Có một Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giữa đời thường

Người luôn tự đổi mới mình

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:28
Trong suốt cuộc đời lãnh đạo của mình, có một vấn đề mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên trở đi trở lại, đó là với mỗi người cán bộ, mỗi Đảng viên, phải luôn luôn cảnh giác với chủ nghĩa cá nhân, và luôn luôn tìm cách vượt qua nó mỗi khi nó lởn vởn xuất hiện trong tư tưởng mình...


Nhạc sĩ Trần Hoàn kể rằng một lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề nghị ông hát bài "Thiên Thai" của Văn Cao cho mình nghe. Nghe xong Đại tướng nói rất thật lòng: "Bài hát nghe rất hay, nhưng mình chưa biết hay ở chỗ nào. Hoàn thử nói cho mình nghe".

Đến khi Trần Hoàn sử dụng những kiến thức về giai điệu, khúc thức, hình tượng âm nhạc để giải thích thì Đại tướng gật gù: "Thế tại răng những bài hát kháng chiến lại không làm hay như vậy được? Mà kháng chiến cũng đau khổ lắm, day dứt lắm chứ! Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu sự chia ly, bao nhiêu sự hy sinh cao cả, mà sao chưa có nhiều bài hát hay?".

Có thể thấy rất rõ ông luôn ý thức về việc không ngừng học, và sẵn sàng học ngay từ cấp dưới mình. Nhưng đấy không phải là một sự học máy móc, học để tích luỹ kiến thức một cách thuần tuý, mà đấy là một tinh thần học sáng tạo, học trong những trăn trở, suy tư, để từ cái mình học (một kiến thức chết) có thể hướng đến việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo mới (một kiến thức sống), phục vụ cách mạng và dân tộc.

Sau này, khi đã nổi danh với những bài báo chiến trường ký tên "Trường Sơn" thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà báo Trường Sơn  cũng không ngừng tiếp thu, học hỏi từ những người làm báo quanh mình.

Có lần, trên đường công tác, trong vai trò Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng tranh thủ thời gian nghỉ chân, kê tập giấy lên đùi, viết vội một bài báo, rồi giao cho một phóng viên Báo Quân giải phóng cùng đi với mình. Khi phóng viên mang bài báo về toà soạn, thấy một biên tập viên dùng bút đỏ sửa chi chít thì hoảng quá.

Hoảng và sợ, vì hình dung đến cái cảnh Đại tướng đọc lại bài báo, và thấy người ta đã can thiệp thô bạo vào tác phẩm. Nhưng sự thật, khi đối diện với cái tác phẩm "bị can thiệp thô bạo" ấy, Đại tướng không những không giận, mà còn gật gù cho biết: "Phải làm như vậy mới đúng là người biên tập chớ. Người ta "sắm" ra các vị biên tập là để sửa chữa, nâng cao chất lượng bài vở, làm cho nó đúng, hay hơn. Nếu ai viết sao, cứ để vậy thì đâu phải là người biên tập, mà chỉ là người... "biên vô tập". Có những người biên tập sợ mếch lòng tác giả, nhất là cấp trên, nên rất ngại sửa. Có tác giả rất khó tính, không muốn ai sửa chữa bài vở của mình, dù có chỗ thiếu sót. Như vậy là không tốt...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Chí Thanh (thứ hai từ trái sang) nghe Chỉ huy đơn vị Bộ đội vùng Tây Nam Bộ tập kết và đóng quân trên địa bàn Hà Tĩnh báo cáo thành tích huấn luyện của đơn vị ngày 15-6-1957.

Học từ bạn bè, thuộc cấp; học từ sách vở, chữ nghĩa, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng những nhà lãnh đạo thế hệ ông đã có lúc học từ những người thầy đúng nghĩa, những người vốn có tuổi đời và kinh nghiệm sống ít hơn mình rất nhiều.

Năm 1957, một lớp học văn hoá rất đặc biệt được tổ chức trên "phố nhà binh" Lý Nam Đế với học viên là 6 vị tướng: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu, Thiếu tướng Phạm Kiệt. Thầy giáo của lớp học này là người thanh niên trẻ, mới chỉ 25 tuổi, có tên Doãn Mậu Hòe.

Ngày ấy, thầy Hoè khai giảng lớp học trong tâm trạng run run sợ hãi khi phải đối diện với những vị tướng lẫy lừng, và thầy bắt đầu buổi học bằng câu: "Mời sáu thủ trưởng mở sách chép bài, chúng ta bắt đầu". Nghe vậy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất: "Khi đã vào lớp học, giáo viên gọi chúng tôi là "anh", còn chúng tôi gọi giáo viên là "thầy". Khi ra thao trường thì trở lại là thủ trưởng và đồng chí".

Bây giờ, khi đã trở thành một ông lão trên 80 tuổi, thầy Hoè vẫn không khỏi xúc động khi nhớ về "lớp học đặc biệt" và "sáu học trò đặc biệt" ngày xưa. Thầy bảo: "Trong sáu người, người học chương trình tiểu học, người học chương trình cấp III, riêng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học hai môn hoá, lý, từ cấp II lên, và trong sáu người thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người có lối học hành, làm việc khoa học nhất".

Một điều rất lạ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là khi đứng trước một chùm bài tập, bao giờ Đại tướng cũng tìm cách giải bài khó trước, bài dễ sau, vì Đại tướng quan niệm: "Phải dồn tâm sức, thời gian xử lý cái khó nhất trước tiên. Khi cái khó nhất đã được xử lý thì những cái dễ sẽ tự thành". Công việc ngập đầu, lại thường xuyên phải đi công tác xa, thế là hồi đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cố gắng hoàn thành khoá học bằng cách đi đâu cũng kéo thầy Hoè đi theo, để thầy tranh thủ dạy, "trò" tranh thủ học.

