Chuyện về người liệt sĩ Trưởng tiểu ban điệp báo Công an Đắk Lắk

Thứ Ba, 27/07/2010, 17:37
Trung tá Mai Xuân Ngọc được kể lại rằng: Trong một trận càn vào vùng đầm lầy nông trường Krông Ana, địch đã bắt được bố anh (Trưởng Tiểu ban điệp báo của Công an tỉnh Đắk Lắk) và 5 đồng chí quân báo. Bọn chúng đã bắn chết một lúc cả 6 người Cộng sản kiên trung rồi đem chặt đầu vứt xuống vùng đầm lầy. Dã man hơn, bọn chúng còn lấy lựu đạn cài vào tay để nếu có ai đến lấy xác đồng đội thì sẽ bị lựu đạn nổ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có hàng ngàn cán bộ Công an miền Bắc xung phong lên đường "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Sau khi được dự lớp tập huấn để chi viện cho chiến trường B tại C500, cuối năm 1967 đồng chí Mai Văn Nhứ, SN 1932, quê ở xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung là một trong những cán bộ Công an Thanh Hóa đã tình nguyện vào mặt trận Tây Nguyên và được giao nhiệm vụ làm Trưởng Tiểu ban điệp báo của Công an tỉnh Đắk Lắk. Tháng 11/1970, trong một lần đi cơ sở ông bị giặc bắt rồi sát hại dã man tại huyện.

Liệt sĩ Mai Văn Nhứ (ngoài cùng bên trái) và đồng đội Công an Thanh Hoá chụp ảnh lưu niệm trước khi vào chiến trường miền Nam.

Tiếp tôi trong căn hộ 24m2 cơ quan phân cho vợ chồng anh tại khu tập thể Công an tỉnh Thanh Hóa, Trung tá Mai Xuân Ngọc trở nên trầm tư hơn ngày thường rất nhiều.

Bằng giọng trầm buồn, anh Ngọc kể rằng: Bố anh - Đồng chí Mai Văn Nhứ là con trai "độc đinh" của cả dòng họ Mai Văn tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung. Trước năm 1954, ông đã trốn gia đình, xin vào Trung đội du kích vũ trang huyện Hà Trung và được cử làm Trung đội trưởng. Sau hoà bình, ông được tuyển vào Công an vũ trang Thanh Hoá (Bộ đội Biên phòng ngày nay).

Đến năm 1960, ông được chuyển sang Ty Công an Thanh Hoá. Năm 1963, ông kết hôn với mẹ anh - bà Đỗ Thị Minh Côi là một nữ diễn viên nổi tiếng của Nhà hát Chèo Thanh Hoá và lần lượt sinh 2 cậu con trai là anh (SN 1964) và anh Mai Ngọc Sơn (SN 1966).

Năm 1967, Bộ Công an có chủ trương tăng cường lực lượng chi viện An ninh miền Nam. Sau khi được dự lớp tập huấn tại C500, cuối năm 1967, đồng chí Mai Văn Nhứ đã tình nguyện vào mặt trận Tây Nguyên. Về nhà, ông đã  nói dối gia đình là ông được Nhà nước cử đi học tại Liên Xô. Mãi đến khi, từ chiến trường ông gửi thư về là ông được tổ chức phân công chi viện vào chiến trường và làm Trưởng Tiểu ban điệp báo của Công an tỉnh Đắk Lắk thì cả gia đình mới biết.

Ông vào chiến trường, để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con trai thơ dại, đứa lớn mới 4 tuổi, đứa bé mới chưa đầy 1 tuổi lại bị tật nguyền. Hai anh em phải theo mẹ đi khắp nơi để biểu diễn và sống nhờ sự đùm bọc cưu mang của cả đoàn chèo. Thế rồi một ngày đầu năm 1971, có người cháu họ xa của bố anh làm việc ở UBND xã Hà Ngọc thông báo cho mẹ con anh về quê có việc gấp. Mẹ anh bỏ 2 đứa con vào một cái thúng đạp xe từ thị xã Thanh Hoá về đã thấy bà nội anh đang gào khóc ở trụ sở ủy ban, trong lúc xã đang chuẩn bị làm lễ truy điệu bố anh...

Anh Ngọc kể cho tôi nghe tiếp về hành trình anh và những người đồng đội cũ của bố anh ở Công an tỉnh Đắk Lắk đi tìm hài cốt ông - liệt sĩ CAND Mai Văn Nhứ: Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân và được phân công về Phòng Bảo vệ chính trị 4 (Công an tỉnh Thanh Hóa) anh Ngọc mới có điều kiện vào Đắk Lắk để đi tìm hài cốt của cha. Vào Đắk Lắk, anh đã tìm được ông Yanien, nguyên Phó Công an huyện Cư Mgar - người đã từng chứng kiến sự hy sinh của bố anh và sau này đã trực tiếp chôn cất bố anh ngay sau khi quân giặc rút đi.

Ông Yanien kể, ngày ấy ông được cử đi làm cảnh giới cho bố anh để hoạt động điệp báo cùng 5 đồng chí quân báo của Tỉnh đội Đắk Lắk ở địa bàn Krông Ana (nay là huyện Cư Kuin) cách thị xã Buôn Ma Thuột gần 50km. Ngày 26/11/1970, trong một trận càn vào vùng đầm lầy nông trường Krông Ana địch đã bắt được bố anh và 5 đồng chí quân báo của Tỉnh đội. Bọn chúng đã bắn chết một lúc cả 6 người Cộng sản kiên trung rồi đem chặt đầu vứt xuống vùng đầm lầy. Dã man hơn, bọn chúng còn lấy lựu đạn cài vào tay để nếu có ai đến lấy xác đồng đội thì sẽ bị lựu đạn nổ.

Lúc ấy, ông Yanien đi sau cùng nên chưa bị địch phát hiện đã phải nằm im dưới bùn hơn 1 ngày trời và chứng kiến sự hy sinh đau đớn của 6 người đồng đội. Sau đó, ông Yanien đã chôn cất thi hài không còn nguyên vẹn của liệt sĩ Mai Văn Nhứ bằng một mảnh nilon và một chiếc võng dù.

Sau ngày giải phóng, ông Yanien và rất nhiều đồng đội ở Công an Đắk Lắk đã cất công quay lại khu vực này để tìm mộ bố anh rất nhiều lần nhưng vẫn "biệt vô âm tín". Phải mất gần 2 tháng trời đào bới, tìm kiếm khắp khu vực huyện Cư Kuin, anh Ngọc và ông Yanien mới tìm thấy được hài cốt không còn nguyên vẹn của liệt sĩ Mai Văn Nhứ tại khu vườn cà phê của một người dân ở xã EaHu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Với những cống hiến hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, liệt sĩ Mai Văn Nhứ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất và rất nhiều phần thưởng cao quí khác. Tuy nhiên, đối với Trung tá Mai Xuân Ngọc nỗi niềm ưu tư, trăn trở nhất đối với anh vẫn là hài cốt không được vẹn nguyên của bố anh.

Dẫu biết rằng chiến tranh là vô cùng nghiệt ngã, là mất mát và đau thương nhưng khi viết bài viết này, chính bản thân tôi cũng cảm thấy lòng mình nặng trĩu. Chỉ biết cầu mong cho linh hồn của liệt sĩ Mai Văn Nhứ cũng như hàng triệu người con trên khắp đất nước Việt Nam này đã đổ máu, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc dưới suối vàng được siêu thoát. Xin được tri ân tất cả

Thái Thanh
.
.