Công an nỗ lực hết sức để đưa nạn nhân ra khỏi hầm sập

Thứ Sáu, 19/12/2014, 16:10
Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Bất chấp những nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng, lực lượng cứu hộ của Công an vẫn tiên phong tiếp cận hiện trường và đến nay đã đạt những những kết quả như mong đợi.
>> Có thể sáng mai các nạn nhân sẽ được đưa ra khỏi hầm sập

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng vừa có cuộc trao đổi nhanh với CAND Online về công tác cứu hộ, cứu nạn tại vụ sập hầm xảy ra ở công trình thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn cho biết: Nhận được tin báo sự cố ở công trình thủy điện Đa Dâng, lập tức tôi chỉ đạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn điều động tới hiện trường triển khai ngay các phương án cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời tôi đã trực tiếp báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, và tôi cũng đã có mặt tại hiện trường.

Khi bàn phương án giải cứu thì rất nhanh, Công an tỉnh đã báo cáo và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đồng ý cùng lúc cho triển khai 3 mũi khoan từ 3 phía. Phía trước, phía sau và trên đỉnh đường hầm.

Nói thì dễ nhưng quá trình thực hiện gặp vô vàn khó khăn. Để khoan được 3 mũi khoan (2 mũi phía trước, 1 phía sau hầm) thông tới các nạn nhân để hút nước ra, đẩy không khí vào, tiếp tế cháo, nước uống, thuốc men… cho những người bị kẹt là cả một quá trình cố gắng hết mình của toàn lực lượng cứu hộ, trong đó chủ đạo là CBCS cứu hộ, cứu nạn của Công an. 

- Trong quá trình triển khai các công tác cứu hộ đã gặp những khó khăn gì thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn lắng nghe báo cáo để chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Sự cố sập hầm xảy ra công trình nhà máy thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo xảy ra trên một địa hình đồi núi có kết cấu địa chất hết sức phức tạp. Dù đã đánh giá, phân tích rất kỹ các phương án nhưng trong quá tình triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, lực giải cứu đã gặp vô vàn khó khăn.

Trước hết, công tác cứu hộ được thực hiện sâu trong lòng đất, lượng nước ngầm thẩm thấu lớn là mối đe dọa đối với lực lượng đào hầm giải cứu nạn nhân. Xác định mục tiêu lớn nhất là giải cứu các nạn nhân nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, công việc đào hầm giải cứu các nạn nhân được tiến hành rất thận trọng, tỉ mỉ: Đào tới đâu gia cố hầm tới đó, việc đào hầm chỉ bằng phương pháp thủ công... Đã có những lúc trong quá trình đào hầm gặp phải những khối đá án ngữ, chúng tôi phải dùng một lượng thuốc nổ nhỏ để phá đá, mở lối đào vào.

Mọi công tác cứu hộ, cứu nạn được thực hiện một cách bền bỉ, kiên trì, có trách nhiệm cao. Bất chấp những nguy hiểm có thể đe dạo tới tính mạng, lực lượng cứu hộ của Công an vẫn tiên phong tiếp cận hiện trường và đến nay đã đạt những những kết quả như mong đợi.

- Thiếu tướng có thể cho biết tiến độ triển khai công việc cứu hộ tính đến thời điểm hiện nay.

Thiếu tướng Bùi Văn Sơn: Đến thời điểm này, áp lực khó khăn nhất chúng tôi đã vượt qua đó là đảm bảo tính mạng của các nạn nhân. Sau khi khoan thành công 3 mũi khoan, đẩy khí ô xy, tiếp cháo dinh dưỡng, thuốc men, hút nước ra…, tính mạng của các nạn nhân đã không còn bị đe dọa. Đó là điều những ngày qua, chúng tôi đau đáu nhất. Tín hiệu vui là sức khỏe các nạn nhân đến thời điểm này vẫn đang ổn định, nói chuyện với lực lượng cứu hộ trong trạng thái khá bình tĩnh. Trong suốt những ngày qua, từ khi thông được mũi khoan đầu tiên, bên cạnh việc tiếp tế những thiết yếu cần thiết cho các nạn nhân, lực lượng cứu hộ bên ngoài thường xuyên liên lạc với các nạn nhân, động viên họ phải bình tĩnh, qua đó thông báo, lực lượng cứu hộ đã huy động tất cả mọi thứ có thể, việc giải cứu các nạn nhân ra khỏi hiện trường đang được tiến hành gấp rút. 

Nếu mọi việc thuận tiện, tối hay hoặc sáng sớm mai là các nạn nhân có thể được đưa ra khỏi hiện trường.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng đã dành thời gian trao đổi với CAND Online.

Văn Thành - Kim Ngân (thực hiện)
.
.