Chuyện về người cận vệ tận tụy

Thứ Hai, 18/02/2013, 12:07
Thiếu tá Sơn là một sĩ quan tiêu biểu trong đội ngũ sĩ quan tiếp cận, từng đoạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các giải bắn súng Quốc gia và Bộ Công an tổ chức, giỏi võ thuật và bơi lội, là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

“Tôi rất vinh dự và tự hào được đứng trong lực lượng đặc biệt, ở một đơn vị đặc biệt. Bên cạnh đó là một trách nhiệm nặng nề, không chỉ trong lực lượng Công an mà còn trước Đảng và nhân dân, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng Cảnh vệ trong các hoạt động trong nước và quốc tế…”.

Đó là những bộc bạch tự đáy lòng của Thiếu tá Phạm Hồng Sơn, sĩ quan tiếp cận thuộc Phòng Bảo vệ tiếp cận các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cận vệ, một nhiệm vụ mà anh đã hoàn thành xuất sắc trong những năm qua bằng sự khổ luyện và ham học hỏi.

Thiếu tá Sơn là một sĩ quan tiêu biểu trong đội ngũ sĩ quan tiếp cận, từng đoạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các giải bắn súng Quốc gia và Bộ Công an tổ chức, giỏi võ thuật và bơi lội, là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

“Đã 6 năm rồi tôi trở thành sĩ quan tiếp cận, công việc đã cuốn tôi đi nhanh quá…”, Thiếu tá Sơn trải lòng. Và, vinh dự luôn đi liền với trách nhiệm nặng nề của người lính cận vệ tuyệt đối trung thành.Trách nhiệm của anh là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trong các hoạt động trong nước và ngoài nước. Để được giao nhiệm vụ này, anh từng là tiếp cận “an ninh xe sau”.

“Khi ấy trách nhiệm được chia cho nhiều người nên ít bị áp lực. Bây giờ trở thành sĩ quan tiếp cận trực tiếp thì trách nhiệm nặng nề hơn”, Sơn chia sẻ. Khi Thủ trưởng (Sơn luôn xưng hô như vậy) đi làm việc ở địa phương hay nước ngoài, anh phải tự lo tất cả từ việc phối hợp với Công an địa phương (an ninh nước sở tại khi đi công tác nước ngoài) với các Bộ, Ban ngành liên quan, nắm chương trình làm việc để xây dựng kế hoạch bảo vệ. Dự kiến các tình huống xấu có thể xảy ra làm mất an toàn cho đối tượng bảo vệ, từ đó có phương án xử lý tối ưu nhất.

Thiếu tá Phạm Hồng Sơn.

Với các địa bàn nhậy cảm hay đi công tác nước ngoài tới các quốc gia  phức tạp về an ninh chính trị thì yêu cầu công tác tiếp cận cần sự nhanh nhẹn, linh hoạt và sáng tạo hơn nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy trình công tác nghiệp vụ, công tác phối hợp với Bộ Ngoại giao và An ninh nước bạn cần phải chặt chẽ, tỉ mỉ hơn mà người cận vệ phải độc lập đảm nhiệm... Tóm lại, là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối 24/24h ở mọi lĩnh vực cho Thủ trưởng và không bao giờ được mất cảnh giác…

Một lần anh tiếp cận Thủ trưởng về chỉ đạo chống bão lũ ở tỉnh Ninh Bình mà vẫn còn... sợ. Vì lo lắng cho tính mạng của hàng ngàn người dân trong vùng lũ, Thủ trưởng đã đến tận nơi bờ đê đang mấp mé nước lũ để kiểm tra. Trên tuyến đê yếu đang bị nước lũ vỗ ì oạp chực bóp nát con đê, một bên mênh mông là nước, một bên là dân. Thấy Thủ trưởng đi trên đê vô cùng nguy hiểm. “Tôi phải báo cáo là đi như vậy không an toàn nhưng Thủ trưởng kiên quyết đến với người dân…”, Sơn kể về những lo lắng.

Thế rồi, Thủ trưởng đi trên đê tràn nước lũ, Sơn ở dưới nước để bảo vệ. Qua đoạn nguy hiểm thì Thủ trưởng kéo tay Sơn lên… Lúc ấy Sơn cảm nhận được rằng, đó là tình cảm của người anh em đồng chí, không còn khoảng cách càng khiến anh cảm động và cố gắng hết sức mình…

Từ khi trở thành sĩ quan tiếp cận, Thiếu tá Phạm Hồng Sơn không ngừng hoàn thiện mình. Từ bắn súng, võ thuật, bơi lội, ngoại ngữ, lái xe… và đặc biệt là phải liên tục nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng giao tiếp. Mấy ai hiểu được nghề của một sĩ quan cận vệ, có người cho rằng phải giỏi võ thuật, bắn súng, bơi lội và… đẹp trai là đủ, tiếp xúc với Sơn mới thấy rằng phải cần cả sự tinh tế.

Sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh, Phạm Hồng Sơn về công tác ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Ngoài vẻ chuẩn mực bề ngoài, Sơn tiếp tục lao vào học nghiệp vụ Cảnh vệ. Thường xuyên tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chính khách quốc tế nên Sơn đã rèn luyện và tự tin trong mọi tình huống.

Nghề nghiệp cũng đòi hỏi ở anh tính tỉ mỉ và chu đáo trong mỗi hành trình công tác. “Có những chuyến đi công tác hàng tháng trời, tôi phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, nhỏ nhặt như kim chỉ để khi cần thiết là có ngay…”, Thiếu tá Sơn chia sẻ. Hiểu Thủ trưởng cần gì, ở lĩnh vực nào.

Muốn vậy, sĩ quan cận vệ cũng phải học, phải thường xuyên cập nhật thông tin ở nhiều lĩnh vực trong nước và quốc tế. Đặc biệt là những lĩnh vực Thủ trưởng phụ trách thì sĩ quan tiếp cận cũng phải nâng cao hiểu biết để phục vụ tốt hơn cho công tác Cảnh vệ.

Khi trò chuyện cùng chúng tôi, anh luôn nhắc đến sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và sự giúp đỡ của đồng đội và ít nói về gia đình bé nhỏ. Nơi ấy là một hậu phương vững chắc, một người vợ cũng là chiến sĩ Công an đã thấu hiểu và cảm thông rất nhiều với công việc của chồng, nỗ lực hết mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ của người sĩ quan cận vệ tiêu biểu được mọi người yêu mến

Kim Thanh
.
.