Chuyện nghề sau những giải thưởng báo chí

Thứ Ba, 01/11/2016, 08:44
Với những người làm báo cả nước, hằng năm gửi tác phẩm tham dự giải báo chí toàn quốc (trước kia) và giải báo chí quốc gia là một kỳ “sát hạch” để những người cùng nghề đánh giá chất lượng và sức lan tỏa, tác động xã hội của mỗi tác phẩm. Đặc biệt với lĩnh vực báo in, để đoạt Giải Báo chí quốc gia là cuộc đấu đầy khó khăn bởi năm nào số lượng tác phẩm dự giải cũng chiếm số lượng rất lớn. 


Trong 20 năm qua (1996 - 2015), Báo CAND - Chuyên đề An ninh thế giới đã liên tục có tới 40 lượt tác giả và nhóm tác giả được Giải Báo chí toàn quốc, Giải Báo chí quốc gia. Đằng sau mỗi tác phẩm đoạt giải là những câu chuyện nghề và niềm mê của người viết…

1. Gần 25 năm gắn bó với Báo CAND, trong đó có gần một nửa thời gian làm công tác quản lý với cương vị Phó Tổng biên tập, nhưng Đại tá, nhà báo Lưu Vinh (đã nghỉ hưu năm 2012) luôn đam mê với những chuyến đi và viết. Và niềm đam mê ấy đã được vinh danh bằng 8 Giải Báo chí Quốc gia, trong đó có 3 giải B, 4 giải C, 1 giải Khuyến khích cùng nhiều giải thưởng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trung ương khác.

Nhà báo Lưu Vinh bảo rằng đằng sau mỗi tác phẩm được giải luôn có rất nhiều kỷ niệm, nhưng ông nhớ nhất chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ. Lần ấy, phía Mỹ đã đưa đoàn tới thăm khách sạn House Parker tại thành phố Boston, nơi có lò bánh mà những năm đầu thế kỷ XX, Bác Hồ đã đến làm công việc của một người thợ làm bánh. 

“Tôi không nghĩ cuộc đời làm báo của mình đã được đến nơi mà cách đây nửa thế kỷ người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sống và làm việc. Đó là khoảng thời gian Bác là thợ làm bánh ở khách sạn House Parker tại thành phố Boston (Hoa Kỳ). Bây giờ gian bếp này đã trở thành một khu di tích lịch sử dành cho khách tham quan khắp thế giới.

Mặc dù chỉ lưu lại ở khách sạn này gần một tiếng đồng hồ, được nhìn thấy, sờ vào bàn làm bánh mà Bác từng làm bánh, được nghe vị hướng dẫn viên kể về những năm tháng Bác làm việc nơi đây, tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2012 tặng các tác giả. Nhóm tác giả Báo CAND đoạt giải A với loạt bài “Tập đoàn kinh tế nhà nước - những lát cắt thời sự”. Ảnh: Thiện Hoàng.

Về nước tôi còn phải đến một số nơi để thu thập tài liệu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch để tìm hiểu về quãng thời gian người sống và làm việc tại đây”. Sau chuyến đi ấy, Lưu Vinh đã viết bài ghi chép "Dấu ấn Bác Hồ ở Boston" và đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an. Tác phẩm này đã được Giải Báo chí toàn quốc năm 2005. Nhà báo Lưu Vinh bảo rằng dù sau này còn nhiều chuyến công tác nước ngoài, nhưng với ông đó vẫn là chuyến đi đáng nhớ nhất.

2. Nhắc tới những tác giả đoạt nhiều giải báo chí ở Báo CAND trong 20 năm qua, còn có Đại tá nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập,  người đã 7 lần đoạt Giải Báo chí toàn quốc và Giải Báo chí Quốc gia với 2 giải A, 1 giải B, 3 giải C và 1 giải Khuyến khích.

Đại tá Nguyễn Như Phong vẫn nhớ lại những ngày đi viết bài về vụ án ma túy Xiêng Phênh-Vũ Xuân Trường, loạt bài sau đó đã mang lại cho ông giải A Giải Báo chí toàn quốc năm 1997 với nhiều kỷ niệm khó quên.

Nhà báo Nguyễn Như Phong kể rằng khi đó Chuyên đề An ninh thế giới sau gần một năm ra mắt bạn đọc dù trở thành hiện tượng báo chí; nhưng số lượng phát hành sau một giai đoạn tăng lên hơn 10 vạn bản/kỳ thì giữ nguyên.

