Chuyện những người “đi trước về sau”

Thứ Sáu, 25/01/2019, 09:17
Trong năm 2018, một chiến công lớn, nổi bật ghi dấu ấn đặc biệt của Công an tỉnh Phú Thọ được cả nước biết đến, đó là chuyên án đấu tranh với đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và quy mô lớn, phạm vi của tội phạm xảy trên địa bàn cả nước.

Phía sau chiến công của các đơn vị trực tiếp tham gia phá án còn có một lực lượng âm thầm nhưng góp phần không nhỏ vào thành công của vụ án, họ là những cán bộ làm công tác hậu cần. Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ phương tiện từ những ngày đầu xác lập án cho đến khi phiên tòa xét xử công khai diễn ra... 

Ngoài việc hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật đảm bảo an ninh phiên tòa; lo hậu cần cho đội ngũ tham gia bảo vệ phiên tòa còn là việc chăm sóc y tế, giúp các bị cáo có đủ sức khỏe tham gia phiên tòa kéo dài trong suốt 12 ngày…

1. Chúng tôi đến Phòng Hậu cần Công an tỉnh Phú Thọ khi Trung tá Quách Văn Quyết, Trưởng phòng cùng các cán bộ đơn vị đang bộn bề bên những chồng hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình duyệt... 

“Vào thời điểm này, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ đề nghị và được Cục Hậu cần thẩm định, trình lãnh đạo Bộ Công an duyệt thiết kế thi công, tổng dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc khối cảnh sát; dự án xây dựng một số phường thuộc địa bàn TP Việt Trì...”  rời bàn làm việc, Trung tá Quách Văn Quyết tiếp chuyện chúng tôi.  

Những chia sẻ của đồng chí trưởng phòng giúp tôi nhận ra, công tác hậu cần ngoài việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật như tài chính, kế toán còn là quản lý phương tiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và nhà đất; vũ khí, công cụ hỗ trợ, khám, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ. 

Cán bộ Phòng Hậu cần Công an tỉnh Phú Thọ chăm sóc sức khỏe cho các bị cáo tại phiên tòa đánh bạc nghìn tỷ đồng.

“Một người lo bằng kho người làm”, ngay từ đầu năm 2018, đơn vị đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2018, với tổng giá trị 7 tỷ đồng (tăng 5 tỷ đồng so với năm 2017). 

Hiện nay, ngoài công trình trụ sở làm việc của Đội tuần tra kiểm soát giao thông, Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn là trụ sở làm việc của Đội Công an Khu Công nghiệp Trung Hà thuộc Công an tỉnh Phú Thọ với mức đầu tư khoảng 17 tỷ đồng... 

Đồng thời, đề nghị và được UBND tỉnh Phú Thọ cấp kinh phí, qua đó triển khai mua sắm, cấp phát tiêu chuẩn trang phục năm 2018 cho lực lượng Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, với tổng giá trị hơn 5,3 tỷ đồng...

Phía sau những số liệu khô khan là trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ ở một đơn vị làm công tác hậu cần... Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, Trung tá Quách Văn Quyết và tập thể Phòng Hậu cần phải tính toán làm sao để đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác chiến đấu cũng như chăm lo đời sống và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sỹ để họ yên tâm công tác. 

Với việc chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch sử dụng phân bố và giao chỉ tiêu ngân sách năm 2018 theo hướng ưu tiên cho các đơn vị chiến đấu; các địa bàn trọng điểm và Công an các huyện thành thị ngay từ đầu năm, đơn vị đã tiết kiệm trên một số mục chi được số tiền trên 2.430 tỷ đồng.

2. Cùng với công tác hậu, đơn vị còn tham gia phục vụ công tác chiến đấu thường xuyên, đột xuất của lực lượng; đã thực hiện lái xe phục vụ chiến đấu 393.369km an toàn... Đặc biệt, trong những ngày phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng diễn ra, cán bộ Phòng Hậu cần Công an tỉnh đã tham gia tích cực vào phiên tòa xét xử.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Xuân Việt, cán bộ Phòng Hậu cần cho biết: Trong những ngày phiên tòa diễn ra, anh cùng với các cán bộ của đơn vị gồm 1 lái xe và 2 y, bác sỹ thường xuyên túc trực tại phiên tòa. 

Hàng ngày, họ rời nhà từ lúc trời còn còn tang tảng sáng và trở về khi đã tối sẫm mặt người. Các trường hợp bị dẫn giải tại phiên tòa hầu hết đều mắc bệnh tiền sử như huyết áp, tim mạch và một số bệnh kinh niên khác. Trong phiên tòa đông người, lại bị căng thẳng nên không ít trường hợp đã bị tăng huyết áp như bị cáo Hà... 

Trường hợp của bị cáo Lưu Thị Hồng thì thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, bỏ ăn có nguy cơ bị ngất xỉu bất cứ lúc nào. Nếu không được thăm khám thường xuyên, trong tình huống xấu xảy ra thì phiên tòa quan trọng buộc phải hoãn lại. 

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2018, đã tổ chức khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho 14.343 lượt cán bộ và nhân dân. 

Đồng thời, tổ chức khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 80 lượt đồng bào dân tộc, đối tượng chính sách trên địa bàn bản Ú, xã Thu Cú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và gần 100 gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn đơn vị đóng quân...

Những ai từng đặt chân đến Công an tỉnh Phú Thọ đều có một suy nghĩ chung, nơi đây như một công viên giữa lòng thành phố Việt Trì. Dọc con đường dẫn vào trụ sở Công an tỉnh sạch sẽ, rợp bóng xây xanh. 

Trong những năm qua, Phòng Hậu cần Công an tỉnh đã duy trì khung cảnh nền nếp, tạo môi trường làm việc cho  đơn vị... Hằng năm, cùng với việc phân bổ đúng nguồn kinh phí được cấp, Phòng Hậu tiếp tục duy trì việc gia công, sản xuất biển số xe cơ giới đường bộ và các sản phẩm cơ khí nghiệp vụ; đồng thời nghiên cứu mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh tại Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ.

Bởi vậy, doanh thu từ sản xuất, kinh doanh năm 2018 ước đạt hơn 30,370 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1 tỷ đồng...

Tính từ năm 1997, sau tái lập tỉnh Phú Thọ đến nay, Phòng Hậu cần – Kỹ thuật đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (giai đoạn 2007 - 2011), 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; có 21 năm liên tục (từ 1997 đến 2017) đạt Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. 

Trong đó có 17 năm dẫn đầu phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” khối Xây dựng lực lượng - Trực thuộc – Hậu cần, được Bộ Công an và UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Năm 2018, đơn vị vinh dự được đề nghị tặng Cờ thi đua của Bộ Công an.

Xuân Mai
.
.