Chuyện những người săn “tội phạm tàng hình”

Thứ Ba, 12/02/2013, 14:48
Thế giới sôi động trên mạng Internet không chia ranh giới địa cầu, biên giới quốc gia, vùng lãnh thổ. Mật mã, tài sản bị đánh cắp ngay trước mặt mà kẻ tội phạm thì rất có thể ở tận bên kia bờ đại dương. Săn tội phạm rõ mặt đã khó, còn những tên “tội phạm tàng hình” trên Internet thì làm thế nào? Họ - những người đấu tranh với tội phạm ẩn mặt và không biên giới.

Ngày Tết, kể tới bạn đọc những câu chuyện phá án sinh động dưới đây, tôi là người chép chuyện, chẳng thêm bớt điều gì, bởi người phá án là cán bộ, chiến sĩ Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14), Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Hà Nội, những người vẫn quen sống thật với mình...

1. Một trong những chuyên án thành công nhất của Đội 14 là đấu tranh với các đối tượng người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả vào Việt Nam để mua hàng. Các đối tượng trên nằm trong ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, gồm nhiều thành viên mang quốc tịch Malaysia và Trung Quốc. Chúng chia thành nhiều tốp nhỏ, mang thẻ tín dụng giả đến nhiều quốc gia trên thế giới, mua hàng hóa có giá trị cao để mang về nước tiêu thụ.

Phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng trên, nhiều tháng liền, CBCS Đội 14 đã không ngại khó khăn, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động nắm chắc tình hình, nắm mọi di biến động của các đối tượng khi chúng nhập cảnh vào Việt Nam gây án. Chính vì vậy mọi phương án nhằm tóm gọn cả ổ nhóm đều được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng. Nhờ đó, các anh đã bắt quả tang Yee Chin Huat (35 tuổi) và Hoh Swee Tat (42 tuổi) đều mang quốc tịch Malaysia khi chúng sử dụng thẻ tín dụng giả để mua 3 máy tính bảng iPad tại một cửa hàng điện tử trên phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu 77 thẻ VISA giả, 3 máy tính bảng, 9 thẻ bảo hành điện thoại iPhone cùng nhiều đồ vật, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm khác.

Đặc biệt, có nhiều thẻ tín dụng giả có thể quẹt thanh toán số tiền lên tới hàng chục ngàn USD. Nếu các đối tượng không bị bắt, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức ngân hàng không phải là nhỏ.

Bắt được các đối tượng nhưng việc đấu tranh, mở rộng vụ án thực sự là thử thách đối với các cán bộ Đội 14, bởi các đối tượng này giả vờ câm điếc, không trả lời bất cứ câu hỏi gì của cán bộ điều tra. Không chỉ thế, sự bất đồng về ngôn ngữ khiến các anh không dễ gì thu thập tài liệu để mở rộng vụ án. Thế nhưng, với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, các anh đã vận động được quần chúng tốt là người nước ngoài phối hợp, đồng thời thuyết phục, vận động các đối tượng khai báo. Từ đó, các anh đã lần lượt  bắt giữ 7 đối tượng, trong đó có 1 đối tượng truy nã của Cảnh sát Malaysia, làm rõ ổ nhóm gồm gần 20 đối tượng.

Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng PC45 chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ Đội 14 đấu tranh với đối tượng phạm tội.

Chuyên án thành công đặc biệt bởi ngoài việc bắt quả tang các đối tượng sử dụng thẻ giả để mua hàng, các anh còn làm rõ chúng trực tiếp sản xuất thẻ tín dụng giả tại Hà Nội và điều quan trọng hơn là đã thuyết phục được một số công dân là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam giúp đỡ các anh phá án.

2. Vụ án được sự quan tâm đặc  biệt của dư luận mà Đội 14 cùng với Phòng 2, C50 phát hiện điều tra, đó là làm rõ các đối tượng trong Công ty cổ phần Đào tạo trực tuyến (MB 24) thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của hàng trăm nghìn người.

Theo sát các anh trong những ngày đó, chúng tôi mới thấy hết được sự vất vả, gian khổ, khó khăn của những người làm nhiệm vụ, ngoài việc phải làm việc cật lực ngày đêm, các anh còn phải đấu trí, đấu lực với các đối tượng cầm đầu – những kẻ luôn tin có bàn tay to lớn nào đó bảo vệ mình. Thực sự, để đưa các đối tượng này ra ánh sáng, là cả một quá trình, bởi đây là một trong những vụ án đầu tiên hình thức phạm tội theo dạng này bị xử lí. Sau khi làm rõ được hành vi phạm tội, Công an Phú Thọ và Công an Hà Nội nổ “phát súng” đầu tiên, khám xét khẩn cấp văn phòng trụ sở MB24.