Đang lúc loay hoay chưa biết tìm cái gì để viết cho báo “nóng” thì cơ quan CSĐT Công an Hà Nội kết thúc điều tra vụ án Vũ Xuân Trường, chuẩn bị chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát truy tố. Ngày ấy, đây là vụ án ma túy xuyên quốc gia có số lượng lớn nhất. Không những thế, trong hàng chục bị can của vụ án, ngoài các bị can người Lào như Xiêng Phênh, còn có nhiều người từng là Công an, Bộ đội Biên phòng nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Sau khi có kết luận điều tra, các báo đều đã đăng về vụ án. Nhưng tất cả đều đăng theo kết luận điều tra vì các phóng viên theo mảng nội chính đều tìm cách xin kết luận điều tra về… làm thành bài. Vì thế dù có “mông má” kiểu gì thì thông tin cũng na ná nhau, nghĩa là chỉ tập trung vào vụ án có bao nhiêu bị can, mua bán bao nhiêu bánh heroin, cách thức vận chuyển thế nào…

Nếu cũng đi xin bản kết luận điều tra về chép lại thì sẽ không ai đọc bài trên An ninh thế giới nữa. Vì thế khi sang làm việc với cơ quan điều tra, nhà báo Như Phong đã đề nghị được gặp cả những trinh sát, điều tra viên trực tiếp hỏi cung Xiêng Phênh, Vũ Xuân Trường và các bị can. Nhờ có mối quan hệ thân thiết từ Ban giám đốc tới các điều tra viên trực tiếp làm án, nhà báo Như Phong được đặc cách cho vào đọc hồ sơ vụ án. Và đây thực sự là mỏ vàng thông tin. Nhưng chỉ được đọc trong 1 tiếng và không được photo.

Bằng “biện pháp nghiệp vụ”, nhà báo Như Phong thu thập được nhiều thông tin quý giá. Từ nguồn tư liệu này kết hợp với những câu chuyện bên lề vụ án từ các trinh sát, điều tra viên tham gia vụ án, nhà báo Nguyễn Như Phong đã viết loạt phóng sự 5 kỳ về vụ án Vũ Xuân Trường với tư liệu độc quyền, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của độc giả.

Đây là lần đầu tiên, báo chí ở Việt Nam có cách viết vụ án bằng phóng sự, trong đó không chỉ có nội dung vụ án mà cái tôi tác giả cũng được thoải mái thể hiện khi nhà báo Như Phong đã kể lại rất nhiều kỷ niệm của ông về những bị can trong vụ án khi họ còn là Bộ đội Biên phòng ở Lai Châu.

Với cách viết mới như thế, loạt bài phóng sự này đã khiến An thế giới tăng số lượng chóng mặt. Loạt bài phóng sự này sau đó đã được giải A Giải Báo chí toàn quốc năm 1997. Không những thế, từ loạt phóng sự này đã khai mở và sau này tạo thành phong cách riêng trong viết vụ án của Chuyên đề An ninh thế giới, đó là ngoài thông tin vụ án, còn khai thác kỹ nhân thân của từng đối tượng, qua đó khắc họa con người và lý giải nguyên nhân phạm tội của các bị can trong vụ án.

Nhà báo Nguyễn Như Phong nhận giải Báo chí toàn quốc năm 1999 với tác phẩm “Theo chân những người truy lùng thủ phạm cướp tiệm vàng Kim Sinh”.

3. Nhưng, trong những tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia trong 20 năm qua của Báo CAND, ngoài những tác phẩm thuộc thế mạnh truyền thống của Báo CAND là các bài đấu tranh với những luận điệu xuyên tác của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do dân chủ để chống phá nhà nước; những bài điều tra về các vấn đề an ninh trật tự, văn hóa- xã hội, … những năm gần đây, Báo CAND còn đoạt giải cao cho những loạt bài điều tra về các vấn đề kinh tế.