Một lần, sau khi Đại tướng đi kiểm tra đơn vị về muộn, hai thầy trò mở sách vở học ngay ở thao trường, đến gần đêm mới về lán trại. Ngoài giờ học, thầy Hoè và Đại tướng lại cùng nhau đàm đạo chuyện văn chương trong nước và quốc tế.

Có thể nói, chính cái tinh thần không ngừng nạp - không ngừng học, học mọi nơi mọi chỗ, học từ mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh khác nhau đã tạo nên một con người, một cốt cách Nguyễn Chí Thanh một mặt vẫn là "Đại tướng nông dân" với tất cả những suy nghĩ, những tình cảm gần gũi với người nông dân, nhưng mặt khác đã giúp ông khắc phục được những mặt trái mà cái căn tính nông dân có thể tạo ra ở một nhà lãnh đạo.

Trong suốt cuộc đời lãnh đạo của mình, có một vấn đề mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên trở đi trở lại, đó là với mỗi người cán bộ, mỗi Đảng viên, phải luôn luôn cảnh giác với chủ nghĩa cá nhân, và luôn luôn tìm cách vượt qua nó mỗi khi nó lởn vởn xuất hiện trong tư tưởng mình.

Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng Đại tướng cũng nhấn mạnh tới việc điều đó không có nghĩa cấm tuyệt đối đảng viên, cán bộ, quân nhân cách mạng không được mảy may lo lắng cho công việc riêng của mình, của gia đình mình. Bởi chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là chống lợi ích cá nhân.

Đại tướng bảo con người còn tồn tại thì lợi ích cá nhân còn tồn tại, không khác được, vấn đề là phải xem cái lợi ích cá nhân ấy là đúng hay sai và đặc biệt là nó có mâu thuẫn với lợi ích của tập thể, của Đảng và dân tộc hay không.

Không chỉ nói chuyện và viết lách, bằng những việc làm dù có thể rất nhỏ của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cho tất cả những người quanh ông thấy rằng chính ông đã bước qua thứ chủ nghĩa đáng sợ này như thế nào. Sau năm 1954, Đại tướng được cấp một ngôi biệt thự loại 1 ở đường Cổ Ngư - nay là đường Thanh Niên, gần Hồ Tây và hồ Trúc Bạch (Hà Nội).

Theo nhận xét của Trung tá Nguyễn Nổng, nguyên cán bộ bảo vệ của Đại tướng thì đấy là một căn biệt thự đẹp, thoáng mát, phong cảnh nên thơ, ai đến cũng thích thú. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Đại tướng đã chủ động trả lại ngôi nhà này để chuyển sang một ngôi nhà nhỏ hẹp hơn rất nhiều ở phố Cửa Đông.

Bộ Quốc phòng nhận thấy khách trong, ngoài nước tới thăm Đại tướng quá đông nên đề nghị Đại tướng chuyển sang ngôi biệt thự loại 3 ở 34 đường Lý Nam Đế. Sau này, khi Đại tướng qua đời, vợ con ông cũng quyết định trả biệt thự này cho Nhà nước. Trong thời đại của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, có lẽ không riêng gì ông, nhiều lãnh đạo khác cũng sẵn sàng chuyển nhà to sang nhà nhỏ một cách nhẹ nhõm, vui vẻ, vì họ thấy điều đó thực sự có ích cho cách mạng.

Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang đương chức, một lần cơ quan cán bộ trình lên ông danh sách cán bộ được đề bạt từ thượng uý lên đại uý, và trong danh sách đó có bà Cúc vợ ông - người khi đó được đánh giá là một cán bộ làm công tác chính sách có năng lực và nhân hậu. Cầm bản danh sách trên tay, Đại tướng cười mỉm rồi thông báo: "Đồng ý tất cả, trừ một người, đó là cô Cúc. Cứ để lại không vội gì. Không sao đâu. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng cho cô ấy".

Còn đây là những dòng thư mà Đại tướng viết cho vợ con ngày 10-10-1964, khi ông đang ở chiến trường miền Nam: “Ba dặn các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt. Thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn, NGƯỜI KHÁC LÀM SAO THÌ MÌNH VẬY”.

"Người khác làm sao thì mình vậy?" có nghĩa là không được ỷ lại mình là con Đại tướng. Có nghĩa là phải sống và đi lên bằng năng lực thật sự của bản thân.

Một buổi chiều nọ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dạo bộ tới toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại số 4 Lý Nam Đế với một bộ quần áo nâu sồng giản dị. Thấy vậy anh lính gác cửa ở đầu phố (thời đó phố Lý Nam Đế - phố nhà binh còn có trạm gác ở hai đầu) đề nghị cho xem giấy tờ. Đại tướng lục túi một lúc rồi trả lời: "Mình không mang giấy tờ chi cả". Anh bảo vệ kiên quyết không cho vào và nói: "Vậy bác là ai, muốn gặp ai, tý có ai qua tôi nhắn cho".

Đại tướng đáp: "Vậy nhờ đồng chí nhắn giúp tôi là Nguyễn Chí Thanh muốn gặp thủ trưởng Văn Phác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội". Sau đó, phải đích thân Chủ nhiệm Văn Phác ra đón, Đại tướng mới có thể vào toà soạn. Đấy là giai đoạn mà Đại tướng viết cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội hàng loạt bài báo đanh thép về chuyện "chống chủ nghĩa cá nhân".

Phan Đăng
.
.