậm được giải quyết.

Đâu đâu cũng khó

Về việc hỗ trợ, chế độ phụ cấp cho lực lượng CAX, mỗi địa phương có sự quan tâm khác nhau. Khảo sát trực tiếp tại tỉnh Sơn La, mức phụ cấp thấp nhất cho CAX mà chúng tôi ghi nhận được là khoảng 100.000 đồng/tháng. Ở huyện Mường La, một huyện kinh tế phát triển khá thì chỉ ở các khu trung tâm, phụ trách khu vực đông nhân khẩu, Công an viên mới được hưởng mức 200.000đ/tháng, còn lại thì thấp hơn nhiều.

Anh Nguyễn Điền Chinh - Công an viên thường trực của thị trấn Ít Ong (Mường La) tham gia CAX từ năm 2001, đang hưởng mức phụ cấp 200.000 đồng/tháng, hiện do được trưng dụng làm thêm công tác hộ khẩu cho thị trấn nên tổng thu nhập được 470.000 đ/tháng.

Theo Thượng tá Trần Quang Ngũ, Phó trưởng Phòng PX28 Công an tỉnh Sơn La: CAX trên địa bàn hiện nay cực kỳ khó khăn về phụ cấp, chế độ, nhưng công việc thì gần như là nhiều nhất và phức tạp. Kinh phí cho CAX quá thấp, nhìn chung không đủ đi lại, chỉ trông chờ sự nhiệt tình của anh em.

Bên cạnh đó, nhiều anh em bị thương khi làm nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được công nhận thương binh, như trường hợp Phó trưởng CAX Mường Bú, năm 2007 trong khi đi làm nhiệm vụ di dân, bị đối tượng đâm trọng thương, nhưng đề nghị mãi mà đến nay chưa được công nhận thương binh.

Một trường hợp khác là anh Lò Văn Pẩu, Công an viên bản Tà Lềnh, xã Chiềng Hoa (Mường La) bị đối tượng bắn chết khi anh đến nhắc nhở giáo dục đối tượng trộm cắp. Anh Pẩu hy sinh từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Trước tình hình này, nhiều Công an viên nản, có tâm tư muốn ra...

Ở địa phương kinh tế chưa mạnh là vậy, còn ở nơi khác thì sao? Vĩnh Phúc - một tỉnh kinh tế phát triển mạnh, lại được lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh quan tâm, chăm lo nên cơ sở vật chất, chế độ cho CAX khá ổn, tạo nên hiệu quả cao cho hoạt động của CAX. Tuy nhiên, kinh tế phát triển mạnh thì lại nảy sinh khó khăn khác. Đó là do thu nhập của CAX thấp (dù đã cao hơn nhiều tỉnh khác) nên rất khó thu hút thanh niên tham gia, trong khi việc bên ngoài khá dễ kiếm và thu nhập thì thường cao gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Đăng Tình, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tâm sự: Điều kiện hiện nay không cho phép chúng tôi tuyển khắt khe, bởi lớp trẻ hiện nay ít người muốn tham gia CAX.

Trưởng CAX Nguyễn Huy Thắng cho biết, hiện đang phải thu hút thanh niên tham gia CAX bằng cơ chế khác, như việc kết nạp Đảng, cho đi đào tạo để có hướng phát triển. Hiện Công an thị trấn Thanh Lãng đã có có 9 đảng viên/21 Công an viên.

"Khi động viên họ tham gia CAX, nhiều người bảo thẳng: Đi theo các ông cả đời, về già chẳng có cái gì. Đúng thế anh ạ. Thu nhập đã thấp thì ta cũng cần động viên họ bằng cơ chế nào cho thật thỏa đáng, như việc đóng bảo hiểm xã hội để về già họ có cái trông vào…" -  Trưởng CAX Nguyễn Huy Thắng tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Thuận (ảnh trái) và anh Nguyễn Xuân Sơn đang điều trị vết thương tại bệnh viện.

Anh Nguyễn Văn Thành, Trưởng CAX Kim Long, huyện Tam Dương cũng chung tâm sự. Theo anh, điều kiện hiện nay đúng là có khó khăn để lựa chọn người tâm huyết tham gia CAX. "CAX phải làm đêm, làm ngày, lực lượng thường trực càng vất vả hơn, trách nhiệm cao, trong khi vật chất thì không đáp ứng”. Đây cũng là điều chúng tôi được nghe phản ánh từ nhiều xã, thị trấn khác.

Trưởng Công an thị trấn Thanh Lãng cho biết: Nếu CAX chủ trì đề nghị dân quân đi tuần cùng thì dân quân được hưởng chế độ 18.000đ/đêm, nếu tuần cả ngày thì hưởng thêm 18.000đ nữa, còn CAX tuy là đơn vị chủ trì nhưng lại không hề có chế độ gì. Cho nên, hiện nay ở Vĩnh Phúc cũng như nhiều tỉnh khác, thu hút thanh niên tham gia CAX thường phải "vận động" các đoàn viên, đảng viên - những người có trách nhiệm cao đối với làng xóm, cộng đồng, chứ không phải bằng vào phụ cấp ngót 10.000đ/ngày.

3 năm phụ cấp không đủ 1 lần trị thương

Phụ cấp đã thấp, chế độ hỗ trợ cho các trường hợp bị thương, hy sinh càng khiến lực lượng CAX thêm tủi. Hiện vẫn còn nhiều trường hợp CAX hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ chưa được công nhận liệt sĩ. Đau lòng và "đau" cả túi tiền là những trường hợp bị thương. Làm việc công mà khi bị thương, gia đình Công an viên phải tự vay mượn chạy chữa, hỗ trợ không đáng là bao. Trường hợp anh Đinh Văn Thịnh là một ví dụ.

Ngày 19/3/2008, anh Định Văn Thịnh, CAX xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên) khi đang tham gia giữ gìn trật tự giao thông tăng cường cho Công an thị xã, thì phát hiện một thanh niên vi phạm giao thông (không đội mũ bảo hiểm). Anh ra hiệu dừng xe, nhưng đối tượng không những không dừng mà rồ ga tông thẳng vào người anh làm gãy 2 xương chân. Anh Thịnh được đưa đi cấp cứu, phải mổ nhiều lần, đóng 22 đinh, 3 nẹp đến giờ vẫn chưa rút đinh, nẹp ra được. Phụ cấp mỗi tháng được 378.000 đồng, nhưng để trị thương, số tiền gia đình anh phải bỏ ra đã lên tới gần 20 triệu đồng. "3 năm phụ cấp, không đủ trị thương 1 lần"- anh so sánh.

Anh Đinh Văn Quân, Trưởng CAX Cao Minh cho biết: So với chi phí điều trị thực tế gia đình anh Thịnh phải bỏ ra thì phần hỗ trợ của Công an huyện không đáng kể, còn phụ cấp thì nói thẳng là không đủ nuôi bản thân.

(Còn nữa)

Bá Tuấn và nhóm PV
.
.