Trong đó, ngoài điều tra vào những vụ việc cụ thể như những loạt bài phóng sự điều tra: “Vạch mặt những hành vi tham nhũng ở Bến xe miền Đông” của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Xe, Nguyễn Thanh Hải, Trần Thúy Hà (giải B năm 2006); “Gian lận xăng dầu - hành vi nghiêm trọng phải xử lý” của nhóm tác giả Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Xuân Xe, Nguyễn Thị Thu Phương, Ngô Hương Sen, Trần Thị Hằng, Nguyễn Hương, Nguyễn Đức Thắng (giải B năm 2008); “Gần 400ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm” của nhóm tác giả Lưu Hiệp - Hà Ly (giải B năm 2015)…

Đặc biệt có hai tác phẩm đã đặt ra nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô về cơ chế quản lý kinh tế, đó là loạt phóng sự điều tra “Vụ án EPCO- Minh Phụng sau 10 năm nhìn lại: vẫn thời sự và nóng bỏng” của tác giả Nguyễn Công Long (giải A năm 2007) và “Tập đoàn kinh tế nhà nước - những lát cắt thời sự” của nhóm tác giả Phạm Văn Miên, Phan Đăng Trường, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy (giải A năm 2012).

Nhắc lại quá trình tác nghiệp để triển khai loạt bài “Tập đoàn kinh tế nhà nước- Những lát cắt thời sự”, nhà báo Phan Đăng Trường, Trưởng ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ kể rằng năm 2012, vấn đề tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước là chủ đề thời sự nóng trên cả diễn đàn Quốc hội tới từng doanh nghiệp. Ban Biên tập Báo CAND quyết định cần phải thực hiện một chuyên đề.

Thời điểm ấy những thông tin về tập đoàn kinh tế nhà nước tràn ngập, từ các báo cáo tại Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đến các bài phản ánh trên mọi phương tiện báo chí. Thông tin đa dạng là thuận lợi, nhưng lại đặt ra thách thức với nhóm thực hiện chuyên đề là phải thực hiện thế nào để bài báo tạo được dấu ấn, bản sắc riêng, không bị “chìm” giữa biển thông tin bởi nếu chỉ là việc nói lại, nhắc lại những gì báo chí, dư luận đã đề cập thì đó chỉ là bản copy không giải quyết bất cứ điều gì.

Trực tiếp chỉ đạo thực hiện loạt bài viết, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, khi đó là Đại tá, Phó Tổng biên tập đã nhắc nhở: “Một bài báo hay không có chỗ cho sự dễ dãi. Tạo được dấu ấn với đề tài thời sự nóng bỏng như tập đoàn kinh tế là rất khó khăn, nhưng đó cũng là bài toán chứng minh khả năng, trình độ của người làm báo”.

Sau gần hai tháng, loạt bài “Tập đoàn kinh tế nhà nước - Những lát cắt thời sự” được định hình với 5 kỳ, mỗi kỳ đều đề cập một góc độ khác nhau. Nhằm tăng tính thuyết phục, tạo ra sức nặng cho loạt bài, nhóm tác giả đã tạo ra một diễn đàn mở để các chuyên gia về kinh tế cùng thảo luận, đưa ra những đánh giá, nhận định về thực trạng nền kinh tế cũng như đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng Chính phủ, tạo thêm niềm tin cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn đó.

Thượng tá, Phó tổng biên tập Phạm Khải nhận giải C giải Báo chí Quốc gia năm 2014 với tác phẩm “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ”.

Điểm mới trong loạt bài này là tiếp cận vấn đề kinh tế tập đoàn từ góc nhìn của báo chí, bằng sự tích hợp, đánh giá trên cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành, thí điểm phát triển tập đoàn ở Việt Nam; tổng hợp và đúc rút những thông tin pháp lý từ các cơ quan chức năng (Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành), từ đó tìm ra các luận chứng cơ bản, nhất là những yếu tố chính dẫn tới các tồn tại, tiêu cực làm thất thoát kinh tế. Vì vậy loạt bài của Báo CAND đã vượt qua các báo chuyên về kinh tế, đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2012.

Nhà văn, nhà báo người Mỹ James McBride từng nói một câu rất hay rằng “Đối với một nhà báo, mỗi tình tiết nhỏ đều có một câu chuyện”. Nghề báo là nghề nhọc nhằn bởi mỗi ngày qua đi, mỗi người lại phải biết tự làm mới mình để không lạc hậu với thời cuộc và đồng nghiệp. Và trong hành trình nhọc nhằn với con chữ, với sự kiện ấy, luôn cần niềm đam mê với nghề…

Đại úy Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng Ban Kinh tế - Văn hóa -Xã hội: Chúng tôi may mắn có được những “cộng tác viên đặc biệt”