Tại thời điểm các anh thực hiện lệnh khám xét, đối tượng vẫn leo lẻo cho rằng mình không phạm tội, thậm chí Ngô Văn Huy và Lê Văn Cường (Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc MB24) còn “diễn thuyết” cả bài dài về những lợi ích do việc mua gian hàng trực tuyến của chúng đem lại. Còn các bị hại, họ vẫn trong cơn u mê, tin theo đối tượng, mong được làm giàu nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau, các đối tượng đã lần lượt thừa nhận mục đích của MB 24 là chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Từ điểm “nổ” ở Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã chỉ đạo Công an 32 tỉnh, thành phố đồng loạt khám xét, thu thập tài liệu  các Văn phòng MB 24 để điều tra, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục hành vi phạm tội. Đến nay, ngoài việc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng chính trong Công ty MB24, Đội 14 còn mở rộng, điều tra, xử lí các đối tượng lãnh đạo tại các chi nhánh ở Hà Nội; Công an hàng chục tỉnh, thành phố cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng phạm tội tại địa phương mình.

Chuyên án còn trong giai đoạn điều tra nhưng thành công thấy rõ là đã ngăn chặn được các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền. Điều đó cũng có nghĩa đã cứu được hàng nghìn gia đình khỏi cảnh tan nát vì trót ham mê làm giàu nhanh chóng. Không chỉ thế, thành công của chuyên án còn là điểm tựa chắc chắn để lực lượng Công an cả nước triệt xóa hàng loạt công ty có hành vi lừa đảo bán gian hàng đa cấp trên mạng dạng MB 24 như: Tâm Mặt Trời; Tây Thanh…

Cán bộ Đội 14, PC45 Hà Nội đọc lệnh bắt đối tượng Ngô Văn Huy, Tổng Giám đốc MB 24.

3. Làm nhiều loại án, nhưng điều khiến cán bộ, chiến sĩ Đội 14 trăn trở nhất đó là khám phá những vụ sử dụng mạng viễn thông, Internet phát tán tài liệu, nhắn tin đe dọa, khủng bố, bôi xấu nhau. Mỗi năm, các anh nhận được hàng trăm đơn của nạn nhân, họ rất bức xúc, thậm chí lo lắng, khủng hoảng tinh thần. Chính vì vậy, mỗi khi nhận đơn, dù nhiều công việc nhưng CBCS Đội 14 đều cố gắng tập trung lực lượng làm rõ.

Còn nhớ, cách đây mấy tháng tại một công ty lớn, các cán bộ lãnh đạo bị đối tượng xấu phát tán tài liệu trên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm. Nhận nhiệm vụ, các anh đã lần tìm từng chi tiết, từng mối quan hệ để tìm hiểu nguyên nhân, xác định chính xác đối tượng hành vi soạn thảo, phát tán thông tin, tài liệu sai sự thật nhằm xúc phạm, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo mình.

Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng tâm sự: “Những vụ án dạng này tuy thiệt hại về tài sản không nhiều nhưng sẽ minh oan, giải tỏa được nỗi lo âu, phiền muộn cho bị hại, vạch mặt đối tượng phạm tội. Nhưng ở một khía cạnh khác, đa số đối tượng lại chính là người thân, hàng xóm, đồng nghiệp hay bạn bè của bị hại. Đây cũng là điều khiến chúng tôi rất trăn trở bởi có những người chỉ vì bức xúc mâu thuẫn nhỏ nhưng vì sự ích kỷ, vì cho rằng có thể che giấu được chân tướng nên đã xúc phạm, đe dọa người khác và chính họ phải trả giá cho hành động của mình…”.

Từ những thành tích vượt bậc đó, đơn vị liên tục đạt danh hiệu Quyết thắng, năm 2012, được Công an TP Hà Nội đề nghị Chủ tịch nước thưởng Huân chương Chiến công cho tập thể; Đội trưởng Ngô Minh An, 2 Đội phó là Thiếu tá Đào Trung Hiếu và Thiếu tá Phạm Đức Hà được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều cá nhân được Bộ Công an và các cấp khen thưởng... Nhưng trên hết những thành tích, những chiến công, đó là tinh thần đồng đội, học hỏi lẫn nhau, ý chí vươn lên. Các anh luôn coi đây mới chính là “mấu chốt” làm nên những chiến công.

Chúng tôi rời số 7 Thiền Quang khi thành phố đã lên đèn, bên trong trụ sở,  mọi người đang cắm cúi với công việc mà không biết rằng trời đã tối rất nhanh, không tưởng tới Tết đã cận kề, trước mắt họ đang cả một núi công việc cần giải quyết. Tất cả họ đều đang chung một quyết tâm, đưa các đối tượng vô hình ra ánh sáng với thời gian nhanh nhất. Và tôi tin, với sự nhiệt thành và quyết tâm như vậy, chắc chắn các anh sẽ thành công.

Điều tra giỏi, phá án nhanh, giữ vững niềm tin trong quần chúng;
Kỷ luật nghiêm, phục vụ tốt, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân.

Nguyễn Quang Phấn

Phương Thủy (Báo CAND Tết 2013)
.
.