Năm 2006, tôi và Đại tá Trần Thanh Phong (hiện là Trưởng ban Phát triển bạn đọc, Báo CAND) đạt giải C Giải Báo chí quốc gia với loạt bài phóng sự điều tra “Thiết bị dạy học, tiền tỉ ném ra gió”. Trước khi bắt đầu loạt bài này, tôi đã viết một bài báo đơn lẻ phản ánh tình trạng đắp chiếu thiết bị dạy học tại một trường THCS ở thị xã Hà Đông (giờ là quận Hà Đông), Hà Nội. Nhưng ngay sau đó, bài báo của tôi bị “phản ứng” vì Hà Đông cho rằng, thiết bị của họ vẫn được sử dụng hiệu quả.

Đúng lúc đó, tôi nhận được một bức thư của một độc giả, đại diện cho một nhóm nhà khoa học chuyên nghiên cứu, sản xuất về thiết bị dạy học tha thiết mong muốn Báo CAND đi tiếp vấn đề này.

Ngay sau đó, tôi đã báo cáo Ban Biên tập. Ban Biên tập đã cử tôi và Đại tá Trần Thanh Phong tiếp tục điều tra vấn đề thiết bị nói trên. Chúng tôi may mắn có được khá nhiều “cộng tác viên” đặc biệt (họ là nhà giáo, nhà khoa học và cả những người kinh doanh thiết bị) đứng phía sau ủng hộ, tin tưởng và cung cấp tài liệu.

Từ những tư liệu này,  chúng tôi đã cho ra loạt bài “Thiết bị dạy học, tiền tỉ ném ra gió”. Hiệu ứng sau đó là Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời để các đơn vị liên quan làm lại giá thiết bị, đưa giá thiết bị về sát với giá thị trường, ngăn chặn một khoản tiền lớn ngân sách bị thất thoát.

Nhà báo Lưu Thị Thúy Hiệp: Chuyến công tác Tây Bắc đáng nhớ

Qua nguồn tin cung cấp của nhân dân, lãnh đạo Ban Biên tập và Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội đã giao tôi và nhà báo Nguyễn Hà Ly đi thực hiện đề tài phản ánh về thực trạng rừng bị tàn phá ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trong hành trình gần 800 km, với những cung đường đèo dốc cua tay áo, với những cơn mưa rừng xối xả… chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị tàn phá một cách không thương tiếc. Rừng mất đồng nghĩa với thiên tai và đói nghèo. Thật xót xa!!!…

Chúng tôi đã viết loạt bài “Gần 400ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm?”  với mong muốn cơ quan chức năng cùng với đề ra giải pháp giữ rừng, cần phải có chính sách với người dân. Loạt bài này đã được giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2015.


Tác phẩm và tác giả đoạt Giải Báo chí Quốc gia

4 giải A của các tác giả và nhóm tác giả:

- Nguyễn Như Phong với tác phẩm:

“Đường dây ma túy Xiêng Phênh-Vũ Xuân Trường” - năm 1997

“Mặt thật của một vài người mượn danh “hiền sĩ” khoác chiêu bài “dân chủ”.

- Nguyễn Công Long với tác phẩm “Vụ án EPCO- Minh Phụng sau 10 năm nhìn lại: vẫn thời sự và nóng bỏng” - năm 2007.

- Phạm Văn Miên, Phan Đăng Trường, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy với tác phẩm “Tập đoàn kinh tế nhà nước- những lát cắt thời sự” - năm 2012.

13 giải B của các tác giả, nhóm tác giả:

- Nguyễn Hồng Lam với tác phẩm “Ku-su Jeong, người viết lại di chúc cho những oan hồn” - năm 2000.

- Lưu Vinh - Hồng Thái với tác phẩm “Vạch trần bộ mặt thật của ông Lê Quang Liêm” - năm 2001.

- Lưu Vinh, Xuân Luận, Ngọc Yến, Hồng Hạnh với tác phẩm “Doanh nhân Việt Nam- nụ cười nước mắt” - năm 2006.

- Nguyễn Thiêm với tác phẩm “Công an xã - anh là ai?” – năm 2006

- Xuân Xe, Nguyễn Thanh Hải, Trần Thúy Hà với tác phẩm “Vạch mặt những hành vi tham nhũng ở Bến xe miền Đông” – năm 2006.

- Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Xuân Xe, Nguyễn Thị Thu Phương, Ngô Hương Sen, Trần Thị Hằng, Nguyễn Hương, Nguyễn Đức Thắng với tác phẩm “Gian lận xăng dầu - hành vi nghiêm trọng phải xử lý” – năm 2008.

- Nguyễn Như Phong với tác phẩm “Cận cảnh Tam Giác Vàng” - năm 2009

- Vũ Hân, Hương Sen, Ngọc Yến, Nguyễn Thái, Hương Giang, Thu Thủy, Anh Hiếu, Lê Quân, Nguyễn Văn Bình, Đặng Ngọc Như với tác phẩm “Ngăn chặn thành công “cơn bão” thu gom sổ đỏ” - năm 2009.

- Trần Thanh Phong, Sông Lam, Thanh Bình, Nguyễn Hưng, Hồng Phú, Lê Quân, Hữu Toàn với tác phẩm “Từ vùng bão miền Trung - đi tìm giải pháp sống an toàn” - năm 2010.

- Phạm Văn Miên, Vũ Hân với tác phẩm “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện” – năm 2011.

- Nguyễn Hồng Thái, Sông Lam, Hồ Tuyên với tác phẩm “Vạch trần thủ đoạn của các thế lực thù địch phá hoại hiến pháp” - năm 2013.

- Lưu Hiệp, Hà Ly với tác phẩm “Gần 400ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm?” – năm 2015.

- Phan Đăng Trường với tác phẩm “Hòa hợp dân tộc - một góc nhìn chân thực nhất” – năm 2015.

17 giải C của các tác giả, nhóm tác giả

- Hữu Ước với tác phẩm “Một chặng đường nước Mỹ” - năm 1998

- Nguyễn Như Phong với các tác phẩm:

“Trở lại Trường Sa” - năm 1996

“Theo chân những người truy lùng thủ phạm cướp tiệm vàng Kim Sinh” - năm 1999

“Chuyện ở một vùng chùa Khơ me cổ” - năm 2003

- Đặng Vương Hưng với tác phẩm “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than” - năm 2000.

- Như Bình - Hoài Thanh với tác phẩm “Cuộc đời của người thanh niên đầu tiên được nhận Huy chương Lênin” - năm 2002.

- Lưu Vinh - Hồng Thái với tác phẩm “Về sự kiện Tây Nguyên” – năm 2004

- Nguyễn Hồng Lam với tác phẩm “Người nông dân 10.000 lần chạm mặt tử thần” – năm 2005.

- Nguyễn Hưng, An Bình, Trần Hằng, Cao Hồng với tác phẩm “Đấu tranh với tệ nạn ở Hà Nội” - năm 2005.

- Trần Thanh Phong, Nguyễn Thị Thu Phương với tác phẩm “Thiết bị dạy học - tiền tỉ ném ra gió” - năm 2006.

- Lưu Vinh, Hồng Thái, Anh Hiếu với tác phẩm “Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng với đất nước” - năm 2009.

- Lưu Vinh - Xuân Luận với các tác phẩm:

 “Bác Hồ với quyết định “thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt” – năm 2010.

“Văn hóa giao thông, trông người mà ngẫm đến ta” – năm 2011.

- Hồng Thái – Kiều Khải với tác phẩm “Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến” - năm 2011.

- Quý Thanh với tác phẩm “Cù Huy Hà Vũ và chiêu bài nhân cách” – năm 2011.

- Trần Hoàng Thiên Kim với tác phẩm “Những nạn nhân của khuynh hướng báo “lá cải” – năm 2013.

- Phạm Khải với tác phẩm “Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ” - năm 2014.

6 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Khuyến khích

- Lưu Vinh với tác phẩm “Dấu ấn Bác Hồ ở Boston” – năm 2005.

- Nguyễn Như Phong với tác phẩm “Cienco5 và câu chuyện… 3T “ – năm 2007.

- Nguyễn Hồng Thái với tác phẩm “Xử lý nghiêm hành vi chống đối nhà nước của Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân: Những kẻ cuồng vọng” – năm 2007.

- Lưu Vinh, Đăng Trường với tác phẩm “Đấu tranh chống hành vi vi phạm Luật Đất đai ở Hà Nội” - năm 2008.

- Xuân Luận, Nguyễn Hương với tác phẩm “Chuyện những người tù trở về” - năm 2009.

- Xuân Xe với tác phẩm “Nhức nhối tội phạm người nước ngoài”- năm 2010.

Tân Lương
.
.